Ban Tuyên giáo Thị ủy Tân Uyên: Tập trung công tác biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng
(BDO) Đi vào nề nếp
Theo đó, Ban Tuyên giáo (BTG) Thị ủy Tân Uyên đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo các chi, Đảng bộ trực thuộc, các ban, ngành, MTTQ và các đoàn thể thị xã đẩy mạnh công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng, lịch sử cách mạng truyền thống ngành, địa phương trên địa bàn thị xã. Nhờ đó, công tác này từng bước đi vào nề nếp, việc triển khai thực hiện đã đạt nhiều kết quả tích cực. Cấp ủy từ thị xã đến cơ sở luôn nhận thức đúng, đầy đủ vị trí, vai trò của công tác lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống cách mạng; xem đây là một trong những nội dung quan trọng, nhất là trong xây dựng Đảng về tư tưởng, lý luận; tiếp tục giữ gìn và phát huy những thành quả cách mạng của Đảng, truyền thống vẻ vang của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đảng ủy, Ban Chỉ huy Quân sự TX.Tân Uyên ra mắt cuốn sách “Lịch sử Đội Nữ pháo binh Tân Uyên giai đoạn 1968-1972”
Cán bộ, đảng viên và nhân dân được quán triệt, tuyên truyền thường xuyên về những nội dung cơ bản, cốt lõi của quá trình đấu tranh, xây dựng, bảo vệ và phát triển của Đảng, truyền thống cách mạng của địa phương, từ đó luôn thể hiện sự trân trọng, ủng hộ, tích cực tham gia xây dựng địa phương và có nhiều đóng góp thiết thực vào công tác lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống cách mạng của địa phương như đóng góp trong việc sưu tầm tư liệu, hiện vật lịch sử, góp ý kiến cho các bản thảo công trình lịch sử khi được mời tham gia ý kiến; giữ gìn các di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn; công tác giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ tại địa phương...
Đẩy mạnh tuyên truyền
Bà Nguyễn Thị Kim Liên, Trưởng BTG Thị ủy Tân Uyên, cho biết song song với công tác biên soạn, công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống cách mạng địa phương được các cơ sở Đảng, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội thị xã thực hiện với nhiều hình thức phong phú, sinh động, phù hợp với từng đối tượng. Bên cạnh đó, công tác bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử nhằm giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trên địa bàn được các cấp ủy Đảng, chính quyền, nhân dân thường xuyên quan tâm. Hiện nay, trên địa bàn thị xã có 12 di tích lịch sử được xếp hạng.
Ngoài ra, hàng năm BTG Thị ủy cũng chỉ đạo, hướng dẫn Trung tâm Chính trị thị xã tuyên truyền lồng ghép lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống cách mạng địa phương trong bài giảng các lớp bồi dưỡng lý luận chính trị, nghiệp vụ cho cán bộ MTTQ và các đoàn thể, các lớp dành cho đối tượng kết nạp Đảng, đảng viên mới… BTG Thị ủy thường xuyên thông tin, định hướng để đội ngũ báo cáo viên tăng cường công tác tuyên truyền lịch sử cách mạng đến đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân; đồng thời, chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, tổng phụ trách đội, đặc biệt là giáo viên dạy bộ môn lịch sử, giáo dục công dân về lịch sử Đảng, lịch sử cách mạng của thị xã. Nhiều trường THCS, THPT trên địa bàn thị xã đã có đổi mới trong công tác giáo dục lịch sử cho học sinh bằng nhiều hình ảnh trực quan sinh động, đi về nguồn thăm các di tích lịch sử... Qua đó, giúp thế hệ trẻ hiểu sâu sắc hơn và tự hào về những trang sử vẻ vang của quê hương, của thị xã.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Liên, thời gian tới BTG Thị ủy Tân Uyên tiếp tục triển khai, quán triệt, tuyên truyền trong cán bộ, đảng viên, nhân dân Chỉ thị số 20-CT/TW của Ban Bí thư, kế hoạch của Tỉnh ủy, Thị ủy về “Tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng”; tăng cường tuyên truyền, giáo dục cho thế hệ trẻ về truyền thống cách mạng vẻ vang của Đảng, của quê hương, đất nước và địa phương để thế hệ trẻ học tập, noi theo thông qua công tác giảng dạy lịch sử, tổ chức nói chuyện chuyên đề, tham quan các di tích lịch sử…
Cấp ủy các cơ sở Đảng, MTTQ và các ngành, đoàn thể tiếp tục tuyên truyền lịch sử Đảng bộ huyện Tân Uyên từ năm 1930 đến năm 2000; lịch sử lực lượng vũ trang huyện Tân Uyên giai đoạn 1945-2005; lịch sử Chiến khu Vĩnh Lợi giai đoạn 1946-1975 và lịch sử của các xã, phường sâu rộng trong nhân dân với nhiều hình thức phù hợp; chú trọng tổ chức học tập, tuyên truyền lịch sử gắn với tham quan các điểm di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn thị xã và trong tỉnh .
THU THẢO