Báo cáo PAPI 2018: Người dân hài lòng hơn với dịch vụ công
(BDO)
Cán bộ, viên chức ở Trung tâm hành chính công Long An. (Ảnh: Bùi Giang/TTXVN)
Ngày 2-4, tại Hà Nội, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam công bố Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI 2018).
Công cụ lắng nghe tiếng nói của người dân
Phát biểu khai mạc, bà Caitlin Wiese, Quyền đại diện thường trú của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam nhấn mạnh, sau 10 năm, Chỉ số PAPI tiếp tục đóng vai trò là công cụ hữu hiệu góp phần thúc đẩy quản trị tốt ở Việt Nam.
Trọng tâm nghiên cứu của Chỉ số PAPI rất sát với sứ mệnh của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc, đặt người dân là trung tâm của quá trình phát triển. Chỉ số PAPI là công cụ lắng nghe tiếng nói của người dân, tìm hiểu kỳ vọng của người dân đối với các cấp chính quyền, và bằng cách đó tạo điều kiện để người dân tham gia quản trị đất nước.
Qua thời gian, Chỉ số PAPI ngày càng khẳng định là mô hình thúc đẩy quản trị có sự tham gia mà một số quốc gia trên thế giới đã tìm hiểu và học hỏi trong quá trình xây dựng những chỉ báo quan trọng đo lường tiến bộ trong việc thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững số 16 về xã hội hòa bình, công bằng và bình đẳng.
Nhấn mạnh về vấn đề bình đẳng giới trong vị trí lãnh đạo, Đại sứ Australia tại Việt Nam Craig Chittick cho biết, những phát hiện nghiên cứu từ Báo cáo PAPI 2018 cho thấy cơ hội lớn cho Việt Nam trong việc bầu chọn phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo, quản lý khu vực Nhà nước.
Kết quả phân tích cũng chỉ ra rằng cần nhiều nỗ lực hơn nữa trong việc xóa bỏ định kiến xã hội, đặc biệt trong giới cử tri nữ, đối với phụ nữ mong muốn trở thành lãnh đạo, quản lý.
Cho rằng không phải mọi người dân, mọi nhóm dân tộc đã được hưởng những tiến bộ đạt được trong quản trị và hành chính công cấp tỉnh năm qua, bà Cait Moran, Đại sứ Ireland tại Việt Nam mong muốn, nghiên cứu PAPI sẽ tiếp tục tìm hiểu sâu những khác biệt về điều kiện tiếp cận quản trị và dịch vụ công có chất lượng giữa các cộng đồng dân tộc thiểu số và dân tộc đa số, để cung cấp dẫn chứng đổi mới chính sách công hướng tới hỗ trợ đầy đủ để cộng đồng dân tộc thiểu số cùng phát triển.
Theo phó giáo sư, tiến sỹ Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Báo cáo PAPI 2018 là công cụ hữu ích phản ánh sự ghi nhận đánh giá khách quan của đông đảo người dân về hiệu quả hoạt động của bộ máy công quyền cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Báo cáo PAPI có độ tin cậy cao, góp phần cải thiện quá trình hoạch định, thực thi và giám sát chính sách ở Việt Nam. Các kết quả nghiên cứu được sử dụng trong chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ lãnh đạo quản lý cấp trung ương, cấp tỉnh.
Các báo cáo đã trở thành một trong những nguồn dữ liệu quan trọng phục vụ các thảo luận chính sách về cải cách thể chế, hành chính ở Việt Nam và nhận được sự đánh giá cao của học viên là cán bộ trung, cao cấp của Đảng và Nhà nước, các đoàn thể ở Việt Nam.
Tiến sỹ Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết, một trong những mục tiêu của Báo cáo PAPI nâng cao hiệu quả chương trình cải cách nền hành chính quốc gia và thực hiện hiệu quả các quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn.
Những kết quả nghiên cứu này ngày càng được nhiều các cơ quan ở Trung ương và địa phương tham khảo sử dụng phục vụ công tác chỉ đạo.
Người dân hài lòng với dịch vụ công
Kết quả phân tích dữ liệu PAPI 2018 cho thấy, yếu tố tác động lớn nhất tới mức độ hài lòng với hiệu quả quản trị và hành chính công là hiệu quả kiểm soát tham nhũng trong khu vực công.
Người dân có cảm nhận hiện tượng “vòi vĩnh” trong dịch vụ y tế tuyến huyện, quận và giáo dục tiểu học công lập giảm đáng kể so với kết quả khảo sát năm 2017.
Tuy nhiên, hiện tượng “lót tay” để có việc làm trong khu vực Nhà nước, "vòi vĩnh" trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, lạm dụng công quỹ chưa giảm.
Bên cạnh đó, mặc dù người dân có chung quan điểm rằng, tham nhũng đã giảm đi so với ba năm trước, song mỗi cấp chính quyền có mức độ thuyên giảm khác nhau.
Gần 60% số người trả lời cho rằng, tham nhũng ở cấp xã, phường đã thuyên giảm trong ba năm qua, song chỉ có 50% số người trả lời cho rằng tham nhũng ở cấp quốc gia có xu hướng thuyên giảm.
Kết quả khảo sát PAPI 2018 cũng cho thấy, tham nhũng vẫn là một trong ba mối quan ngại hàng dầu trong công chúng. Lĩnh vực dịch vụ và thủ tục hành chính công cũng có nét khởi sắc.
Có sự cải thiện từng bước ở cả bốn nhóm dịch vụ và thủ tục hành chính công PAPI đo lường, bao gồm dịch vụ chứng thực, xác nhận của chính quyền cơ sở; dịch vụ cấp giấy phép xây dựng; dịch vụ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và dịch vụ hành chính công cấp xã, phường.
Tuy nhiên, khoảng cách giữa điểm trung bình chung toàn quốc năm 2018 (7,39 điểm) và điểm cao nhất mong muốn đạt được (10 điểm) vẫn còn lớn, đồng nghĩa với yêu cầu chính quyền các cấp tiếp tục cải thiện dịch vụ hành chính công, đặc biệt là dịch vụ “một cửa” liên quan đến giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Năm 2018, người dân ghi nhận một số thay đổi tích cực trong hiệu quả huy động sự tham gia của người dân vào đời sống chính trị, xã hội ở cấp cơ sở. Đặc biệt, kết quả khảo sát cho thấy, tỷ lệ người dân bị chính quyền địa phương ép buộc đóng góp cho dự án xây mới, tu sửa công trình công cộng tại địa phương có xu hướng giảm.
Có thể nói, chính quyền địa phương giảm sử dụng áp lực để buộc người dân đóng góp cho các dự án công trình công cộng ở cơ sở, mà để người dân tự nguyện tham gia nhiều hơn.
Năm 2018, người dân hài lòng hơn với mức độ công khai, minh bạch của chính quyền trong việc tổ chức lập danh sách hộ nghèo và chia sẻ thông tin thu, chi ngân sách cấp xã, phường.
Về trách nhiệm giải trình với người dân, năm 2018, số người gặp gỡ cán bộ, công chức chính quyền cấp thôn, tổ dân phố, cấp xã, phường khi có bức xúc với chính quyền hoặc hàng xóm tăng lên và số người cho rằng những cuộc tiếp xúc đó đem lại kết quả cũng tăng lên.
Về cung ứng dịch vụ công căn bản, kết quả khảo sát năm 2018 cho thấy, mức độ hài lòng của người dân rất khác biệt với từng loại dịch vụ công PAPI đo lường.
Nội dung thành phần “Y tế công lập” cho thấy ngành Y tế có một số cải thiện trong năm 2018, nhất là ở chỉ tiêu đánh giá độ bao phủ của bảo hiểm y tế.
Theo kết quả khảo sát PAPI năm 2018, tỷ lệ người dân có bảo hiểm y tế tiếp tục tăng từ 80% năm 2017 lên 87% năm 2018. Cơ sở hạ tầng căn bản, bao gồm các dịch vụ như đường xá, thu gom rác thải, cung cấp điện lưới và nước sạch cho ăn uống, sinh hoạt cũng được người dân đánh giá tích cực hơn trong năm 2018.
Khi được hỏi về những vấn đề hệ trọng nhất trong năm 2018 cần Nhà nước tập trung giải quyết, đói nghèo tiếp tục là vấn đề được nhiều người chọn nhất. Mặc dù điều kiện phát triển kinh tế hộ gia đình và của đất nước được nhiều người cho là có cải thiện, song vẫn có tới 25% số người được hỏi chọn đói nghèo là vấn đề hệ trọng nhất...
Để tìm hiểu sâu hơn về mối quan ngại đối với chất lượng môi trường, khảo sát PAPI 2018 thêm một số câu hỏi tìm hiểu quan điểm và lựa chọn của người dân trước một số vấn đề liên quan tới quản trị môi trường.
Kết quả phân tích cho thấy đa số người dân ủng hộ bảo vệ môi trường, cho dù có phải hy sinh tăng trưởng kinh tế. Đa số người trả lời ủng hộ mạnh mẽ việc xây dựng các nhà máy điện sử dụng nhiên liệu “sạch” (nhiên liệu tái tạo), miễn sao nguồn điện đó ổn định, không gây gián đoạn trong cung ứng.
Ngoài ra, đa số người dân quan ngại về chất lượng nguồn nước ngày càng xuống cấp hiện nay ở địa phương; hơn 50% số người được hỏi cho rằng chất lượng nguồn nước cho ăn uống, sinh hoạt hiện nay kém hơn ba năm trước.
Báo cáo PAPI 2018 đánh dấu chặng đường phát triển 10 năm của nghiên cứu PAPI kể từ khi khởi xướng năm 2009. Trong 10 năm qua, hơn 117.000 lượt người dân Việt Nam từ khắp các tỉnh, thành phố của Việt Nam đã chia sẻ về trải nghiệm và cảm nhận của họ qua nghiên cứu PAPI, khiến PAPI trở thành một nguồn dữ liệu khách quan, cập nhật về hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền địa phương vì lợi ích của mọi người dân Việt Nam./.
Theo Vietnam+