Bản hùng ca sống mãi- Bài 1
(BDO) Bài 1: Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh
Với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, các chiến sĩ tự vệ công nhân, tự vệ thanh niên, các đội xung phong công đoàn, cảnh sát chiến đấu, công an xung phong… cùng toàn thể nhân dân miền Nam đã kiên quyết đứng lên đánh Pháp.
Củng cố lực lượng
Đã 75 năm trôi qua, những người như ông Nguyễn Hảo Đức, Đại tá Hồ Văn Nam nay đã ở tuổi xế chiều nhưng với các ông thì “Nam bộ kháng chiến” luôn là những ký ức khó quên, đi cùng những năm tháng kháng chiến oanh liệt. Như lời kể của Đại tá Hồ Văn Nam mà chúng tôi được nhiều lần tiếp xúc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong không khí sôi sục của Cách mạng Tháng Tám, từ ngày 23 đến 28- 8-1945, nhân dân Nam bộ đã vùng lên khởi nghĩa, giành chính quyền về tay nhân dân. Sau gần một thế kỷ dưới ách thống trị của chế độ thực dân Pháp, giờ đây đồng bào Nam bộ, từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước. Ðêm 4-9-1945, các đơn vị vũ trang công nhân tổ chức mít-tinh tuyên thệ: “Không nản chí trước khó khăn, không lùi bước trước hiểm nguy để cùng đồng bào bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn non sông”. Bên cạnh các đội vũ trang công nhân trong nội thành, nhiều nhóm vũ trang nhỏ lẻ, thành phần chủ yếu là nông dân ở vùng ngoại thành Sài Gòn - Gia Ðịnh, do các đảng viên cộng sản tổ chức chỉ huy hình thành ở Hóc Môn, Bà Ðiểm, Ðức Hòa, Cần Giuộc, Gò Vấp, Dĩ An, Thủ Ðức... Các Đội Xung phong công đoàn và nhóm vũ trang này là lực lượng vũ trang nòng cốt tại chỗ của Sài Gòn - Gia Ðịnh trong những ngày đầu mới giành được độc lập. Ngoài ra, là các đơn vị vũ trang khác, hình thành trong những bối cảnh khác nhau.
Ngày 23-9-1945, thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta một lần nữa, nhân dân Nam bộ đã nhất tề đứng lên kháng chiến chống Pháp. Ảnh: T.L
Tại tỉnh Thủ Dầu Một lúc bấy giờ, đứng đầu và lãnh đạo lực lượng nhân dân là Đảng bộ tỉnh gồm hàng chục đảng viên cộng sản đã được trui rèn qua thử thách trong Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám như các đồng chí Nguyễn Văn Tiết, Lê Đức Anh, Nguyễn Văn Lộng... Ngoài ra, còn các đồng chí đang hoạt động ở cơ sở xã, ấp và những người bị địch bắt tù đầy ở các nhà lao Bà Rá, Tà Lài, Kon Tum... đã tìm cách thoát khỏi nhà tù đến Thủ Dầu Một trước khởi nghĩa và ở lại hoạt động. Tuy mới hình thành, tổ chức còn phân tán, trang bị thô sơ, song với lòng yêu nước và nhiệt tình cách mạng, các đơn vị vũ trang Nam bộ đã quyết tâm bảo vệ nền độc lập của dân tộc.
Giữ “Lời thề độc lập”
Ngày 6-9-1945, phái bộ quân sự Anh đã có mặt ở Sài Gòn, theo sau gót quân Anh, binh lính Pháp cũng kéo vào. Chúng sử dụng tàn binh Nhật và bọn tay sai phản động vào việc khống chế, ngăn cản nhân dân tham gia các hoạt động ủng hộ chính quyền cách mạng; đồng thời phái bộ của quân Anh đã ra lệnh thả hơn 1.400 lính Pháp bị Nhật bắt hồi đảo chính, trang bị vũ khí cho chúng và hình thành những đơn vị lê dương rất hung hãn, ngang nhiên khiêu khích phá phách, cướp bóc tài sản của nhân dân rất trắng trợn…
Chỉ 3 tuần sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, đêm 22 rạng ngày 23-9-1945, thực dân Pháp nổ súng tiến công Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta một lần nữa. Trước tình hình đó, Xứ ủy, UBND và Ủy ban Kháng chiến Nam bộ triệu tập cuộc họp liên tịch tại Nhà số 629 đường Cây Mai (nay là đường Nguyễn Trãi, quận 5, TP.Hồ Chí Minh). Hội nghị thông qua “Lời kêu gọi của Ủy ban Kháng chiến Nam bộ”, trong đó xác định: “Từ giờ phút này, nhiệm vụ hàng đầu của chúng ta là tiêu diệt giặc Pháp và tay sai của chúng” và ra tuyên bố: “Cuộc kháng chiến bắt đầu!”. Đêm 23-9, Thường vụ Trung ương Đảng họp khẩn cấp, nhất trí với quyết tâm tiến hành kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Với tinh thần quyết chiến, nhân dân Nam bộ nhất tề đứng dậy xông ra mặt trận, mở ra một trang sử mới: “Nam bộ kháng chiến”.
Tiến đánh Sài Gòn, thực dân Pháp muốn tái diễn kịch bản của một thế kỷ trước, chiếm miền đất trù phú, đông dân này để làm bàn đạp thôn tính cả Việt Nam và Đông Dương. Thế nhưng, chúng đã lầm. Dù chỉ hưởng độc lập mới gần một tháng, nhưng những con người Việt Nam ở Nam bộ đã nối tiếp cha anh, xả thân cứu nước, sẵn sàng hy sinh giữ “Lời thề độc lập” mà họ đã cùng nhau thét vang tại Quảng trường thành phố ngày 2-9-1945.
Ngay trong đêm 22-9-1945, quân dân Sài Gòn - Chợ Lớn đã quyết liệt đánh trả quân xâm lược. Sau khi “Lời kêu gọi kháng chiến” của Ủy ban Kháng chiến Nam bộ được truyền đi, nhân dân thành phố đã thực hiện “Vườn không nhà trống”, biến Sài Gòn thành một thành phố không điện, không nước, không chợ búa…
Tiêu biểu cho tinh thần “Độc lập hay là chết” là Tiểu đội bảo vệ Cột cờ Thủ Ngữ. Sáng 23-9- 1945, khi một đại đội quân Anh định hạ lá cờ đỏ sao vàng xuống để kéo lá cờ tam tài lên, vì danh dự lá cờ Tổ quốc, chỉ với vũ khí thô sơ nhưng các chiến sĩ cảm tử của ta kiên quyết ngăn cản dù phải hy sinh đến người cuối cùng. Trận chiến đấu bảo vệ lá cờ Tổ quốc - biểu tượng của nền độc lập đã cổ vũ mạnh mẽ cho lực lượng vũ trang ta dũng cảm tổ chức nhiều trận đánh ác liệt.
Với ý chí “Độc lập hay là chết”, đồng bào Nam bộ nói chung và Thủ Dầu Một nói riêng đã quyết tâm chiến đấu chống quân xâm lược, tạo nên một vòng vây quân sự kết hợp với vòng vây kinh tế làm cho kẻ địch bị động, bất ngờ và chùn bước, tạo điều kiện để quân và dân ta bước vào giai đoạn toàn quốc kháng chiến. (Còn tiếp)
THU THẢO