Bản Mèo sôi sục vì World Cup
Không khí World Cup không chỉ đang tràn ngập mọi con hẻm tại các thành phố lớn mà còn len lỏi đến tận các bản Mèo xa xôi. Môn "thể thao vua" đang làm sôi sục cả những bản làng nghèo khó nhất Tây Bắc, các làng quê nghèo lam lũ...
Bán ngô non, sắm tivi
Bản Chắm Cháy là một trong những nơi nghèo khó nhất nhì của xã Đông Sang huyện Mộc Châu (Sơn La). Mặc dù đường điện quốc gia vắt ngang ngay trên "đỉnh đầu", nhưng đêm đến, cả bản vẫn lặng chìm trong bóng tối.
Gần 100 hộ dân nhưng chỉ có chưa đầy chục nhà có điện nhờ máy thủy điện nhỏ. Ti vi (mà bà con quen gọi là cái máy chạy hình) là một trong những thứ xa xỉ, là niềm mơ ước của nhiều gia đình, giờ chỉ đếm được trên đầu ngón tay.
Cả bản tụ tập xem bóng đá
Nghe có bóng đá tận bên xứ “lục địa đen”, nhiều thanh niên trong bản chạy ngược, chạy xuôi lùng tìm bình ắc qui, bộ kích điện để về xem “mười mấy thằng tranh nhau một quả bóng”.
Anh Nguyễn Văn Hải, một người dân Thái Bình lên bán hàng tạp hóa ở đầu bản kể: Từ đầu tháng 6, toàn người đến hỏi và nhờ mua tivi về xem bóng đá. Thu vén trong nhà còn hơn chục triệu, anh ra chợ huyện sắm được 5 chiếc tivi, về bán một chiều là hết veo.
Buổi chiều trước giờ diễn ra trận khai mạc, xách can xăng hơn 20 lít khệ nệ vượt qua đỉnh dốc, Mùa Láu Chá hổn hển qua tiếng thở: "Tao phải bán gần 100 cân ngô non để mua xăng về xem bóng đá. Tức quá, không biết bao giờ bản này mới có điện".
Nhà anh Tếnh A Sạ - trưởng bản, từ 5 giờ chiều đã đông nghẹt. Anh Sạ kể: mùa bóng trước, tối nào anh cũng cùng cậu con trai 7 tuổi cưỡi “ngựa sắt Minkhơ” sang nhà họ hàng cách bản hơn 10km để xem “oăn cắp”. Năm nay, tiết kiệm từ tiền bán ngô sớm và cho con trâu “đi ở” được hơn chục triệu, anh tậu hẳn “con” tivi LG tinh thể lỏng cáu cạnh và cả chiếc máy nổ về để xem bóng đá.
Mọi người trong bản đều tranh thủ đi nương rẫy về sớm để kịp có mặt tại nhà anh Sạ trước giờ bóng lăn. Vì máy phát điện chạy xăng nên khá tốn kém, anh Sạ đã vận động hàng xóm góp tiền “nuôi” chiếc máy nổ. Dù vậy, các anh cũng chỉ dám xem 1 trận mỗi ngày. “Máu quá có khi mất cả vụ ngô, vợ mắng chết” - anh Sạ nói.
Anh Sồng A Nếnh, một người dân trong bản nói: “Cả bản phấn khởi lắm, ai cũng vui vì được xem “oăn căp”, đàn bà, trẻ con cũng mê, còn biết cả Ronaldo là cầu thủ Bồ Đào Nha, và “chú” đẹp trai nhất là Kaka của Brazil!
6 tháng nuôi vịt chờ “oăn cắp”
Sẽ là khó hình dung khi nghe câu chuyện chuẩn bị đón “oăn cắp” (cách nói của Vàng Lau Của – xã Lóng Luông, Mộc Châu, Sơn La). Ngay từ những ngày trái bóng còn chưa lăn trên sân cỏ Nam Phi, những fan hâm mộ môn túc cầu nơi “xứ sở xương mù” Mộc Châu đã có nhiều cách chuẩn bị không giống ai.
Vàng Lau Của kể, mùa World Cup trước, anh và mọi người trong bản thường tụ tập ở nhà trưởng bản để cùng xem, mọi người hò hét cổ vũ rất vui vẻ. Nhưng mỗi người có đội bóng yêu thích của riêng mình, vậy nên không tránh khỏi tranh cãi.
Nhiều nhà trong bản đã có tivi và ănten chảo để xem bóng đá
Vậy là các anh quyết định đánh cược thắng thua với nhau bằng… vịt. Ai thua cược sẽ phải thịt vịt để nấu cháo đãi mọi người. Như vậy vừa được ăn thịt vịt, ấm bụng, xem bóng thoải mái.
Cầm cổ một chú vịt béo mẫm, Của kể: “4 năm trước tao thua cược nhiều quá, hết cả đàn vịt. Năm nay, tao nuôi 30 con, mỗi tối một con, tha hồ mà hò hét”.
Dù không có điều kiện để đón World Cup thật hoành tráng nhưng những người Mông vùng cao cũng có cách của riêng mình để có một mùa “oăn cắp” vui vẻ, sôi động.
Trái bóng thực sự đã mang lại niềm vui cho họ sau những ngày dài lao động mệt nhọc trên ruộng nương.
Nông dân "cháy" cùng World Cup
Mùa World Cup, trái với không khí tưng bừng của các thành phố lớn là một không khí êm ả thường thấy tại một số vùng nông thôn. Mùa vụ đã xong, dường như mọi người đã chuẩn bị đón sự kiện World Cup hàng tháng trước.
Những câu chuyện hôm nay không phải là về đồng áng, mà là những câu chuyện tận "châu lục đen" xa xôi: “Đội nào sẽ vô địch?”, “Brazil lại vô địch thôi!”, hay “tôi thích "thằng" Beckham, thế mà không đá, chắc già rồi...” và “tôi nghĩ Triều Tiên có khi làm nên điều thần kỳ...”.
Ở nông thôn, mỗi người thưởng thức World Cup theo cách riêng của mình. Có những nhóm thanh niên đã hò hẹn nhau gặt xong lúa cho đúng dịp World Cup để xem cho đã, đêm khai mạc còn hẹn nhau thịt con gà, con vịt ngồi nhậu cho tưng bừng...
Anh Huy Toàn (xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai, Hà Nội) nói: “May năm nay lịch thi đấu thuận lợi để xem, chứ như những năm ở Châu Âu hay Châu Mỹ, toàn đá muộn và gần sáng, mệt lắm!”.
Anh Tú, người dân cùng xóm nói thêm: “Kể cả gần sáng nhưng có bao giờ bỏ trận nào đâu, có năm World Cup thức suốt đêm xem, sáng hôm sau đi gặt, mệt gần chết! Thế nhưng vẫn sướng!”.
Không thua đám thanh niên, bậc cao niên trong làng cũng không đứng ngoài ngày hội bóng đá thế giới. Chỉ một ấm trà, cái điếu cày và chiếc tivi là đã hưởng trọn vẹn World Cup.
Ông Tý (60 tuổi), người dân huyện Thanh Oai cho biết: “Từ khi làng có điện và tivi, các kỳ World Cup tôi không bỏ kỳ nào. Năm nay may là mùa màng đã xong, thóc đã cho vào bồ rồi nên tất cả chỉ chờ World Cup thôi!”.
Bóng đã lăn, mọi người dường như bỏ hết nỗi vất vả cực nhọc của đồng áng đằng sau để đắm mình với trái bóng. Những người nông dân lại được "cháy" hết mình với World Cup.
Do chủ trương tiết kiệm điện nên rất nhiều khu vực dân sinh thường xuyên bị cắt điện, đặc biệt là những khu vực nông thôn, ngoại thành. Chính vì điều này mà nhiều người dân nông thôn lo lắng cho World Cup bị gián đoạn. Bên cạnh việc mua những chiếc tivi hay đầu kỹ thuật số mới, nhiều gia đình còn quyết định đầu tư hẳn chiếc máy phát điện đề phòng. Anh L. Tuấn, một nông dân ở huyện Thanh Oai cho biết: “Bực mình lắm! Đang xem những trận hay mà mất điện chẳng biết đi đâu xem”.
Cách đây 1 tuần, anh L. Tuấn đã quyết định đầu tư chiếc máy phát điện trị giá lên đến 7 triệu đồng để phục vụ cho World Cup. Mua máy phát điện là cả một quyết định lớn của anh và gia đình. Lúc đầu, nhiều người phản đối, nhưng vì trái bóng và sự đam mê thể thao nên anh cũng đã thực hiện được “ước mơ” của mình.
Có những người nông dân một nắng hai sương, chẳng biết World Cup là gì và Nam Phi ở đâu nhưng dường như sức nóng từ các sân cỏ đang lan tỏa đến cả những làng quê nghèo nhất ở Việt Nam.
(THEO VNN)