Bánh tráng Thanh An... “lên đời”
Bánh tráng là nghề đắp đổi qua ngày, xưa không ai làm giàu bằng nghề làm bánh tráng cực công. Nhưng ở Thanh An (Dầu Tiếng) bây giờ đã có một HTX quy mô, công nghệ tốt với khát vọng làm giàu từ... chiếc bánh tráng.
Bỏ lò lên máy
Bánh tráng là sản vật quen thuộc của người dân Thanh An từ bao đời. Bởi ở đây có hàng chục lò bánh tráng thủ công. Tuy không ai làm giàu bằng nghề này nhưng chiếc bánh tráng Thanh An vẫn ngày qua ngày vượt khỏi “cổng làng” đi xa khắp tỉnh Bình Dương, Bình Phước, TP.HCM... rồi thu số tiền không nhỏ về nuôi sống bao thế hệ. Cũng từ đây, bánh tráng Thanh An không chỉ là một nghề nhỏ lẻ như ở nhiều địa phương khác mà dần trở thành nghề truyền thống của cả xã. Ở thời điểm cực thịnh, hàng chục hộ ở khắp các nơi trong xã đỏ lò suốt các tháng mùa nắng, người mua - kẻ bán dập dìu...
Tuy nhiên, cũng như nhiều ngành nghề truyền thống khác, bánh tráng Thanh An ngày càng không chạy theo kịp nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Trong nhiều năm liền, bánh tráng của địa phương thất thế trước những dây chuyền sản xuất bánh hiện đại của “láng giềng” Củ Chi, TP.HCM. Bởi sản xuất thủ công rất cực công, mỗi lò một ngày quần quật từ sáng đến chiều từ công đoạn lo củi đốt, đun lò, tráng bánh, phơi... mất đến vài chục giờ đồng hồ. Đã vậy, công suất mỗi lò tối đa chỉ được 4 - 5 thiên bánh tráng/ngày. Như vậy, nếu tiêu thụ sản phẩm tốt, mỗi lò chỉ thu lại lợi nhuận khoảng 90.000 đồng. Chất lượng bánh và vệ sinh an toàn thực phẩm cũng là thách thức lớn đối với phương pháp sản xuất thủ công truyền thống.
Bánh tráng Thanh An sẽ còn phát triển hơn nữa nếu có được quyền Nhãn hiệu tập thể. Trong ảnh: Chị Nguyễn Thị Gái, Chủ nhiệm HTX bánh tráng Danh Lễ giới thiệu về dây chuyền làm bánh tráng tự động
Nhận thức được vấn đề này, một chủ cơ sở bánh tráng tại Thanh An đã tự mày mò đi xin làm thủ tục thành lập HTX, đầu tư máy móc để sản xuất theo quy cách mới. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian chị này đành... bỏ cuộc vì không chịu nổi áp lực. Bẵng đi một thời gian, chị Nguyễn Thị Gái, chủ cơ sở sản xuất bánh tráng Danh Lễ đứng ra kêu gọi các chủ lò cùng hùn hạp vốn liếng để đứng ra lập HTX, đầu tư máy móc quyết chí làm ăn. Thuận lợi là chị Gái đã được truyền nghề làm bánh tráng từ mẹ và bao nhiêu tâm huyết cả đời trước lẫn đời sau nung nấu, hun đúc vào cái nghề dần dần bị nhiều người ghẻ lạnh. Từ năm 2000, chị Gái đã đứng ra bỏ bột rồi thu mua bánh tráng về bỏ mối. Chính vì thế, chị hiểu nhu cầu thị trường là rất lớn nên không thể giữ được nghề nếu cứ ôm chặt lấy cái lò bánh tráng thủ công. Đem tình yêu và khát vọng nâng tầm bánh tráng Thanh An đi thuyết phục các chủ lò, chị nhận được sự đồng tình ủng hộ của 7 người. Mỗi người quyết tâm hùn hạp phần vốn 30 triệu đồng. Riêng chị Gái tự bỏ ra gấp 3 lần, tức 90 triệu đồng để sang Củ Chi đặt mua máy móc, thiết bị và “lên đời” bánh tráng Thanh An. Năm 2011, mẻ bánh tráng đầu tiên sản xuất bằng máy ra lò, đánh dấu bước ngoặc quan trọng cho bánh tráng Thanh An.
Bước đầu khích lệ
Huy động vốn mua máy, làm ra bánh đạt năng suất và chất lượng rất khó, tìm đầu ra cho sản phẩm càng khó hơn. Ban đầu, bánh tráng sản xuất từ máy móc của Thanh An khó khăn trong việc tiếp cận thị trường bởi người mua có tâm lý rất... vô lý: “Các tiểu thương từ chối nhận bánh bán vì sợ bánh làm từ máy không ngon, không ai mua. Thuyết phục mãi, họ mới nhận 1 - 2 thiên để bán thử”, chị Nguyễn Thị Gái, Chủ nhiệm HTX bánh tráng Danh Lễ cho biết. Nỗ lực thuyết phục người tiêu dùng thay đổi sự nhìn nhận về sản phẩm dần dần cũng đạt được hiệu quả. Sau gần 1 năm, giờ đây hàng triệu chiếc bánh tráng Thanh An đã vươn xa khắp các tỉnh miền Đông Nam bộ và ngày càng được nhiều người biết đến nhờ sự dẻo thơm, độ đồng đều... của sản phẩm.
Vậy là, HTX bánh tráng Danh Lễ của Thanh An từ cái gốc ban đầu chỉ là niềm say mê, khát vọng làm giàu của một nhóm người dám nghĩ, dám làm giờ đây đã trở thành một HTX điển hình trong việc đổi mới công nghệ và làm ăn có hiệu quả của huyện Dầu Tiếng. Ban đầu, HTX chỉ sản xuất mỗi ngày 20.000 bánh tráng nhưng công suất hiện nay đã là 30.000 bánh tráng. Bánh làm ra đều không kịp giao cho các thương lái vì nhu cầu quá lớn. Như vậy, làm một phép nhẩm tính đơn giản với mỗi thiên bánh là 280.000 đồng, mỗi ngày HTX thu về 8,4 triệu đồng tiền bánh tráng. Mỗi tháng trừ hết chi phí mỗi thành viên HTX nhận được khoảng 2 triệu đồng tiền lãi. Riêng tháng cuối năm rồi, mỗi thành viên HTX nhận 3 triệu đồng tiền lãi. Như vậy, 7 thành viên đóng góp 30 triệu đồng vốn chỉ sau hơn 1 năm HTX đi vào sản xuất đã hoàn vốn.
Tiếp xúc với chúng tôi, chị Lê Thị Kim Thảo, cán bộ TMDV - CN xã Thanh An cho biết: “Hiện HTX bánh tráng Danh Lễ giải quyết việc làm cho 15 công nhân, bình quân mỗi người nhận số tiền lương 3,3 triệu đồng/tháng. Thậm chí có một số người trong họ đã từng là chủ lò thủ công nhưng nhận thấy HTX làm ăn hiệu quả nên đã bỏ lò để chuyển sang sản xuất quy mô lớn. Chúng tôi thấy đây là một mô hình làm ăn hiệu quả và có nhiều triển vọng”.
Ước muốn vươn xa
Chúng tôi đến HTX bánh tráng Danh Lễ vào một ngày đầu tháng 5. Cái nắng gay gắt, cái cực nhọc của nghề không giấu được niềm vui ngời ngời của những người làm bánh tráng nơi đây. Cái vui không chỉ thể hiện ở cách nhìn đầy tươi sáng của họ với những thiên bánh tráng đều, đẹp. Mà cái vui như ấm lên từ niềm tin và hy vọng cho một tương lai hứa hẹn hơn. Chị Nguyễn Thị Gái cho biết: “Hơn 1 năm nay chúng tôi gõ cửa Sở Khoa học và Công nghệ Bình Dương nhờ tư vấn và thực hiện việc sở hữu nhãn hiệu tập thể “Bánh tráng Thanh An” để phát triển bánh tráng bền vững và quy mô lớn hơn. Nếu không có gì thay đổi, bánh tráng Thanh An sẽ có thương hiệu gắn liền với vùng đất này. Khi đó, sản phẩm làm ra sẽ được phân phối rộng rãi hơn, mang lại nguồn thu nhập tốt hơn cho bà con”.
Chị Gái cũng không quên kể về những dự định tốt đẹp của bánh tráng Thanh An. Khó khăn lớn nhất của HTX không phải ở chỗ chất lượng sản phẩm hay đầu ra cho bánh tráng nữa. Mà khó khăn của bánh tráng Thanh An bây giờ chính là việc quá phụ thuộc vào “ông mặt trời”. Bởi vậy, ngày nào làm bánh tráng HTX cũng phải... dài cổ theo dõi dự báo thời tiết. Chỉ những ngày nào nắng nóng nhiệt độ dự báo từ 30 độ C trở lên, máy mới được vận hành. Bởi thế, chị muốn đầu tư một sân phơi tốt, một cơ sở khang trang hơn và nghe đâu có cả một... máy sấy bánh tráng hoàn chỉnh đã đi vào hoạt động ở Hà Nội. Chị mong lắm đến ngày được sở hữu một chiếc máy như thế để chủ động hơn trong khâu sản xuất, có thể cho ra lò bánh tráng trong cả mùa mưa luôn để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Tất cả những dự cảm tốt đẹp ấy đều được cụ thể hóa thực hiện từ hôm nay, từ chính những ngày cầm xấp hồ sơ dày cộm, tỉ mỉ ký từng chữ ký để có được thương hiệu “Bánh tráng Thanh An”, một bước đi vững vàng cho tương lai hứa hẹn của bánh tráng Thanh An mai sau.
Trước đây, bánh tráng được làm từ gạo tẻ xay thành bột mịn, pha lỏng vừa phải, tráng mỏng và hấp trên nước sôi... Quả thật, làm bánh tráng thủ công phải trải qua quá nhiều công đoạn nhưng lại không đạt độ đồng nhất cao, bánh tráng làm ra có độ dày mỏng khác nhau. Tuy nhiên, theo quy trình tráng bánh hiện đại bằng máy, bánh sẽ rất đều, mỏng và đặc biệt là nhanh gấp 30 lần. Nếu như trước đây tráng bánh thủ công, mỗi ngày 1 người có thể tráng được 1 thiên bánh (1.000 bánh), thì nay tráng bánh bằng máy mỗi ngày có thể tráng hơn 30 thiên (30.000 bánh). Như vậy, kể từ khi làm bánh tráng bằng máy, bánh tráng Thanh An tăng năng suất lên gấp nhiều lần.
KHÁNH VINH