Báo Bình Dương và những dấu ấn trên đường phát triển
(BDO) Trong dòng chảy Báo chí cách mạng Việt Nam, Báo Sông Bé - Bình Dương một thời được bạn đọc khu vực phía Nam yêu mến đón nhận. Có những thời điểm số lượng Báo Sông Bé đạt khoảng 100.000 bản/kỳ phát hành. Tiến tới kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, điểm lại một vài dấu ấn của Báo Sông Bé - Bình Dương trên đường phát triển nhằm giúp những người làm báo Báo Bình Dương hiện nay có thêm động lực, niềm tin, từ đó vượt qua khó khăn để tiếp tục gắn bó với nghề.
Số báo Sông Bé đầu tiên xuất bản ngày 10-12-1976 hiện còn được lưu giữ ở Phòng Truyền thống Báo Bình Dương
Đồng hành cùng Báo Sông Bé - Bình Dương từ năm 1992 đến nay, tôi may mắn được chứng kiến xuyên suốt quá trình phát triển của tờ báo qua các thời kỳ. Tuy khó phân định rạch ròi, nhưng ở mỗi giai đoạn phát triển, Báo Sông Bé - Bình Dương đều để lại dấu ấn riêng trong lòng bạn đọc và cả những người trực tiếp tham gia thực hiện tờ báo.
“Ra đường thấy báo Sông Bé”
Giai đoạn 1993-1997, gần như tất cả bạn đọc các tỉnh phía Nam đều biết và đã từng đọc Báo Sông Bé, bởi bất kỳ sạp báo nào dù lớn hay nhỏ, từ phố thị đến thôn quê đều có bán Báo Sông Bé. Đạt được điều đó là do Báo Sông Bé biết cách đáp ứng nhu cầu “đói thông tin” của bạn đọc. Đứng ở góc độ người làm báo, có thể thấy nội dung, cách tiếp cận vấn đề và cả trình bày, Báo Sông Bé không thể so sánh với Báo Bình Dương hiện nay. Vậy thì tại sao Báo Sông Bé lại được bạn đọc đón nhận nồng nhiệt như vậy?
Đây là vấn đề mà ngay tại thời điểm đó, một số tờ báo trong cùng khu vực phát hành cũng phải tìm tòi, học hỏi cách làm của Báo Sông Bé. Không ít những tòa soạn báo địa phương khắp nơi trong nước tìm về học hỏi kinh nghiệm. Đứng ở góc độ quản lý báo chí, có thể thấy đây là giai đoạn báo chí được “cởi trói”, không còn bó hẹp trong phạm vi thông tin tỉnh nhà mà có quyền bung ra khu vực, cả nước. Lãnh đạo Báo Sông Bé lúc bấy giờ đã biết chớp thời cơ để đi trước các tờ báo khác một bước. Dẫu vậy, đây mới chỉ là điều kiện cần nhưng chưa đủ. Để bạn đọc yêu thích và bỏ tiền mua tờ báo thì điều kiện đủ là phải quy tụ cho được đội ngũ làm báo giỏi, biết cách đánh trúng tâm lý bạn đọc. Và, lãnh đạo Báo Sông Bé thời ấy đã làm được cả hai điều này, cho dù đội ngũ nhân sự của báo thời ấy rất mỏng, với trên dưới 20 người tính luôn cả bộ phận quản lý, gián tiếp.
Bước đi đầu tiên trong tiến trình phát triển Báo Sông Bé là lãnh đạo tờ báo dám nghĩ, dám làm. Tổng Biên tập Báo Sông Bé thời ấy là chú Nguyễn Xuân Vinh thường trăn trở với câu hỏi: “Tại sao người làm báo lại không sống nổi với nghề?”. Để hiện thực hóa giấc mơ người làm báo phải sống được bằng nghề làm báo, Ban Biên tập Báo Sông Bé đã lên kế hoạch tìm hiểu thị hiếu độc giả, liên kết với tư nhân trong khâu phát hành và kêu gọi những người giỏi nghề hợp tác với Báo Sông Bé về mặt nội dung.
Số báo đầu tiên mang măng sét Bình Dương sau khi dừng xuất bản Báo Sông Bé, ra ngày 1-1-1997
Bước thử nghiệm đầu tiên được chọn là tăng thêm mỗi tuần 1 kỳ phát hành vào ngày thứ tư, phát hành rộng khắp các tỉnh thành trong khu vực, đặc biệt là tại TP.Hồ Chí Minh (trước đó Báo Sông Bé chỉ phát hành mỗi tuẩn 1 kỳ vào ngày thứ sáu, chủ yếu đáp ứng nhu cầu bạn đọc trong tỉnh). Nội dung số báo thứ tư hoàn toàn khác so với số báo thứ sáu đã phát hành trước đó. Kết quả của bước thử nghiệm đem lại thành công ngoài mong đợi. Số lượng báo phát hành mỗi kỳ không ngừng tăng chỉ sau một tháng tờ báo ra mắt bạn đọc. Tuy ra đời sau tờ thứ sáu, nhưng tờ báo thứ tư có số lượng phát hành tăng gấp đôi rồi gấp ba so với tờ thứ sáu chỉ sau một thời gian rất ngắn.
Biết đã đi đúng hướng, Ban Biên tập Báo Sông Bé duy trì chủ trương cùng một măng-sét, nhưng nội dung 2 tờ thứ sáu và thứ tư hoàn toàn khác nhau với việc “độc lập tác chiến” của 2 bộ phận trong cùng một tòa soạn. Báo Sông Bé thứ tư như “cá gặp nước” tha hồ vẫy vùng và không ngừng tăng nhanh về số lượng mỗi kỳ phát hành khi được tăng từ 8 trang lên 12 trang với nhiều chuyên trang, chuyên mục đáp ứng nhu cầu thông tin của nhiều đối tượng bạn đọc. Thừa thắng xông lên, Ban Biên tập Báo Sông Bé tiếp tục cho ra mắt tờ Sông Bé chủ nhật với nội dung gần giống tờ thứ tư, nhưng được in 4 màu, tập trung khai thác các chuyên mục văn hóa, văn nghệ, giải trí, hôn nhân - gia đình nhằm đáp ứng nhu cầu bạn đọc cuối tuần.
Được bạn đọc yêu mến đón nhận, hai tờ Sông Bé thứ tư và chủ nhật vươn lên, lan tỏa khắp các tỉnh khu vực phía Nam chỉ sau một thời gian ngắn với số lượng phát hành mỗi kỳ lên đến 80.000 bản, lúc cao điểm hơn 100.000 bản. Trên các sạp báo lớn nhỏ hay xấp báo bán dạo trên tay các em bé luôn có tờ Sông Bé. Hình ảnh các bác tài xe ôm, những chị bán hàng mở tờ báo Sông Bé để đọc trong lúc rảnh rỗi chờ khách đã trở nên quen thuộc. Chính vì vậy mà nhiều đồng nghiệp thời kỳ này khi nói về Báo Sông Bé đều cho rằng “ra đường thấy báo Sông Bé”.
Nhờ liên tục đổi mới nội dung và hình thức, báo in Bình Dương vẫn là kênh thông tin được một bộ phận bạn đọc tiếp tục đón nhận
Trăn trở nâng kỳ phát hành
Thực hiện chủ trương của Trung ương, năm 1997 tỉnh Sông Bé được chia tách. Trên cơ sở chia tách tỉnh, măng-sét Báo Sông Bé không còn tồn tại mà hình thành hai nhánh mới là Báo Bình Dương và Báo Bình Phước.
Mặc dù đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước bằng cách giới thiệu măng sét mới với bạn đọc và tăng cường nâng cao chất lượng nội dung bởi tiên liệu số lượng phát hành có thể giảm khi chuyển đổi sang măng sét mới, nhưng Báo Bình Dương cũng khó trụ vững do cái tên Bình Dương quá mới lạ đối với bạn đọc. Trước tình hình này, Ban Biên tập Báo Bình Dương một mặt tìm cách kìm hãm đà giảm sút số lượng phát hành, một mặt xây dựng kế hoạch nâng kỳ phát hành và tăng cường kêu gọi quảng cáo để bù đắp doanh thu.
Tuy nhiên, trăn trở lớn nhất của Ban Biên tập Báo Bình Dương lúc này về số kỳ phát hành là tăng dần hay tăng một lúc từ 3 kỳ lên 6 kỳ/tuần. Tổng Biên tập Báo Bình Dương thời kỳ này là anh Huỳnh Ngọc Đáng, một người có thâm niên làm báo, đã từng kinh qua nhiều công tác khác trong bộ máy Nhà nước, có tầm nhìn rộng và am hiểu sâu sắc về nhu cầu tiếp nhận thông tin của bạn đọc. Sau khi tham khảo, cân nhắc cách làm của một số tờ báo trong khu vực, quyết định cuối cùng của Tổng Biên tập là tăng kỳ phát hành từ 3 kỳ lên 6 kỳ/tuần, không giảm số trang báo trên mỗi kỳ phát hành, bắt đầu từ năm 2004.
Nhân viên nhà in sắp xếp Báo Bình Dương để chuẩn bị chuyển đến khâu phát hành phục vụ bạn đọc
Để chuẩn bị nâng kỳ phát hành, ưu tiên lúc này của Ban Biên tập Báo Bình Dương là chuẩn bị về mặt nhân lực. Được sự cho phép của Tỉnh ủy, qua nhiều đợt sát hạch, Báo Bình Dương đã tuyển dụng được hàng chục phóng viên có tay nghề vững vàng chuẩn bị cho lần “vươn khơi” mới. Và, năm 2004 là năm chính thức đánh dấu cột mốc lớn của Báo Bình Dương khi phủ kín ngày phát hành trong tuần từ thứ hai đến thứ bảy, cùng với ấn phẩm cuối tuần đóng cuốn khổ nhỏ với chuyên đề văn nghệ - giải trí phát hành ngày chủ nhật. Đây là “cú đột phá” thứ hai trong tiến trình đi lên của báo Bình Dương sau khi dừng măng-sét Báo Sông Bé vào năm 1997.
Có thể nói đây là quyết định táo bạo của Ban Biên tập Báo Bình Dương vì cùng lúc phải giải quyết rất nhiều vấn đề từ số lượng tin, bài đáp ứng nhu cầu đăng tải trên từng số báo, tiền in ấn và nhuận bút đều tăng gấp đôi so với trước đó. Cả guồng máy được huy động vào cuộc với tốc độ làm việc gấp đôi và chỉ sau một thời gian ngắn, Báo Bình Dương đã vững vàng với 6 kỳ phát hành/tuần, số lượng phát hành ổn định, bảo đảm chuyển tải đầy đủ chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các sự kiện thời sự đến bạn đọc trong tỉnh.
Đa thông tin, đa nền tảng
Cùng với “làng báo” cả nước, trước sự cạnh tranh khốc liệt của mạng xã hội, Báo Bình Dương có lúc cũng rơi vào tình trạng khó khăn do số lượng phát hành và doanh thu từ quảng cáo giảm mạnh. Nhiệm vụ cấp bách của Ban Biên tập và đội ngũ làm báo tỉnh nhà giai đoạn này là nhanh chóng tìm được hướng đi mới để vừa thông tin kịp thời chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với bạn đọc, vừa bảo đảm doanh thu để ổn định hoạt động của một cơ quan báo chí. Qua nghiên cứu các mô hình báo chí hiện đại, hướng đi mới được Ban Biên tập Báo Bình Dương lựa chọn là phải thực hiện đa thông tin, đa nền tảng.
Thuận lợi của Báo Bình Dương là cùng với tờ báo in hàng ngày, Báo Bình Dương điện tử với 3 thứ tiếng Việt, Anh, Hoa cũng đã được bạn đọc yêu thích truy cập với số lượng ngày càng tăng. Tuy nhiên, với nhận định nếu tiếp tục để báo điện tử chuyển tải lại những thông tin của báo in như cách làm trước đây sẽ lãng phí nguồn lực và không kịp thời đáp ứng nhu cầu tiếp nhận thông tin ngày càng cao của bạn đọc, Ban Biên tập Báo Bình Dương đã mạnh dạn sáp nhập tòa soạn báo in và báo điện tử theo hướng một tòa soạn nhiều sản phẩm báo chí. Từ tháng 10-2014, báo Bình Dương chính thức đưa vào thực hiện mô hình này.
Bước đầu thực hiện mô hình tuy chưa mang lại nhiều kết quả, nhưng bằng sự kiên trì, đến nay mô hình đa thông tin, đa nền tảng đã mang lại kết quả khả quan, tạo được dấu ấn với bạn đọc. Mô hình không chỉ giải quyết nhu cầu tiếp nhận thông tin của người đọc nhanh chóng, kịp thời, mà còn từng bước giải quyết bài toán kinh tế báo chí thông qua việc tuyên truyền có thu phí từ các đơn vị, doanh nghiệp theo đề xuất của Ban biên tập và đã được đơn vị chủ quản là Tỉnh ủy Bình Dương đồng ý thông qua. Tùy vào nội dung thông tin, Tòa soạn lựa chọn nền tảng để đăng tải nhằm mang lại hiệu quả cao nhất và các nền tảng mạng xã hội, như: facebook, youtube, zalo, tiktok được tận dụng để chuyển tải thông tin nhanh đến với người đọc, người nghe, người xem.
Hiện nay, Báo Bình Dương đang phát triển theo hướng đa nền tảng, đa phương tiện
Mặc dù chưa thể đáp ứng hết nhu cầu thông tin của nhiều đối tượng bạn đọc khác nhau như mạng xã hội bởi sự khắc khe của khâu kiểm duyệt, nhưng có thể nói mô hình đa thông tin, đa nền tảng mà Báo Bình Dương đang thực hiện đã tạo được dấu ấn với bạn đọc. Mô hình không chỉ giải quyết nhu cầu được tiếp nhận thông tin chính thống, tin cậy của bạn đọc trong bối cảnh “hỗn loạn” thông tin từ mạng xã hội, mà còn góp phần định hướng dư luận để bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
Có được thành quả trên, các thế hệ nhà báo thuộc Báo Sông Bé - Bình Dương suốt gần nửa thế kỷ qua luôn thủy chung, bền bỉ đóng góp để tờ báo ngày càng lớn mạnh. Nhiều nhà báo nay đã về hưu hoặc chuyển sang công tác khác, nhưng tất cả đều dõi theo sự phát triển của Báo Bình Dương và thường xuyên góp ý xây dựng tờ báo. Chính sự thủy chung đó của các thế hệ nhà báo đi trước đã góp phần động viên đội ngũ những người làm báo hôm nay vượt qua khó khăn, vươn lên làm chủ công nghệ, liên tục đổi mới, sáng tạo để đưa Báo Bình Dương phát triển ngang tầm với báo chí khu vực và cả nước.
Thành lập vào ngày 1-12-1976, Báo Sông Bé (tiền thân của Báo Bình Dương) xuất bản 1 kỳ/tuần với 8 trang. Bước sang giai đoạn 1993-1997, Báo Sông Bé nâng dần lên 3 kỳ/tuần với 12 trang và phát hành rộng khắp các tỉnh khu vực phía Nam. Từ năm 1997-2003, Báo Bình Dương tiếp tục xuất bản với số kỳ, số trang như giai đoạn trước đó và bắt đầu chuyển hướng thực hiện trang web (tiền thân của báo điện tử) Báo Bình Dương. Đến năm 2004, Báo Bình Dương nâng số kỳ phát hành lên 6 kỳ/tuần với 16 trang, đồng thời chính thức đưa báo điện tử đi vào hoạt động và xuất bản thêm nhiều ấn phẩm phụ nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng đa dạng của bạn đọc. |
Lê Quang