Báo Bình Dương và hành trình phát triển
(BDO) Ngày 1-12-2024, Báo Sông Bé - Báo Bình Dương kỷ niệm 48 năm thành lập. Chỉ từ 10 cán bộ, phóng viên ban đầu, Báo Sông Bé - Báo Bình Dương hôm nay đã phát triển mạnh mẽ, luôn đổi mới nội dung, hình thức, đáp ứng nhu cầu bạn đọc. Với phương châm “liên tục làm mới mình”, Báo Bình Dương đã kịp thời chuyển tải thông tin tới bạn đọc chính xác, khách quan; dẫn dắt, định hướng dòng thông tin chính thống giữa hàng loạt luồng thông tin đến từ các kênh phi chính thống, tin giả…
Tiến sĩ Huỳnh Ngọc Đáng (giữa), nguyên Tổng Biên tập trò chuyện cùng phóng viên Báo Bình Dương
Sau khi thống nhất đất nước, ngày 1-12-1976, Thường vụ Tỉnh ủy có quyết định thành lập tờ báo Sông Bé. Ông Tiêu Như Thủy, Trưởng ban Tuyên huấn Tỉnh ủy giữ chức Chủ nhiệm kiêm Tổng Biên tập; ông Nguyễn Xuân Quang làm Ủy viên Ban Biên tập. Số báo Sông Bé đầu tiên phát hành vào ngày 10-12-1976.
Ông Nguyễn Xuân Quang, nguyên Tổng Biên tập Báo Sông Bé - Báo Bình Dương, nhớ lại: Thời kỳ đó Báo Sông Bé có đội ngũ cán bộ, phóng viên hơn 10 người. Dù gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn về điều kiện tác nghiệp và phát hành báo, song đội ngũ những người làm Báo Sông Bé luôn nỗ lực, cố gắng hết mình hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tuyên truyền đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Dù đã nghỉ hưu nhưng hàng ngày ông Nguyễn Xuân Quang, nguyên Tổng Biên tập Báo Sông Bé - Báo Bình Dương vẫn đọc báo Bình Dương. Theo ông, hiện nay, “nhà báo phải cạnh tranh về thông tin, đề tài nóng, hấp dẫn…”
Từ những số báo đầu tiên có 4 trang và phát hành 10 ngày/kỳ, trải qua 48 năm qua, Báo Sông Bé - Báo Bình Dương đã phát triển mạnh mẽ, luôn đổi mới nội dung, hình thức. Đến nay, Báo Bình Dương đã phát hành 6 kỳ 1 tuần, có thời điểm phát hành 120.000 bản/kỳ.
Đi cùng sự phát triển của báo in, từ giữa tháng 4-2004, Website Báo Bình Dương điện tử được nâng cấp mở rộng giao diện. Dù ở giai đoạn nào, Báo Bình Dương cũng liên tục “làm mới” mình với việc thay đổi chiến lược nội dung, đa dạng các hình thức chuyển tải thông tin tới bạn đọc một cách chính xác, khách quan; dẫn dắt, định hướng dòng thông tin chính thống giữa hàng loạt các luồng thông tin đến từ các kênh phi chính thống, tin giả…
Ông Lê Minh Tùng, Tổng Biên tập Báo Bình Dương, cho rằng thời gian qua, Báo Bình Dương đã thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, làm tốt vai trò là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ tỉnh, là cầu nối giữa Đảng, chính quyền với nhân dân. Báo không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng về nội dung, hình thức, tuyên truyền sâu rộng, kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; quảng bá, giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Trong đó chú trọng thông tin tuyên truyền ở cơ sở, các địa phương, đối tượng là công nhân lao động đang làm việc, sinh sống trên địa bàn tỉnh; đồng thời đẩy mạnh công tác phát hành báo đến nhiều thành phần độc giả nhằm lan tỏa thông tin chính thống của báo Đảng địa phương.
“Thời gian tới, Báo Bình Dương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với mọi tầng lớp nhân dân. Báo không ngừng đổi mới, sáng tạo về nội dung tuyên truyền phù hợp với đặc điểm tình hình, yêu cầu nhiệm vụ và từng đối tượng cụ thể trong xã hội; chuyển tải thông tin đến bạn đọc thật súc tích, ngắn gọn, dễ hiểu gắn với báo chí số. Đội ngũ phóng viên, biên tập viên tiếp tục học tập, rèn luyện, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị và đạo đức nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới”. (Ông Lê Minh Tùng, Tổng Biên tập Báo Bình Dương) |
THU THẢO