Bảo đảm an toàn hồ, đập mùa mưa bão

Thứ sáu, ngày 12/05/2023

(BDO) Để ứng phó với những diễn biến bất thường của thời tiết trong mùa mưa năm 2023, Ban Chỉ huy (BCH) phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh đề ra nhiều giải pháp nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa bão gây ra. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến công tác bảo đảm an toàn hồ, đập trên địa bàn tỉnh.

 

Ngành chức năng kiểm tra công tác quản lý, vận hành hồ Cần Nôm, huyện Dầu Tiếng

 Tăng cường kiểm tra công trình

Để bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, đê điều, PCTT trên địa bàn tỉnh, BCH PCTT&TKCN tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), BCH PCTT&TKCN các huyện, thị, thành phố phối hợp tổ chức kiểm tra, đánh giá hiện trạng toàn bộ các công trình thủy lợi, đê điều, PCTT trên địa bàn do địa phương, đơn vị quản lý. Trong đó, đặc biệt phải kiểm tra kỹ các hồ chứa nước, các cống dưới đê bao ven sông, các trạm bơm, đê bao, bờ bao ngăn triều, chống lũ, hệ thống kênh tiêu thoát nước.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 8 công trình hồ chứa thủy lợi, trong đó Sở NN&PTNT quản lý 5 hồ chứa, các doanh nghiệp tư nhân quản lý 3 hồ chứa. Các hồ chứa đều có dung tích nhỏ (dưới 10 triệu m3), hạ lưu các hồ chứa là vùng trũng thấp, không có dân cư sinh sống, chỉ có đất sản xuất nông nghiệp.

Tháng 4 vừa qua, Sở NN&PTNT, Chi cục Thủy lợi tỉnh đã phối hợp với BCH PCTT&TKCN các huyện, thị, thành phố và đơn vị quản lý, khai thác công trình tổ chức kiểm tra công trình trước mùa mưa lũ năm 2023 tại một số công trình trọng điểm như hồ Cần Nôm, hồ Đá Bàn, hồ Dốc Nhàn, Hồ Từ Vân I, II; đê bao An Sơn - Lái Thiêu, Tân An - Chánh Mỹ, An Tây - Phú An; kênh tiêu Bình Hòa, Sóng Thần - Đồng An... Qua kết quả kiểm tra cho thấy, hầu hết các hồ, đập, đê bao đều hoạt động bình thường, bảo đảm an toàn. Đoàn đã ghi nhận và đánh giá cao vai trò, trách nhiệm của các đơn vị quản lý, khai thác công trình trong việc nâng cao năng lực phục vụ cũng như bảo đảm an toàn.

Chủ động phòng ngừa, ứng phó

Ông Vũ Ngọc Thìn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh, cho biết nhằm bảo đảm an toàn đập hồ chứa trong mọi tình huống, Chi cục Thủy lợi tỉnh đã tham mưu Sở NN&PTNT chỉ đạo các đơn vị quản lý tăng cường công tác kiểm tra thường xuyên, đột xuất các công trình. Qua đó, đề nghị các đơn vị quản lý, khai thác khắc phục, sửa chữa kịp thời các hư hỏng; gia cố, nâng cấp các đoạn đê bao, hạng mục công trình bị xuống cấp, hư hỏng; kiểm tra việc thực hiện các tiêu chuẩn quốc gia về quy trình quản lý, vận hành công trình hồ chứa. Đồng thời, tham mưu kiện toàn và chuẩn bị tổ chức họp Hội đồng tư vấn đánh giá an toàn đập, hồ chứa, đề xuất phương án tích nước trình UBND tỉnh xem xét, quyết định. Đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn các đơn vị quản lý khai thác thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý, an toàn đập, hồ chứa nước theo quy định.

Bên cạnh đó, Chi cục Thủy lợi tỉnh còn tổ chức trực ban PCTT nghiêm túc, thường xuyên theo dõi, cập nhật các thông tin về khí tượng thủy văn, triều cường, xả lũ các hồ chứa đầu nguồn; các dự báo về tình hình thời tiết, nhiệt độ, mưa, bão để có thông báo, thông tin cảnh báo kịp thời đến các đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi, các địa phương và người dân để có biện pháp chủ động ứng phó. Tham mưu BCH PCTT&TKCN tỉnh chỉ đạo các địa phương xử lý kịp thời, có hiệu quả các tình huống thiên tai xảy ra…

Tuy vậy, theo cảnh báo của các chuyên gia, ngành chức năng của tỉnh, các cơ quan, ban, ngành, địa phương và người dân không nên lơ là, chủ quan trước diễn biến phức tạp của thời tiết. Các cơ quan, đơn vị, người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động, sẵn sàng phòng ngừa thiên tai để tránh thiệt hại về vật chất và con người trong mùa mưa bão sắp tới. Đồng thời, đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn các đơn vị quản lý khai thác thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý, an toàn đập, hồ chứa nước theo quy định.

 Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, khoảng từ nửa cuối tháng 6 có khả năng bão hoặc áp thấp nhiệt đới xuất hiện trên khu vực biển Đông và phù hợp với quy luật khí hậu. Số lượng bão váp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực biển Đông, cũng như ảnh hưởng đến đất liền có khả năng xấp xỉ so với trung bình nhiều năm với khoảng 10 - 12 cơn, trong đó có khoảng 4 - 7 cơn ảnh hưởng đến đất liền nước ta. Từ tháng 7 đến 9-2023 sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh miền Bắc, khoảng từ tháng 9 - 11 sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh miền Trung và ít có khả năng ảnh hưởng trực tiếp tới Nam bộ và khu vực tỉnh Bình Dương. Từ tháng 4, khu vực tỉnh Bình Dương sẽ xuất hiện những cơn mưa chuyển mùa. Trong khoảng thời gian này các hiện tượng giông, sét, tố lốc, mưa đá có thể sẽ xuất hiện gia tăng về tần suất. Kết thúc mùa mưa xảy ra trong khoảng giữa tháng 11, xấp xỉ trung bình nhiều năm. Ngành chức năng khuyến cáo cần đề phòng các hiện tượng thời tiết nguy hiểm, giông mạnh kèm theo tố, lốc, sét và mưa đá các tháng đầu mùa mưa và sau các đợt giảm mưa.

THOẠI PHƯƠNG