Ban đại diện cha mẹ học sinh: Phát huy vai trò “cầu nối”

Thứ tư, ngày 16/10/2024

(BDO) Trong sự phát triển chung của nhà trường, hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh đóng vai trò không nhỏ. Đây có thể xem là “cầu nối” để giáo viên, nhà trường có thể sát sao hơn việc học tập của học sinh và kịp thời phối hợp có biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

 Ban ĐDCMHS là “cầu nối” giữa nhà trường và gia đình trong quá trình giáo dục con em. Trong ảnh: Ban ĐDCMHS Trường Tiểu học Phú Hòa 3 tham gia hỗ trợ Hội khỏe Phù Đổng cấp trường

 “Cầu nối” gia đình và nhà trường

Là một tổ chức tự nguyện, Ban đại diện cha mẹ học sinh (ĐDCMHS) không chỉ đại diện cho tiếng nói, bảo đảm quyền lợi cho học sinh, phụ huynh mà còn là “cầu nối” để thống nhất các hoạt động giữa nhà trường và gia đình, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.

Chị Cao Thị Thúy Hằng (ngụ TP.Thuận An) chia sẻ: “Không chỉ cơ sở giáo dục mà các cơ quan, đơn vị, cá nhân cần nâng cao hơn nữa nhận thức về vị trí, vai trò của Ban ĐDCMHS; tích cực tuyên truyền, động viên cha mẹ học sinh để họ hiểu và chủ động phối hợp giúp ban đại diện hoạt động hiệu quả và đúng với mục đích đề ra”.

Nói về vai trò của tổ chức này, thầy Nguyễn Anh Việt, Hiệu trưởng Trường THCS Bình Phú (TP.Bến Cát), cho biết những năm qua Ban ĐDCMHS của trường đã phát huy vai trò trong việc đồng hành cùng nhà trường ở các hoạt động giáo dục, nhất là hoạt động khen thưởng cho học sinh. Nhà trường tuyệt đối không vận động bất cứ hoạt động nào của Ban ĐDCMHS để phục vụ cho công tác tu sửa cơ sở vật chất cho trường.

Trước thông tin về việc thu chi đầu năm có liên quan tới Ban ĐDCMHS ở một số địa phương, thầy Anh Việt chia sẻ: “Để tránh ý kiến không tốt, các khoản thu đều phải được Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phê duyệt. Nhà trường phải công khai khoản thu nào bắt buộc, khoản thu nào tự nguyện. Nhà trường luôn tham mưu cho Ban ĐDCMHS các khoản thu phải hướng đến sự cần thiết, đúng theo quy định. Trong các cuộc họp giữa trường và Ban ĐDCMHS, nhà trường luôn có ý kiến để Ban ĐDCMHS xem xét lại các khoản thu không hợp lý để tránh tình trạng đưa ra phụ huynh phản đối hoặc có ý kiến gây hiệu ứng không tốt”.

Từng là thành viên của Ban ĐDCMHS của một trường mầm non trên địa bàn TP.Thuận An, chị Cao Thị Thúy Hằng phần nào hiểu được những “áp lực” từ nhà trường và phụ huynh mà các thành viên nằm trong ban đại diện gặp phải. Theo chị Hằng, ban đại diện bầu ra không phải để thu tiền, điều quan trọng là cùng nhà trường chăm sóc các con tốt hơn. “Theo tôi, không chỉ các cơ sở giáo dục mà cơ quan, đơn vị, cá nhân cần nâng cao hơn nữa nhận thức về vị trí, vai trò của Ban ĐDCMHS; tích cực tuyên truyền, động viên cha mẹ học sinh để họ hiểu và chủ động phối hợp giúp ban đại diện hoạt động hiệu quả, đúng với mục đích đề ra”, chị Hằng cho biết thêm.

Quy định cụ thể, rõ ràng

Thực tế cho thấy việc thành lập Ban ĐDCMHS với mục đích chia sẻ và đồng hành cùng nhà trường trong việc nâng cao chất lượng giáo dục. Nhiều Ban ĐDCMHS đã làm tốt nhiệm vụ này. Bước vào đầu năm học 2024-2025, Sở GD&ĐT tỉnh đã có văn bản hướng dẫn thu, sử dụng học phí và các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ các hoạt động giáo dục năm học 2024-2025 của các cơ sở giáo dục công lập. Trong đó, có hướng dẫn cụ thể về kinh phí hoạt động của Ban ĐDCMHS.

Cụ thể, Sở GD&ĐT tỉnh thực hiện theo quy định tại Thông tư 55 của Bộ GD&ĐT. Việc thu, chi kinh phí của Ban ĐDCMHS phải bảo đảm nguyên tắc công khai, dân chủ; sau khi chi tiêu phải báo cáo công khai quyết toán kinh phí tại các cuộc họp toàn thể cha mẹ học sinh lớp và các cuộc họp toàn thể Ban ĐDCMHS trường. Không quy định mức kinh phí ủng hộ bình quân cho cha mẹ học sinh. Các khoản kinh phí ủng hộ của người học hoặc gia đình người học cho Ban ĐDCMHS theo nguyên tắc tự nguyện. Không sử dụng kinh phí của ban để chi cho các nội dung sau: Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường…

Sở GD&ĐT cũng yêu cầu kinh phí hoạt động của Ban ĐDCMHS do chính ban thu và quản lý sử dụng. Thủ trưởng đơn vị không nhận ủy quyền từ Ban ĐDCMHS hoặc thay mặt ban sử dụng kinh phí hoạt động của ban đại diện…

Có quy định cụ thể, chế tài rõ ràng sẽ là hành lang pháp lý để Ban ĐDCMHS phát huy vai trò, qua đó góp phần thúc đẩy hoạt động giáo dục trong nhà trường ngày càng tốt hơn.

 Thông tư 55 của Bộ GD&ĐT nêu rõ nhiệm vụ của Ban ĐDCMHS lớp như sau: Phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp và các giáo viên bộ môn tổ chức các hoạt động giáo dục học sinh. Phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp chuẩn bị nội dung của các cuộc họp cha mẹ học sinh trong năm học. Tham gia giáo dục đạo đức cho học sinh; bồi dưỡng, khuyến khích học sinh giỏi, giúp đỡ học sinh yếu kém, vận động học sinh đã bỏ học trở lại tiếp tục học tập; giúp đỡ học sinh nghèo, học sinh khuyết tật và học sinh có hoàn cảnh khó khăn khác…

 HỒNG PHƯƠNG