“Bản hùng ca bất diệt”- Tưởng nhớ và tri ân những thế hệ anh hùng
(BDO)
Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Bản hùng ca bất diệt” kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh-Liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2023) tại Nghĩa trang Hàng Dương.
Tối 19/7, nhân dịp kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh-Liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2023), tại hai điểm cầu Nghĩa trang Hàng Dương (huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) và Nghĩa trang Liệt sỹ A1 (thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và Ủy ban Nhân dân tỉnh Điện Biên tổ chức Chương trình Nghệ thuật đặc biệt với chủ đề “Bản hùng ca bất diệt.”
Tham dự tại điểm cầu chính ở Nghĩa trang Hàng Dương, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng; nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài.
Dự buổi lễ tại điểm cầu Nghĩa trang Liệt sỹ A1, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng.
Tham dự tại các điểm cầu còn có lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các Mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng lực lượng vũ trang, các cựu tù chính trị Côn Đảo, thân nhân các gia đình liệt sỹ; nhân dân các địa phương.
Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà gửi lời thăm hỏi ân cần, tình cảm sâu nặng, lòng biết ơn sâu sắc đến các đồng chí lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, các đồng chí thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ, người có công với cách mạng trong cả nước.
Mỗi người Việt Nam luôn khắc ghi trong tim rằng, sự bình yên, hạnh phúc hôm nay được đổi bằng sự hy sinh, xương máu của các thế hệ cha ông.
Chỉ riêng trong hai cuộc kháng chiến cứu nước vĩ đại đã có 1,2 triệu người con ưu tú của dân tộc đã ngã xuống. Đến nay vẫn còn gần 200.000 liệt sỹ chưa tìm thấy hài cốt, gần 300.000 ngôi mộ liệt sỹ chưa xác định được danh tính.
Phó Thủ tướng cho biết 76 năm qua, Đảng, Nhà nước và toàn xã hội rất quan tâm đến công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc gia đình thương binh, liệt sỹ và người có công.
Nhiều chính sách được thực hiện đồng bộ, nâng cao mức sống của người có công, thân nhân của người có công với cách mạng.
Cả hệ thống chính trị đã chung tay xây dựng, tôn tạo các công trình ghi công liệt sỹ. Công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin cũng được đẩy mạnh.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh lịch sử hào hùng cùng khát vọng phát triển, hòa bình, phồn vinh, hạnh phúc là nguồn lực tinh thần quý báu, tiếp thêm sức mạnh để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, xây dựng, phát triển, bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Đó cũng chính sự đền đáp, tri ân có ý nghĩa cao cả, tốt đẹp nhất đối với các anh hùng, liệt sỹ.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đại biểu dự chương trình.
Chương trình nghệ thuật đặc biệt với chủ đề “Bản hùng ca bất diệt” nhằm tri ân công lao to lớn của các thế hệ cha anh và tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.
Chương trình gồm 3 chương. Chương 1 có chủ đề: “Việt Nam máu và hoa” viết nên những tháng ngày bi tráng mà hào hùng của cả dân tộc; hoa vẫn nở trên mảnh đất bị bom đạn cày xới như tình yêu vẫn nảy nở nơi xà lim khắc nghiệt, bạo tàn.
Chương trình có phóng sự kể về câu chuyện tình yêu trong thời chiến, những người chiến sỹ kiên trung yêu nhau từ tiếng hát ngân vang qua những bức tưởng nhà tù Côn Đảo; câu chuyện về tình quân dân thắm thiết, những người mẹ đã trở thành huyền thoại như mẹ Thứ, mẹ Suốt… và cao cả hơn đó là hình ảnh mẹ Tổ quốc.
Chương 2 có chủ đề: “Những cánh hoa bất tử” nói về chiến tranh không chỉ có đau thương khốc liệt, ở đó còn có niềm tin, tình yêu, tình đồng đội.
Nhà tù Côn Đảo đã được những người tù cộng sản biến thành trường học, “địa ngục trần gian” trở thành vườn ươm của các thế hệ cách mạng Việt Nam. Họ như những cánh hoa bất tử, trong ngục tù vẫn tỏa hương thơm, vẻ đẹp của người chiến sỹ.
Tại Nghĩa trang Hàng Dương có cuộc gặp gỡ với những cựu tù Côn Đảo nặng tình với hòn đảo này, sau ngày giải phóng đã chọn ở lại với những đồng chí, đồng đội đã nằm lại với cát biển.
Tại Nghĩa trang liệt sỹ A1 có cuộc giao lưu với những người lính Điện Biên trở về chiến trường xưa trong trận chiến “xóa đói giảm nghèo" để rồi viết tiếp bản hùng ca của đời mình và của đất nước.
Chương 3 với chủ đề: “Khúc ca hòa bình” là xúc cảm của hiện tại, sự trân trọng giá trị của độc lập tự do, là thông điệp về khát vọng hòa bình của nhân dân Việt Nam. Hai chữ “hòa bình” đơn giản mà thiêng liêng, thế hệ hôm nay đang tiếp bước để nâng niu, gìn giữ và bảo vệ.
Các tiết mục nghệ thuật thể hiện sự thành kính của thế hệ hôm nay gửi gắm, dâng lên thế hệ cha anh đi trước những cánh hoa tươi thắm, thuần khiết như sức trẻ của những chiến sỹ - đại diện cho một thế hệ anh hùng đã “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh” để “Tổ quốc bay lên bát ngát mùa Xuân.”
Khúc tráng ca về những cánh hoa bất tử sẽ âm vang mãi, là thanh âm ấm áp, lắng đọng trong tâm khảm người Việt Nam.
Trước khi diễn ra chương trình nghệ thuật đặc biệt, Đoàn đại biểu Trung ương, các bộ, ban ngành đoàn thể đã thắp nến tri ân các anh hùng, liệt sỹ tại Nghĩa trang Hàng Dương (Côn Đảo) và Nghĩa trang Liệt sỹ A1(thành phố Điện Biên Phủ)./.
Theo TTXVN