Bàn đạp vươn tới thị trường
(BDO) Chương trình bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của Bình Dương được thực hiện 2 năm 1 lần. Sau 7 lần tổ chức, Bình Dương đã có 186 sản phẩm được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh thuộc các nhóm sản phẩm: thủ công mỹ nghệ; sản phẩm chế biến nông, lâm, thủy sản và thực phẩm; sản phẩm về thiết bị, máy móc, dụng cụ và phụ tùng cơ khí; nhóm các sản phẩm khác.
Với số lượng sản phẩm được tôn vinh tăng dần qua từng kỳ bình chọn, hình thức và mẫu mã của sản phẩm tham gia bình chọn ngày càng đa dạng, chất lượng ngày càng cao. Qua đó, cho thấy quyết định công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của UBND tỉnh Bình Dương không chỉ là sự khẳng định giá trị mà còn là bàn đạp để các sản phẩm công nghiệp nông thôn vươn tầm, khẳng định thương hiệu và mở ra những cơ hội phát triển và hội nhập sâu rộng hơn.
Theo các đơn vị sản xuất, song hành cùng với chương trình các cấp, sau khi được công nhận, các sản phẩm này sẽ dễ dàng tiếp cận người tiêu dùng, đặc biệt là thị trường quốc tế, từ đó củng cố vị thế và niềm tin vào thương hiệu. Đặc biệt, sau khi được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, các cơ sở sẽ có thêm điều kiện thuận lợi để tiếp cận và thụ hưởng các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất từ chính sách khuyến công, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển lâu dài.
Năm 2025, Sở Công thương tiếp tục hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở công nghiệp nông thôn trong việc tiếp cận các cơ hội phát triển như cung cấp thông tin tư vấn, hướng dẫn tiếp cận các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của địa phương và nhà nước;
Ưu tiên xét hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương và kinh phí khuyến công quốc gia để đào tạo nghề, nâng cao năng lực quản lý; chuyển giao công nghệ, ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất; ưu tiên tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu để phát triển sản phẩm và đặc biệt tham gia vào sàn thương mại điện tử tỉnh…
Các doanh nghiệp nông thôn đổi mới máy móc, thiết bị công nghệ nhằm tối ưu hóa quy trình sản xuất và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý và sản xuất.
Cùng với đó, hỗ trợ và giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa triển khai ứng dụng các công nghệ số để tối ưu hóa chuỗi cung ứng, giúp giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất và lưu thông hàng hóa; hỗ trợ cho các cơ sở công nghiệp nông thôn trong việc xây dựng thương hiệu, thiết kế bao bì, mẫu mã sản phẩm.
Đồng thời, xây dựng các chương trình hợp tác giữa các cơ sở công nghiệp nông thôn, tạo ra sức mạnh tập thể trong việc phát triển và quảng bá sản phẩm.
Tiểu My