Bảo đảm an toàn lưới điện vào mùa mưa
(BDO) Gần đây, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra một số sự cố, tai nạn về điện dẫn đến chết người. Một trong những nguyên nhân chính là do vi phạm khoảng cách an toàn hành lang lưới điện (HLLĐ). Trước tình trạng trên, các ngành chức năng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo đảm an toàn lưới điện, hạn chế thấp nhất những tai nạn tương tự xảy ra.
Đơn vị chức năng kiểm tra hệ thống lưới điện cao áp để đề phòng sự cố lưới điện. Ảnh: MINH DUY
“Phớt lờ” nguy hiểm
Trên cơ sở Luật Điện lực năm 2004, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 14/2014/ NĐ-CP ngày 26-2-2014 quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về an toàn điện (gọi tắt là Nghị định 14). Để bảo vệ công trình lưới điện, Nghị định 14 đã nêu rõ các hành vi bị nghiêm cấm như thả diều, vật bay gần công trình lưới điện cao áp có khả năng gây sự cố lưới điện; lắp đặt ăng-ten thu phát sóng; dây phơi; giàn giáo; biển, hộp đèn quảng cáo và các vật dụng khác tại các vị trí mà khi bị đổ, rơi có thể va chạm vào công trình lưới điện cao áp; trồng cây hoặc để cây vi phạm khoảng cách an toàn đối với đường dây dẫn điện trên không, trạm điện…
Mặc dù, các ngành chức đã tuyên truyền rất nhiều về công tác bảo vệ HLLĐ nhưng tình trạng vi phạm HLLĐ vẫn diễn biến phức tạp. Theo ghi nhận của P.V, dọc theo các tuyến đường Thủ khoa Huân, 22-12 (TP.Thuận An); quốc lộ 1K, ĐT743B (TP.Dĩ An)… có nhiều biển hiệu “ôm” trụ điện trung thế hoặc có nguy cơ đổ, rơi vào dây điện, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn về điện. Thực tế gần đây, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra một số tai nạn về điện dẫn đến chết người.
Theo thống kê của Công ty Điện lực Bình Dương (PCBD), từ đầu năm 2020 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 23 sự cố do vi phạm HLLĐ cao áp, 44 vụ tai nạn điện trong nhân dân làm 2 người chết và 2 người bị thương. Nguyên nhân chủ yếu là do người dân sửa chữa nhà, thả diều gần đường dây điện cao thế và điều khiển phương tiện vi phạm khoảng cách an toàn phóng điện dẫn đến sự cố, tai nạn điện. Gần đây nhất là vụ tai nạn điện xảy ra ở khu phố Tân Hội, phường Tân Hiệp, TX.Tân Uyên khiến một người đàn ông bị thương.
Gắn tuyên truyền với xử lý vi phạm HLLĐ
Trước tình hình vi phạm HLLĐ diễn biến phức tạp, các ngành chức năng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm chấn chỉnh. Ông Lưu Văn Tuấn, Phó Giám đốc Điện lực Thuận An, cho biết: “Hiện nay đơn vị đang quản lý 445,8km đường dây trung thế và 439km đường dây hạ thế cùng hơn 3.500 trạm biến áp. Do tốc độ đô thị hóa, các công trình dân dụng gần đường dây điện rất nhiều đã gây áp lực rất lớn đến công tác quản lý, kiểm tra, bảo vệ HLLĐ. Vì vậy, ngay từ đầu năm, đơn vị đã triển khai nhiều biện pháp để bảo đảm an toàn lưới điện vào mùa mưa. Trong đó, công tác kiểm tra chống sạt lở, ngã đổ trụ điện, phát quang cây xanh, hệ thống tiếp đất, chống sét… được thực hiện thường xuyên.
Bên cạnh đó, đơn vị còn phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, nhắc nhở những hộ dân sinh sống, kinh doanh dọc theo tuyến đường dây trung thế chấp hành quy định pháp luật về an toàn điện để tránh sự cố phóng điện gây tai nạn”.
Từ đầu năm đến nay, Điện lực Thuận An đã phát 7.000 tờ rơi tuyên truyền về bảo vệ HLLĐ. Đơn vị cũng phối hợp với các đơn vị có biển quảng cáo ngoài trời dọc theo các tuyến đường lớn để kiểm tra nhằm đề phòng giông lốc gây mất an toàn lưới điện. Đặc biệt, đơn vị đã phân công cán bộ chuyên môn đến các công ty gia công, lắp đặt công trình bằng sắt, biển quảng cáo nhắc nhở họ trong quá trình thi công, lắp đặt công trình gần hệ thống lưới điện phải bảo đảm an toàn khoảng cách phóng điện.
“Khi phát hiện các công trình có nguy cơ mất an toàn thì lập biên bản nhắc nhở cảnh báo; đồng thời hướng dẫn người dân các biện pháp an toàn trong quá trình thi công gần công trình lưới điện. Từ ngày 1-4 đến ngày 1-5, đơn vị đã lập biên bản cảnh báo, xử lý 9 trường hợp vi phạm HLLĐ. Để bảo đảm cung cấp điện được an toàn liên tục, đơn vị xem việc kiểm tra, bảo vệ HLLĐ là mục tiêu hàng đầu nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các sự cố về điện” ông Tuấn nhấn mạnh.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Trung Thu, Phó Giám đốc PCBD, ngay từ đầu năm, PCBD đã xây dựng, triển khai công tác giảm sự cố và củng cố công tác bảo vệ HLLĐ cao áp. Đồng thời thường xuyên kiểm tra, xử lý các vị trí xung yếu không bảo đảm an toàn, đặc biệt là vị trí trụ điện vượt sông, suối có nguy cơ sạt lở trong mùa mưa bão. Đối với những trụ điện có cáp viễn thông, PCBD đã tổ chức kiểm tra, thống kê, xử lý những vị trí dây hạ áp bó chung với cáp viễn thông có nguy cơ mất an toàn. Bên cạnh đó, PCBD đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chủ động phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức kiểm tra dây điện sau điện kế khách hàng để phòng ngừa sự cố điện trong dân. Ngoài ra, PCBD còn thường xuyên phối hợp cơ quan báo chí tuyên truyền cảnh báo tai nạn điện trong dân, sự cố cho lưới điện khi vi phạm HLLĐ để người dân hiểu rõ mà biết cách phòng tránh…
“Cùng với quá trình đô thị hóa, tình hình vi phạm HLLĐ, sự cố về điện có xu hướng gia tăng, nhất là hành vi lắp đặt biển quảng cáo vi phạm khoảng cách an toàn HLLĐ. Riêng từ đầu năm đến nay, PCBD đã kiểm tra phát hiện, lập biên bản và xử lý 86 vụ vi phạm HLLĐ. Để hạn chế thấp nhất sự cố xảy ra cho lưới điện, bảo đảm cung cấp điện an toàn, liên tục để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, PCBD đề nghị các cấp chính quyền cần quan tâm chủ động kiểm tra, ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp xây dựng nhà ở, biển hiệu vi phạm HLLĐ và kêu gọi người dân nghiêm túc chấp hành quy định của Chính phủ và hướng dẫn của ngành điện về bảo vệ HLLĐ”, ông Nguyễn Trung Thu, Phó Giám đốc PCBD đề nghị.
Từ đầu năm đến nay, PCBD đã kiểm tra phát hiện, lập biên bản và xử lý 86 vụ vi phạm HLLĐ. Để hạn chế thấp nhất sự cố xảy ra cho lưới điện, bảo đảm cung cấp điện an toàn, liên tục để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, PCBD đề nghị các cấp chính quyền cần quan tâm chủ động kiểm tra, ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp xây dựng nhà ở, biển hiệu vi phạm HLLĐ và kêu gọi người dân nghiêm túc chấp hành quy định của Chính phủ và hướng dẫn của ngành điện về bảo vệ HLLĐ”, ông Nguyễn Trung Thu, Phó Giám đốc PCBD đề nghị. |
NGUYỄN HẬU