Bảo đảm an toàn lao động trong lĩnh vực xây dựng: Tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người lao động

Thứ năm, ngày 20/04/2023

(BDO) Vấn đề an toàn lao động trong xây dựng đang được rất nhiều người quan tâm bởi hiện nay công trình xây dựng ngày một nhiều, thu hút lượng lớn công nhân. Việc nắm rõ các vấn đề bảo đảm an toàn trong xây dựng sẽ giúp người lao động tránh khỏi những rủi ro đáng tiếc…


Một buổi tập huấn về vệ sinh, an toàn lao động được Sở LĐ-TB&XH tỉnh tổ chức thu hút nhiều người tham gia

Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra nhiều vụ tai nạn chết người ở các công trình xây dựng. Tai nạn xảy ra chủ yếu là bị trượt chân rơi tầng lầu, bị điện giật, sập giàn giáo, sập công trình xây nhà xưởng, sập hố công trình đào đường, tai nạn khi phá dỡ công trình cũ để xây công trình mới...

Theo thống kê, trong năm 2022, trên địa bàn tỉnh xảy ra 444 vụ tai nạn lao động, trong đó số người bị nạn là 451 người; có 38 vụ nghiêm trọng làm chết 41 người. Riêng trong 3 tháng đầu năm 2023 xảy ra 8 vụ tai nạn lao động nghiêm trọng làm 7 người chết, 4 người bị thương. Trong đó có 6 vụ thuộc lĩnh vực sản xuất, 2 vụ thuộc lĩnh vực xây dựng.

Thực tế cho thấy các vụ tai nạn xảy ra ở công trình xây dựng một phần là do sự bất cẩn của người lao động; một phần do sự lơ là, thiếu trách nhiệm của người quản lý công trình. Các nhà thầu, chủ sử dụng lao động không bảo đảm các điều kiện an toàn cũng như nhắc nhở người lao động trong quá trình thi công công trình. Bên cạnh đó, lực lượng thanh tra chuyên ngành quá mỏng, không kiểm soát hết được nên để xảy ra các sai sót.

Theo ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), hàng năm, thanh tra sở đều tiến hành thanh tra, kiểm tra an toàn lao động ở công trình xây dựng. Ngay trong tháng 5-2023, sở sẽ tập huấn cho doanh nghiệp thực hiện các quy định của pháp luật về vệ sinh, an toàn lao động. Tổ chức tuyên truyền trong tháng an toàn vệ sinh lao động, tuyên truyền cho các chủ sử dụng lao động tuân thủ, thường xuyên nhắc nhở người lao động và đôn đốc kiểm tra điều kiện an toàn trong môi trường làm việc.

Nói về những giải pháp thời gian tới, ông Phạm Văn Tuyên cho biết Sở LĐ- TB&XH tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động thông tin, truyền thông, huấn luyện và hướng dẫn thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động đối với người sử dụng lao động và người lao động. Tăng cường thanh tra, kiểm tra và giám sát tại các lĩnh vực, các khu vực có nguy cơ, rủi ro cao về an toàn lao động như: Lĩnh vực thi công xây dựng, nhất là các công trình xây dựng nhỏ và vừa...

“Sở tiếp tục phối hợp với các ngành có liên quan hướng dẫn các doanh nghiệp thúc đẩy hoạt động tự kiểm tra, giám sát về an toàn vệ sinh lao động tại doanh nghiệp; xây dựng mô hình làm công tác an toàn vệ sinh lao động cho phù hợp. Bên cạnh đó, qua công tác nghiệp vụ, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm, kịp thời các trường hợp không chấp hành quy định pháp luật về an toàn vệ sinh lao động để ngăn chặn và hạn chế đến mức thấp nhất các sai phạm và các vụ tai nạn lao động tái diễn”, ông Phạm Văn Tuyên cho biết.

TÂM TRANG