Ban Quản lý rừng phòng hộ Núi Cậu (Dầu Tiếng): Thực hiện tốt các giải pháp chống cháy

Thứ bảy, ngày 24/02/2018

(BDO) Rừng phòng hộ núi Cậu (Dầu Tiếng) có diện tích trên 1.538 ha. Đây là lá phổi xanh đặc biệt điều hòa khí hậu cho các tỉnh Bình Dương, Tây Ninh và TP.Hồ Chí Minh, đồng thời đảm trách nhiệm vụ chống xói mòn cho lòng hồ Dầu Tiếng, bảo vệ phòng hộ đập hồ Dầu Tiếng đang chứa trên 1,5 tỷ m3 nước để cung cấp cho cả khu vực miền Đông Nam bộ.


Lực lượng kiểm lâm và ngành chức năng huyện Dầu Tiếng tích cực thực hiện các giải pháp chống cháy rừng phòng hộ núi Cậu.
Ảnh: HỒNG NGA

Những ngày này đang là thời điểm nắng nóng, khô hanh nên nguy cơ xảy ra cháy tại các khu rừng trên địa bàn tỉnh nói chung, huyện Dầu Tiếng nói riêng khá lớn. Để bảo đảm an toàn cho các khu vực rừng phòng hộ trên địa bàn huyện, công tác phòng chống cháy rừng đang được ngành chức năng huyện Dầu Tiếng tập trung cao độ. Tại khu vực rừng phòng hộ núi Cậu, nhiều diện tích cây đang bị úa vàng, rụng lá, tạo nên thực bì khô rám dày đặc rất dễ gây hỏa hoạn. Thêm vào đó, những ngày đầu xuân, tại chùa Thái Sơn trên núi Cậu, hàng ngàn lượt người hành hương đến chùa Thái Sơn ở núi Cậu thắp hương khiến công tác kiểm soát phòng cháy, chữa cháy rừng ở đây gặp rất nhiều khó khăn.

Trên địa bàn xã Định Thành hiện nay có nhiều cửa ngõ dẫn lên núi Cậu để vào chùa Thái Sơn; còn tại các làng chài tự phát khu vực bìa rừng nằm ven hồ Dầu Tiếng, người dân thường xuyên xâm nhập vào rừng để bắt tổ ong, đốn củi... Do đó, chỉ cần một sơ xuất nhỏ trong khi đốt nhang đèn hoặc vứt tàn thuốc bừa bãi cũng sẽ gây nên hậu quả khó lường.

Trước tình hình đó, trong những ngày qua, việc giám sát rừng phòng hộ núi Cậu đã và đang được các cấp, các ngành huyện Dầu Tiếng thực hiện rất nghiêm túc, điển hình là nghiêm cấm người dân vào rừng vào thời điểm này. Bên cạnh đó, ngành kiểm lâm huyện, Ban Quản lý rừng phòng hộ núi Cậu đã huy động cán bộ kiểm lâm vào rừng ứng trực ngày đêm ở trên núi, không được lơ là, thiếu cảnh giác trước nguy cơ cháy rừng.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ núi Cậu Dầu Tiếng cho biết, rừng phòng hộ núi Cậu là khu vực trọng điểm bảo vệ hồ Dầu Tiếng, nên trong mùa khô năm nay, đơn vị đã ban hành nhiều văn bản yêu cầu 2 đơn vị nhận giao khoán rừng là chùa Thái Sơn núi Cậu và Công ty TNHH Bích Hương chấp hành nghiêm túc công tác bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng trong mùa khô 2018; đồng thời đầu tư nhiều trang thiết bị phòng chống cháy rừng. Đến thời điểm này, các đơn vị đã xây dựng và đưa vào sử dụng các hồ chứa nước chữa cháy nằm trên núi với dung tích 25.000 lít/hồ; xây các tháp chòi canh rừng cao 15m; phát dọn đường băng cản lửa trên 73km; kiểm tra lại các công cụ sẵn có nhằm sẵng sàng cho công tác phòng cháy, chữa cháy rừng…

Theo UBND huyện Dầu Tiếng, phương châm hoạt động của huyện trong thời điểm này là thực hiện công tác phòng là chính, nếu xảy ra cháy rừng thì việc huy động lực lượng phối hợp, các phương tiện, trang thiết bị, dụng cụ chữa cháy kịp thời để dập tắt ngay lửa gây cháy rừng, hạn chế thiệt hại tài nguyên rừng và cây trồng do cháy gây ra. Bên cạnh đó, lãnh đạo huyện yêu cầu phát huy vai trò chỉ đạo của chính quyền địa phương và nâng cao vai trò trách nhiệm quản lý của UBND xã Định Thành; thường xuyên có sự phối hợp giữa địa phương với lực lượng kiểm lâm, lực lượng của Ban Quản lý rừng phòng hộ núi Cậu Dầu Tiếng và sự phối hợp của các ngành có liên quan; cùng với đó phân công bố trí lực lượng phối hợp trực 24/24 giờ trong các ngày, tổ chức trực gác ở 3 chốt gồm núi Cậu, Yên Ngựa và Bến Hóc. UBND huyện cũng chỉ đạo các đơn vị chức năng thường xuyên tuần tra, kiểm tra thực hiện nhiệm vụ phòng cháy chữa cháy rừng, bảo vệ rừng, bám sát địa bàn khu vực rừng để kịp thời phát hiện cháy rừng; ngăn chặn, xử lý kịp thời mọi hành vi vi phạm pháp luật và các vụ việc có nguy cơ xảy ra cháy rừng.

HỒNG NGA