Báo chí với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong thời kỳ chuyển đổi số
(BDO) Sáng 17-11, tại Hòa Bình, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị Báo chí với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong thời kỳ chuyển đổi số.
Qua đó xác định, nhà báo viết về đề tài này cần có trình độ nghiệp vụ chắc chắn, bản lĩnh chính trị vững vàng, có lòng trung thành với Đảng, trách nhiệm với Tổ quốc; công tác đấu tranh của các cơ quan báo chí cần có kế hoạch cụ thể, rõ ràng, có sự phối hợp bài bản, nhuần nhuyễn.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi phát biểu.
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi đánh giá cao việc một số cơ quan báo chí tổ chức tốt các diễn đàn trực tuyến, thông qua đó định hướng chính trị, tư tưởng và nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về các vấn đề “nóng”; phản bác các thông tin xấu độc, các luận điệu xuyên tạc, vu khống, định hướng đúng đắn dư luận xã hội. Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định: “Các giải báo chí về xây dựng Đảng, cuộc thi viết về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới được phát động thời gian qua thu hút rất đông nhà báo, cộng tác viên tham gia, thể hiện rõ tư duy sắc bén, trí tuệ, nhiệt huyết và trách nhiệm của người làm báo đối với công tác xây dựng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng”.
Tại Hội nghị, các đại biểu đưa ra các ý kiến tham luận xoay quanh vấn đề xác định rõ vai trò xung kích của báo chí, truyền thông trong việc nhận diện các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch nhằm phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số quốc gia đang diễn ra mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Các đại biểu cũng nêu bật yêu cầu đặt ra trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đối với các cơ quan báo chí hiện nay; những đặc thù trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch của từng đơn vị, địa phương với các yếu tố địa chính trị khác nhau, các vấn đề dân tộc, tôn giáo, văn hóa vùng miền riêng biệt; làm rõ các kết quả đạt được, nhận diện những khó khăn, thách thức nảy sinh trong thực tiễn đấu tranh. Các đại biểu cũng phân tích, chia sẻ những bài học kinh nghiệm, giải pháp thiết thực trong việc áp dụng những thành tựu của công nghệ số nhằm xây dựng chuyên mục và tổ chức tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, giúp nâng cao chất lượng công tác thông tin tuyên truyền.
Các tham luận cho thấy cơ quan báo chí đã chủ động vào cuộc, tích cực tham gia quảng bá các chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng, chính sách, pháp luật tiến bộ của Nhà nước, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”; kiên cường đấu tranh với các nội dung xấu độc, các quan điểm sai trái trên mạng xã hội; nhận diện, phản bác các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị, lợi dụng vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền”, “tôn giáo”, “dân tộc”, “xã hội dân sự”, “tự do ngôn luận”, “tự do báo chí”… để chống Đảng, Nhà nước, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc… Một số cơ quan báo chí đã thành lập các nhóm phóng viên chính luận, nhóm phóng viên cơ động trực tiếp tác nghiệp tại những “điểm nóng”, nhằm kịp thời đấu tranh, phản bác trực diện luồng tin xấu độc, bóp méo sự thật của các phần tử phản động.
Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi nêu rõ: Hội nghị được nghe nhiều tham luận có chất lượng cao, ý kiến trao đổi trách nhiệm, sâu sắc của Hội Nhà báo 25 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc. Các tham luận tập trung vào những kinh nghiệm thực tế của báo chí trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, những khó khăn, thách thức đối với đội ngũ nhà báo trong phản bác quan điểm sai trái, đấu tranh chống các thế lực thù địch; nhiều bài học kinh nghiệm quý báu được chia sẻ, nhiều giải pháp thiết thực được rút ra từ thực tiễn dấn thân của nhà báo, hội viên, từ cách làm sáng tạo của các cấp Hội trong việc áp dụng những thành tựu của công nghệ số trong tổ chức tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Theo TTXVN