Báo chí Cách mạng Việt Nam: 90 năm song hành cùng đất nước- Bài 6

Thứ năm, ngày 18/06/2015

(BDO) Bài 6: Các tạp chí tại Bình Dương - Những đóng góp tích cực

Cùng với Báo Bình Dương, Đài Phát thanh- Truyền hình Bình Dương, các tạp chí như Lao động Bình Dương, Văn nghệ Bình Dương, BTV, trường Đại học Thủ Dầu Một, trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Bình Dương đã không ngừng lớn mạnh theo thời gian, đóng góp tích cực vào công tác tuyên truyền, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong những năm qua, góp phần không nhỏ vào những kết quả phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tạp chí Lao Động Bình Dương ngày càng đổi mới

Mạnh dạn đổi mới

Từ một bản tin, đến nay, Tạp chí Lao động Bình Dương đã xuất bản 4 kỳ/tháng với số lượng hơn 5.000 bản/kỳ. Tạp chí Lao Động Bình Dương đã trở thành tờ báo gần gũi với công nhân, công đoàn cơ sở, nhất là các chuyên trang về công nhân lao động, quan hệ lao động. Ông Lê Công Hiếu, Trưởng phòng Nghiệp vụ Tạp chí Lao Động Bình Dương cho biết, theo thời gian, Tạp chí Lao Động Bình Dương đã mạnh dạn đổi mới không ngừng về nội dung và hình thức. Các thiết bị kỹ thuật phục vụ việc nhập liệu, dàn trang, xử lý hình ảnh được Liên đoàn Lao động tỉnh chú trọng đầu tư, phục vụ công tác tuyên truyền đến đối tượng công nhân lao động (CNLĐ) và công đoàn cơ sở trong tỉnh. Trong những năm gần đây, tạp chí được bổ sung thêm đội ngũ phóng viên, biên tập viên hoạt động chuyên nghiệp nhiều hơn gấp 2 - 3 lần so với trước đây. Lực lượng cộng tác viên từ các đơn vị cơ sở tham gia cung cấp thông tin cho tạp chí ngày càng nhiều hơn, góp phần làm cho nội dung tạp chí thêm đa dạng, phong phú.

Nếu như tờ Tạp chí Lao Động Bình Dương được xem là tờ báo của CNLĐ thì Tạp chí Văn Nghệ Bình Dương của Hội Văn học- Nghệ thuật Bình Dương được xem là nơi khơi nguồn sáng tác, truyền tải thông tin của giới văn nghệ sĩ Bình Dương. Với việc xuất bản mỗi tháng/1 kỳ, Tạp chí Văn Nghệ Bình Dương đã trở thành một ấn phẩm gần gũi trong giới văn nghệ sĩ, góp phần định hướng cho giới văn nghệ sĩ xây dựng nền văn hóa mới, con người mới. Thời gian qua, từ ấn phẩm này, Hội Văn học - Nghệ thuật Bình Dương đã phát huy tốt vai trò, tạo nhiều sân chơi sáng tác văn học, âm nhạc, sân khấu, mỹ thuật, nhiếp ảnh… thông qua các chuyên trang được đăng tải trên mặt báo. Cũng từ những chuyên trang trên báo đã tạo ra nhiều khởi sắc cho giới văn nghệ sĩ sáng tác, đăng tải những tác phẩm của mình công bố ra công chúng.

Phát triển từ bản tin BTV, Tạp chí BTV thuộc Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương đã có những bước đi đổi mới mạnh mẽ, từng bước vươn lên không chỉ thực hiện tốt tôn chỉ, mục đích hoạt động là quảng bá giới thiệu các chương trình phát sóng của đài mà còn tuyên truyền giới thiệu các hoạt động kinh tế - xã hội của tỉnh, các sự kiện văn hóa - nghệ thuật, trở thành món ăn tinh thần của đông đảo bạn đọc trong và ngoài tỉnh. Từ năm 2010, tạp chí đã từng bước tự cân đối được tài chính để xuất bản định kỳ hàng tháng và nâng tần suất phát hành lên 2 kỳ/tháng từ năm 2014.

Chung sức trên mặt trận văn hóa - tư tưởng

Có thể nói, nhiều tạp chí trên địa bàn tỉnh đã tích cực trong công tác tuyên truyền, định hướng, truyền tải các nghị quyết Trung ương và của tỉnh vào thực tiễn cuộc sống. Cùng với các cơ quan báo chí chính thống, góp phần phát hiện, cổ vũ nhân tố mới, điển hình tiên tiến, thành tựu công cuộc đổi mới. Cụ thể là Tạp chí Đại học Thủ Dầu Một thời gian qua đã kịp thời truyền tải những đề tài nghiên cứu khoa học tự nhiên, công nghệ, kỹ thuật, giáo dục, kinh tế, khoa học xã hội và nhân văn. Tạp chí Kinh tế - Kỹ thuật của trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Bình Dương đã tuân thủ theo đúng tôn chỉ, mục đích là đăng tải các kết quả nghiên cứu và hoạt động khoa học của cán bộ, giảng viên, sinh viên trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Bình Dương nhằm gắn nghiên cứu khoa học của trường với thực tiễn đổi mới và phát triển của tỉnh Bình Dương và cả nước.

Ngoài các tạp chí nêu trên, trong tỉnh còn có trên 20 bản tin của các cơ quan ban ngành, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp xuất bản định kỳ, như Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Công an tỉnh, Hội LHPN tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế, Hội Khoa học lịch sử, Hội Châm cứu laser… và tổ chức nghề nghiệp xuất bản bản tin không định kỳ… Những tạp chí và tờ tin nêu trên đã chung sức cùng với ngành báo chí thực hiện công tác tuyên truyền, định hướng đến mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh; đồng thời thực hiện tốt vai trò làm cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân và là diễn đàn của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.

Bài cuối: Báo chí đa phương tiện - Sự lựa chọn tất yếu

SÔNG TRÀ