Bán thuốc lá cho trẻ dưới 18 tuổi bị phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng
(BDO) Hành vi vi phạm Luật Phòng chống tác hại thuốc lá được quy định tại Nghị định số 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Theo đó, hành vi hút thuốc lá tại nơi cấm bị phạt tối đa 500.000 đồng, người bán thuốc lá cho trẻ em dưới 18 tuổi bị phạt từ 3-5 triệu đồng.
Ngành chức năng tổ chức chương trình “Nói chuyện với học sinh, sinh viên về tác hại thuốc lá”
Ngày 28/9/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 15/11/2020, thay thế Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
Nghị định này có một số điểm mới liên quan đến hành vi vi phạm Luật Phòng chống tác hại thuốc lá là tăng mức xử phạt của một số hành vi vi phạm như sau:
- Tăng mức xử phạt của hành vi hút thuốc tại địa điểm cấm với mức xử phạt từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng.
- Nghị định số 117/2020/NĐ-CP bổ sung các hành vi vi phạm và mức xử phạt hành vi không có biển thông báo không bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi tại điểm bán của đại lý bán buôn, đại lý bán lẻ thuốc lá thì phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng (Điều 26).
- Bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi bị phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng (Điều 26).
- Đối với người từ đủ 16 tuổi nhưng chưa đủ 18 tuổi có hành vi sử dụng thuốc lá thì bị cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng (Điều 29).
- Sử dụng người chưa đủ 18 mua thuốc lá bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng (Điều 29).
- Không thay đổi định kỳ 2 năm một lần cảnh báo sức khỏe trên bao bì theo quy định của pháp luật thì bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng (Điều 27).
- Các tổ chức, cá nhân tiếp thị thuốc lá trực tiếp với người tiêu dùng tại cơ sở thuộc quyền quản lý, điều hành; doanh nghiệp, các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin, thông báo về tài trợ của tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc lá thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.
Người dân tham gia giám sát, phát hiện hành vi hút thuốc lá tại địa điểm cấm hút thuốc lá và cung cấp bằng chứng, kiến nghị, yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền cấp xã xem xét, xử lý hành vi vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật. Cụ thể, người dân sử dụng phương tiện, thiết bị ghi hình (điện thoại, máy ảnh, camera) để ghi lại hình ảnh vi phạm nhằm mục đích phát hiện, tố cáo hành vi vi phạm đến cơ quan có thẩm quyền cấp xã với quy trình thực hiện gồm các bước:
Bước 1, người dân chủ động tham gia giám sát, phát hiện, tố cáo vi phạm pháp luật: Phát hiện, nhắc nhở, chụp hình… gửi hình ảnh vi phạm và yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý, tiếp nhận ý kiến.
Bước 2, cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận phản ảnh, tố cáo vi phạm pháp luật và tiến hành xác minh.
Bước 3, cơ quan có thẩm quyền tiến hành các thủ tục xử phạt vi phạm: Lập biên bản vi phạm, ra quyết định xử phạt, gửi quyết định xử phạt, thi hành quyết định xử phạt, cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt.
HOÀNG LINH - QUỲNH TRANG