Bảo đảm an toàn bức xạ trong y tế
(BDO) Kỹ thuật bức xạ ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực như y tế, công nghiệp, nông nghiệp, nghiên cứu, đào tạo với số lượng giấy phép tiến hành công việc bức xạ cấp mới tăng qua các năm. Các thiết bị bức xạ tiên tiến sử dụng trong y tế đã góp phần nâng cao năng lực chẩn đoán và điều trị bệnh, nhưng cũng là thách thức cho công tác quản lý nhà nước nhằm bảo đảm an toàn.
Phòng chụp X - quang của chi nhánh Bệnh viện Đa khoa Phước An, phường Hòa Phú, TP.Thủ Dầu Một
An toàn trên hết
Thời gian qua, các ứng dụng bức xạ đã được áp dụng rộng rãi tại các cơ sở y tế để chẩn đoán, điều trị bệnh, tạo nên 3 chuyên ngành là chẩn đoán hình ảnh, y học hạt nhân và xạ trị ung thư. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra sự cố gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe cộng đồng, an ninh xã hội. Các chất thải phóng xạ của bệnh viện hầu hết được lưu trữ tại khu vực kiểm soát, loại thải chất phóng xạ theo đúng quy định.
Các chất thải phóng xạ rắn, lỏng, khí được thải vào môi trường sau khi đã kiểm tra đạt được các giới hạn cho phép theo quy định. Đối với các vật liệu rắn bị nhiễm bẩn phóng xạ như ống tiêm, thủy tinh vỡ đều được các bệnh viện đựng trong bao bì riêng biệt và được đặt trong thùng kim loại. Các bể chứa thải tại các bệnh viện được xây dựng ở nơi riêng biệt, được che chắn và bảo vệ để chờ phân rã phóng xạ đến mức nhỏ hơn quy định, trước khi thải ra như rác thải thường. Các cơ sở y học hạt nhân và xạ trị được trang bị cơ bản đủ các thiết bị bảo đảm an toàn theo quy định.
Bác sĩ Vũ Xuân Hòa, phụ trách chuyên môn hệ thống Bệnh viện Phúc An, cho biết: “Từ khi thành lập, bệnh viện đã thực hiện tốt nội quy, quy trình an toàn bức xạ. Tại khu vực chụp X - quang của các chi nhánh thuộc hệ thống Bệnh viện Phúc An đều được trang bị đầy đủ biển báo hướng dẫn, các thiết bị che chắn, thiết bị đo liều nhiễm xạ như liều kế cá nhân, đèn cảnh báo để bảo đảm an toàn bức xạ đối với người bệnh và nhân viên thường xuyên thực hiện công việc. Công tác tổ chức đánh giá liều chiếu xạ cá nhân cho nhân viên bức xạ được thực hiện theo đúng quy định. Thiết bị X - quang trong phòng được lắp đặt bảo đảm về kích thước theo quy định”.
Tuân thủ nghiêm nội quy
Bên cạnh những hiệu quả lớn trong công nghiệp, y học, các chất phóng xạ và các tia bức xạ cũng gây ra những hậu quả vô cùng nguy hiểm cho sức khỏe con người nếu sự tác động vượt quá giới hạn an toàn. Hiện chưa có quy định của ngành y tế về giới hạn chỉ định chụp X - quang, có thể dẫn đến lạm dụng chụp, vô tình gây rủi ro về bức xạ cho người bệnh. Việc tuân thủ một số quy định về an toàn bức xạ như che chắn các bộ phận nhạy cảm với bức xạ cho người bệnh trong quá trình chụp chưa được thực hiện nghiêm túc. Vấn đề đào tạo bài bản, cấp chứng chỉ hành nghề và chính thức hóa chức danh kỹ sư vật lý y học chưa có kế hoạch triển khai tại một số cơ sở y tế.
Nội quy an toàn bức xạ và vận hành an toàn thiết bị bức xạ tại các cơ sở y tế được quy định tại Điều 12 Thông tư liên tịch 13/2014/TTLT-BKHCN-BYT về bảo đảm an toàn bức xạ trong y tế do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ - Bộ Y tế ban hành. Cụ thể, cơ sở y tế phải xây dựng quy trình làm việc với thiết bị bức xạ, nguồn phóng xạ. Nội quy an toàn bức xạ bảo đảm các yêu cầu, gồm: Quy trình làm việc cần chỉ rõ các bước tiến hành công việc trong vận hành thiết bị bức xạ, làm việc với nguồn phóng xạ, làm việc trong khu vực có nguy cơ bị chiếu xạ hoặc nhiễm bẩn phóng xạ, chăm sóc người bệnh uống thuốc phóng xạ hoặc cấy nguồn phóng xạ; quy trình thao tác đối với từng thiết bị, phác đồ điều trị đối với từng loại bệnh. Nội quy an toàn bức xạ phải chỉ rõ các yêu cầu bảo vệ an toàn bức xạ cho nhân viên bức xạ y tế, các nhân viên khác trong cơ sở y tế, người bệnh, người chăm sóc hoặc hỗ trợ người bệnh và công chúng.
Bên cạnh đó, nhân viên vận hành thiết bị bức xạ phải thực hiện nghiêm các bước tiến hành công việc như kiểm tra an toàn thiết bị trước khi bắt đầu và sau khi kết thúc công việc; đóng cửa ra vào trong suốt quá trình vận hành thiết bị; tuân thủ quy trình vận hành thiết bị, chú ý những tín hiệu bất thường của thiết bị bức xạ và thiết bị kiểm tra để kịp thời phát hiện sự cố, ngăn ngừa tai nạn; không được tháo bỏ các bộ phận hư hỏng trong hệ thống bảo vệ của thiết bị và nối tắt để vận hành, như nối tắt hệ thống khóa liên động cửa ra vào phòng xạ trị.
Thời gian tới, Sở Khoa học và Công nghệ sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với cơ sở chưa thực hiện tốt công tác quản lý, bảo đảm an toàn thiết bị bức xạ, đẩy mạnh tuyên truyền cho cán bộ phụ trách an toàn bức xạ. Về lâu dài, cần bảo đảm các cơ sở y tế sử dụng thiết bị bức xạ có đủ cán bộ đã qua đào tạo cơ bản, chính quy, trở thành những cán bộ vật lý y học có trình độ, nhằm tiến hành các kỹ thuật chẩn đoán, điều trị bệnh bằng bức xạ hiệu quả, an toàn.
PHƯƠNG LÊ