Báo chí thời đại chuyển đổi số
(BDO) Với đặc tính cơ bản là phổ cập, nhanh chóng, kịp thời và rộng khắp, báo chí đóng vai trò quan trọng, là công cụ, phương tiện hữu hiệu đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống. Để bảo đảm giữ vững ổn định đặc tính cơ bản vốn có nói trên, báo chí phải liên tục cập nhật, đổi mới để thích ứng với thời đại chuyển đổi số. Cùng với báo chí cả nước, Báo Bình Dương cũng đã và đang có những chuyển đổi để theo kịp đà phát triển của công nghệ, nhanh chóng đưa thông tin đến với bạn đọc bằng nhiều phương tiện khác nhau.
Với đà phát triển của công nghệ cùng sự ra đời của những kỹ thuật, thiết bị hiện đại đã đem lại nhiều tiện ích cho đội ngũ những người làm báo. Đi cùng với những tiện ích đó là những thách thức mà đội ngũ nhà báo và các cơ quan báo chí phải vượt qua. Thách thức của báo chí thời đại chuyển đổi số chính là mạng xã hội. Có thể nói mạng xã hội đã và đang manh nha trở thành “quyền lực thứ năm” với ưu thế không bị giới hạn về không gian, thời gian, ngôn ngữ; tính tiện nghi và linh hoạt; tính cá nhân song hành với tính cộng đồng. Trên mạng xã hội hiện có không ít những cá nhân thu hút hàng trăm ngàn lượt người theo dõi, với lượt xem còn nhiều hơn cả một số tờ báo. Nếu báo chí không có sự chuyển đổi kịp thời sẽ khó có thể cạnh tranh với mạng xã hội và thích ứng, bắt kịp với đà chuyển đổi số trên nhiều lĩnh vực.
Để bảo đảm cho sự phát triển và thích ứng của báo chí, truyền thông trong nước hòa nhập cùng với dòng chảy của xu hướng báo chí toàn cầu, phục vụ cho các nhiệm vụ của đất nước, tại Nghị quyết số 50 ngày 20-5-2021 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Chính phủ giao Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng “Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030”. Sau thời gian xây dựng và lấy ý kiến, góp ý từ các cơ quan báo chí, “Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030” đã được Chính phủ ký ban hành ngày 6-5-2023 với những nội dung nổi bật, như: Đến năm 2025 sẽ có 70% cơ quan báo chí thực hiện số hóa nội dung báo chí trên các nền tảng sẵn có; 80% cơ quan báo chí chuyển đổi hoạt động theo mô hình tòa soạn hội tụ đa phương tiện; 50% cơ quan báo chí có nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tối ưu hóa hoạt động…
Để theo kịp đà chuyển đổi số, cùng với báo chí cả nước, Báo Bình Dương đã có những bước chuyển căn bản làm nền tảng để thực hiện “Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030” của Chính phủ. Một trong những bước chuyển nổi bật của Báo Bình Dương là đã xây dựng và đưa vào vận hành báo điện tử với 3 phiên bản tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Hoa từ rất sớm. Hiện tại, Báo Bình Dương đang thực hiện xây dựng giao diện mới cho báo điện tử và tối ưu hóa công cụ tìm kiếm trên internet để lan tỏa mạnh hơn các tác phẩm báo chí được đăng tải. Cùng với đó, Báo Bình Dương tận dụng triệt để các nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook, YouTube... để chuyển tải thông tin “nhanh chóng, kịp thời, phổ cập và rộng khắp” đến nhiều đối tượng bạn đọc sử dụng công nghệ số theo đúng đặc tính cơ bản của báo chí
LÊ QUANG