Bản anh hùng ca một thuở

Thứ năm, ngày 28/04/2016

Trong tuần qua, Báo Bình Dương đã đăng tải toàn bộ nội dung truyện ngắn “Bức thư gửi lại người đang sống” của cố Thượng tướng Trần Văn Trà. Nội dung câu chuyện đã thu hút sự quan tâm của dư luận, với lòng cảm động sâu sắc về thế hệ cha ông biết quên thân mình vì độc lập tự do của dân tộc. Như chúng tôi đã đề cập, con người và một số sự kiện trong câu chuyện này đang là một ẩn số. Trước lúc đi tìm câu trả lời chính xác của ẩn số, bài viết này chúng tôi xin được viết về những chiến công oanh liệt của Đoàn Bình Giã - Trung đoàn là “nhân vật chính” trong truyện ngắn “Bức thư gửi lại người đang sống”.

(BDO)

 Đại đội 6, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 1, Sư đoàn 9, Quân đoàn 4 tổ chức huấn luyện bắn súng AK bài 1 cho chiến sĩ mới. Ảnh: ĐÌNH HẬU

 Từ Bình Giã...

Trận Bình Giã là chiến dịch tấn công đầu tiên của quân giải phóng trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, làm thất bại chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ. Đây là cột mốc lịch sử làm chuyển biến cục diện cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ. Sau thắng lợi của chiến dịch này, Trung đoàn 1 được thưởng Huân chương Quân công giải phóng hạng 3 và nhận danh hiệu vẻ vang “Đoàn Bình Giã”.

Diễn biến của chiến dịch như sau: Đầu tháng 11-1964, Trung đoàn 1 dưới sự chỉ huy của Trung đoàn trưởng Nguyễn Thế Truyện và Chính ủy Nguyễn Văn Tòng; Trung đoàn 2 dưới sự chỉ huy của Trung đoàn trưởng Tạ Minh Khâm và Chính ủy Nguyễn Văn Quảng cùng Đoàn pháo binh 80 hành quân về chiến trường Bà Rịa. Ngày 2-12-1964, bộ đội pháo binh tập kích hỏa lực vào chi khu quân sự Đức Thạnh, Đại đội 445 tiến công ấp chiến lược Bình Giã, diệt 60 tên bảo an dân vệ, làm chủ toàn bộ ấp chiến lược. Đây là trận đánh mở màn của chiến dịch, nhằm kéo quân chủ lực ngụy ra giải tỏa, tạo điều kiện cho Trung đoàn 1 và Trung đoàn 2 đánh vận động, diệt địch ngoài công sự.

Ngày 8-12, Trung đoàn 1 tiến công chi khu quân sự Đất Đỏ, diệt 100 tên và thu nhiều vũ khí. Trước áp lực ngày càng tăng của ta, ngày 9-12, địch mở cuộc hành quân “Bình Tuy 33” lên giải tỏa cho Bình Giã. Trung đoàn 2, bằng cách đánh vận động phục kích tiêu diệt gọn chi đoàn xe M113, loại khỏi vòng chiến hơn 100 tên địch. Đợt 1 của chiến dịch kết thúc, quân ta thắng trận giòn giã. Ngày 27-12, quân ta tiến công ấp chiến lược Bình Giã lần thứ 2, mở màn đợt 2 của chiến dịch. Ngày hôm sau, do sự phán đoán chính xác hành động của địch và bố trí lực lượng đúng, tập trung hỏa lực súng máy phòng không khống chế, buộc địch đổ bộ đường không xuống khu vực ta đã bố trí sẵn. Trung đoàn 1 đã tiêu diệt Tiểu đoàn 33 biệt động quân ngụy, bắn rơi 18 máy bay lên thẳng.

Với chiến thắng áp đảo trong hai đợt đầu ở chiến dịch Bình Giã đã cho thấy: Lần đầu tiên trên chiến trường miền Nam và trong phạm vi một chiến dịch, hai biện pháp chiến thuật chủ yếu trong chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” là “Thiết xa vận” và “Trực thăng vận” của Mỹ - ngụy đã bị bộ đội ta đánh bại. Nhận xét về chiến dịch này, cố Tổng Bí thư Lê Duẩn lúc ấy đã nói: “Với trận Ấp Bắc 1963, địch thấy khó thắng ta, sau chiến dịch Bình Giã, địch thấy thua ta…”.

...đến Bông Trang - Nhà Đỏ

Chiến công nối tiếp chiến công, sau chiến thắng lẫy lừng ở Bình Giã, Trung đoàn 1 (từ đó được mang danh hiệu Đoàn Bình Giã) tiếp tục lập nên những chiến công hiển hách ở chiến dịch Bông Trang - Nhà Đỏ.

Ngày 15-2-1966, hai tiểu đoàn bộ binh thuộc Lữ đoàn 1, Sư đoàn 1 “Anh cả đỏ” và chi đoàn cơ giới của địch mở cuộc hành quân mang tên “Hòn đá lăn”, đánh phá Chiến khu Đ. Quân Mỹ đóng chốt ở sở cao su Nhà Đỏ trong khu tam giác Lai Khê - Phước Vĩnh - Tân Uyên, nằm giữa quốc lộ 13 và tỉnh lộ 16. Ban ngày chúng nống ra lùng sục các khu vực nghi ngờ có lực lượng chủ lực của ta, ban đêm rút về đóng quân dã ngoại bên dòng suối Bông Trang. Trinh sát ta đã bám sát, phát hiện hành động của địch liên tục diễn ra theo quy luật như vậy. Được Quân ủy và Bộ Tư lệnh Miền chấp thuận, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Sư đoàn 9 xây dựng phương án chiến đấu: Trung đoàn 1 (Đoàn Bình Giã) đột phá hướng chủ yếu, từ đông bắc đánh xuống; Trung đoàn 3 đột phá hướng thứ yếu từ tây nam đánh lên; Trung đoàn 2 làm lực lượng dự bị. 1 giờ 10 phút đêm 23-2-1966, từ các hướng bộ đội vận động tập kích tiêu diệt cụm quân địch đóng dã ngoại ở phía tây sở cao su Nhà Đỏ. Trận đánh kéo dài 3 giờ, kết quả ta đánh thiệt hại nặng cụm quân Mỹ, loại khỏi vòng chiến đấu hàng trăm tên, phá hủy 48 xe tăng và bọc thép.

Đây là trận đánh phục kích tiêu diệt quân Mỹ thắng lợi, góp phần bẻ gãy 1 trong 5 mũi tên “tìm diệt” của đế quốc Mỹ trong cuộc phản công chiến lược lần thứ nhất. Đầu tháng 3-1966, ở khu vực Bắc Sông Bé, Đoàn Bình Giã phối hợp với lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương đánh thiệt hại nặng một tiểu đoàn quân Mỹ và 1 tiểu đoàn quân Ô-xtrây-li-a, đánh bại cuộc hành quân mang tên “thành phố bạc” của địch...

Và bản anh hùng ca giữa rừng

Trở lại câu chuyện “Bức thư gửi lại người đang sống” của cố Thượng tướng Trần Văn Trà, sau khi báo đăng, nhiều độc giả đã bày tỏ sự khâm phục và rất đỗi tự hào về 3 người lính mang tên: Lê Hoàng Vũ, quê Thái Bình; Nguyễn Chí, quê Quảng Ngãi và Trần Viết Dũng, quê Sài Gòn. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ nghi binh, tất cả họ đều bị thương rất nặng, phải giăng võng nằm giữa rừng và lần lượt trút hơi thở cuối cùng. Sau ngày hòa bình, đơn vị bộ đội lên khai hoang làm kinh tế mới đã tình cờ phát hiện có 3 chiếc võng, bên trong có 3 bộ hài cốt, 3 khẩu súng AK và một bức thư viết chung gửi cho người đang sống. Nội dung bức thư là một thông điệp cực kỳ cao cả, là bản anh hùng ca một thuở của thế hệ cha ông trong cuộc trường chinh bảo vệ Tổ quốc.

Nhiều độc giả đã gọi điện đến Báo Bình Dương yêu cầu giải thích sự kiện trong câu chuyện này như thế nào. Có thật hay không, hài cốt của 3 liệt sĩ bây giờ ở đâu?... Sự thật về 3 liệt sĩ đã nêu trong truyện ngắn như thế nào, ở bài báo sau chúng tôi sẽ thông tin. Riêng về bối cảnh lịch sử, Trung đoàn Bình Giã, chiến dịch Bình Giã, chiến dịch Bông Trang - Nhà Đỏ nêu trong truyện ngắn là sự thật. Ngay cả Trung đoàn trưởng của Trung đoàn Bình Giã cũng là sự thật. Bức thư trong truyện ngắn có đoạn viết: “Chúng tôi là chiến sĩ Tiểu đội 1, Trung đội “Ký Con” của Trung đoàn BG (tức Bình Giã - PV) chủ lực quân giải phóng miền Nam Việt Nam. Chúng tôi không biết nên viết một bản báo cáo, một lá thư hay một tường trình vì lẽ đơn giản là chúng tôi không biết rằng ai sẽ đọc bản viết này. Nếu đơn vị của chúng tôi có cơ may tìm ra chúng tôi sau trận đánh kết thúc thì đây là bản báo cáo đầy đủ chi tiết về mọi diễn biến trong quá trình thi hành nhiệm vụ của tiểu đội chúng tôi gửi về Trung đoàn BG, về anh Năm Sài Gòn và các đồng chí lãnh đạo thân mến của chúng tôi”.

Căn cứ vào sử liệu, rõ ràng anh Năm Sài Gòn mà 3 liệt sĩ nêu trong lá thư chính là Trung đoàn trưởng Trung đoàn Bình Giã Nguyễn Thế Truyện. Sau này, trong chiến dịch Mậu Thân năm 1968, đại tá Nguyễn Thế Truyện đã hy sinh oanh liệt trên cánh đồng vùng ven Sài Gòn. Nội dung về “Bức thư gửi lại người đang sống” là một câu chuyện dài, chứa đựng nhiều yếu tố lịch sử mà thời gian qua và cho đến nay chúng tôi vẫn đang trong quá trình xác minh, tìm hiểu sự thật. Ở bài viết sau, Báo Bình Dương sẽ thông tin đến độc giả một số chi tiết liên quan. (còn tiếp)

 KIẾN GIANG