Báo chí Italy: Chuyến thăm của Chủ tịch nước mở kỷ nguyên hợp tác mới

Thứ sáu, ngày 28/07/2023

(BDO)

Tổng thống Italy Sergio Mattarella đón Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng.

Trong các ngày 27-28/7, nhiều tờ báo lớn của Italy tiếp tục đưa tin đậm nét và trang trọng về chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng.

Báo La voce d’italia đăng bài viết “Tổng thống tiếp Chủ tịch nước Việt Nam: Tình hữu nghị và tình đoàn kết gắn kết chúng ta," nhấn mạnh phát biểu của Tổng thống Sergio Mattarella khi tiếp Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng rằng sự hợp tác giữa hai nước không chỉ là chính trị, kinh tế và văn hóa, mà còn là sự hợp tác và tình đoàn kết.

Để tăng cường tình hữu nghị, Tổng thống Mattarella đã thông báo với Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng về ý định mở Viện Văn hóa Italy tại Hà Nội để tăng cường hợp tác, nhất là khoa học và công nghệ, giữa các trung tâm nghiên cứu và các trường đại học của hai bên và mở rộng việc trao đổi sinh viên và các nhà nghiên cứu.

Theo bài báo, tâm điểm của cuộc hội kiến giữa Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Thủ tướng Giorgia Meloni là tái khởi động hợp tác chặt chẽ và những tác động toàn cầu và khu vực của cuộc xung đột Nga-Ukraine, cũng như tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đặc biệt là về sự ổn định, an ninh lương thực và năng lượng.

Hai bên cũng đã trao đổi hai thỏa thuận được ký kết trong chuyến thăm cấp Nhà nước là Hiệp ước về Hỗ trợ tư pháp trong các vấn đề hình sự và Chương trình hợp tác văn hóa.

Trong khi đó, bài viết “Italy và Việt Nam ngày càng gần hơn: Thỏa thuận và kế hoạch trong tương lai” của trang mạng Thewatcherpost.it nêu các lĩnh vực được Italy và Việt Nam tăng cường hợp tác, từ công nghiệp 4.0 đến không gian, quá trình chuyển đổi sinh thái và năng lượng, cũng như bảo vệ di sản nghệ thuật.

Bài báo nhắc lại tuyên bố của Tổng thống Matterella rằng “mức độ quan hệ của chúng ta là tuyệt vời từ mọi quan điểm, chính trị, kinh tế, văn hóa và không ngừng phát triển về chiều rộng, cường độ và chất lượng của sự hợp tác."

Bài báo đánh giá rằng với Italy, Việt Nam là đối tác chính trong khu vực Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Lý do Quốc hội Italy thông qua Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVIPA), vốn được cho là tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư hai bên trên nguyên tắc bình đẳng và có đi có lại, đúng dịp chuyến thăm của Chủ tịch nước Võ Văn Thường là nhiều công ty Italy đang làm ăn ở Việt Nam và sự quan tâm của giới kinh doanh ngày càng tăng. Rome cũng đang nỗ lực để mở một viện văn hóa Italy tại Việt Nam.

Báo Notizie Geopolitiche cũng đăng bài viết nhấn mạnh cuộc hội đàm của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Tổng thống Mattarella là cuộc gặp chính thức đầu tiên giữa nguyên thủ quốc gia của hai nước sau 7 năm, là cơ sở thúc đẩy sự tin cậy chính trị và tăng cường quan hệ Đối tác Chiến lược giữa Việt Nam và Italy.

Chuyến thăm càng có ý nghĩa quan trọng vì diễn ra nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước và 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược.

Hai nhà lãnh đạo ghi nhận nhiều kết quả tích cực đạt được trong quan hệ song phương, tăng cường trao đổi ngoại giao các cấp, triển khai thành công các cơ chế hợp tác và phối hợp nhịp nhàng tại các hội nghị và diễn đàn đa phương.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Tổng thống Italy Sergio Mattarella hội đàm.

Về kinh tế, hai nước đã trở thành đối tác quan trọng của nhau và Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Italy trong ASEAN. Về quốc phòng, an ninh, hai nước phối hợp xây dựng các cơ chế hợp tác hiệu quả.

Trong các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa, du lịch và giao lưu nhân dân, Italy và Việt Nam cũng tiếp tục tiến bộ không ngừng.

Bài báo cũng lưu ý việc các nhà lãnh đạo Italy và Việt Nam nhất trí về tầm quan trọng của hợp tác song phương trong việc giải quyết tính khó lường, phức tạp và bất ổn có thể xảy ra của các diễn biến khu vực và toàn cầu, cũng như các vấn đề toàn cầu nghiêm trọng đang gia tăng ảnh hưởng đến cộng đồng quốc tế.

Hai bên tái khẳng định ý định tăng cường quan hệ Đối tác Chiến lược thông qua việc tiếp tục hợp tác trong các lĩnh vực truyền thống và thúc đẩy mở rộng sang các lĩnh vực mới, bao gồm chuyển đổi số, tăng trưởng xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất trí phối hợp hài hòa nhằm bảo đảm sự thịnh vượng và phát triển bao trùm của hai nước, góp phần xây dựng hòa bình và hợp tác, thúc đẩy phát triển khu vực và toàn cầu trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc.

Hai bên đánh giá cao sự hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, góp phần thúc đẩy giao lưu và hiểu biết lẫn nhau giữa thế hệ trẻ, sinh viên hai nước, nhất trí duy trì Chương trình hành động về hợp tác giáo dục và Diễn đàn giáo dục đại học.

Việt Nam đã đề nghị Italy tăng tỷ lệ học bổng cho học viên cao học và nghiên cứu sinh Việt Nam, hỗ trợ các dự án nhằm nâng cao năng lực đào tạo, nghiên cứu và giảng dạy của giáo viên Việt Nam.

Hai nhà lãnh đạo cũng bày tỏ hài lòng về sự phát triển quan hệ giữa chính quyền địa phương và doanh nghiệp hai nước trong thời gian gần đây, đặc biệt với Biên bản ghi nhớ vừa được ký kết giữa tỉnh Vĩnh Phúc và vùng Tuscany, hoan nghênh cam kết và tăng cường giao lưu giữa thành phố Hà Nội với thành phố Rome, tỉnh Bình Dương và vùng Emilia Romagna, tỉnh Quảng Trị với ENI, tập đoàn dầu khí quốc doanh Italy, cũng như giữa các địa phương và doanh nghiệp khác.

Hai bên cam kết tăng cường trao đổi quan điểm, hợp tác và ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn quốc tế và khu vực, nhất là trong khuôn khổ Liên hợp quốc và các cơ chế ASEAN-EU, ủng hộ xây dựng Cộng đồng ASEAN thịnh vượng và vững mạnh, đóng vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực, cũng như tăng cường quan hệ Đối tác phát triển ASEAN-Italy và Đối tác Chiến lược ASEAN-EU./.

Theo TTXVN

Từ khóa: