Bài học thế trận lòng dân

Thứ bảy, ngày 21/12/2013

Lần giở các sử liệu như Lịch triều hiến chương loại chí, Đại Nam thực lục, Việt sử cương giám khảo lược, Đại Nam nhất thống chí... đều có ghi chép cụ thể về đội dân binh giữ gìn biển, đảo thời các chúa Nguyễn. Công việc hàng năm của đội dân binh giữ biển được ghi lại không chỉ là khai thác, thu lượm phẩm vật, mà còn làm nhiệm vụ xây dựng, tôn tạo bia xác lập chủ quyền ở các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các đảo phía Nam của Tổ quốc.

Theo các sử liệu nói trên, để xác lập chủ quyền biển, đảo trên biển Đông, hàng năm các chúa Nguyễn tuyển chọn ngư dân giỏi nghề đi biển từ các làng chài tại cửa biển Sa Kỳ, sau đó mở rộng ra các phường An Vĩnh và An Hải trên đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) để thành lập đội dân binh. Đội dân binh này thường giương buồm nương theo gió nồm vượt sóng ra quần đảo Hoàng Sa thu lượm sản vật và xây dựng, tôn tạo bia chủ quyền. Từ đầu thế kỷ XVII, cửa biển Sa Kỳ và đảo Lý Sơn trở thành “cái nôi” để tuyển chọn dân binh thực thi chủ quyền tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên biển Đông. Điều đó cho thấy cách đây 400 năm, ông cha ta đã biết dựa vào dân để xác lập chủ quyền biển, đảo và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ.

Bài học về xây dựng thế trận lòng dân để giữ gìn chủ quyền biển, đảo của cha ông ta vẫn còn nguyên giá trị. Trước tình hình biển Đông đang “dậy sóng”, trả lời phỏng vấn báo chí, thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, từng nói: “Điều tôi mong muốn nhất là làm sao để người dân hiểu chỉ có dựa vào chính mình mới giải quyết được việc của mình, không thể dựa vào ai để giải quyết được, vì đó chỉ là nhân tố bên ngoài”. Thực hiện nhất quán quan điểm này, trong thời gian qua các địa phương trong cả nước đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm tuyên truyền đến người dân trách nhiệm giữ gìn chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, như: Triển lãm tranh ảnh, bản đồ về chủ quyền biển đảo, đặc biệt là đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; đóng góp quà tặng các chiến sĩ Trường Sa; góp đá xây Trường Sa…

Cùng với việc tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân, cần nhanh chóng xây dựng thế trận lòng dân trên biển bằng chính những con người đang ngày đêm bám biển. Do vậy, cần đẩy mạnh tuyên truyền nhằm xây dựng lòng tự tôn dân tộc và ý thức trách nhiệm giữ gìn biển, đảo quê hương cho ngư dân; tổ chức ngư dân thành những nhóm vừa đánh bắt, vừa thực thi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Để giúp ngư dân làm tốt nhiệm vụ này, cần có kế hoạch trang bị phương tiện thông tin liên lạc hiện đại cho từng tàu cá, để ngư dân bám biển kịp thời thông tin liên lạc với các đơn vị chức năng khi phát hiện tàu lạ xâm phạm vùng biển chủ quyền của Việt Nam.

Xây dựng thế trận lòng dân giữ gìn biển, đảo là việc cần thiết, cấp bách và cần được ưu tiên hàng đầu trong tình hình hiện nay. Thiết nghĩ, nếu được phát động, người dân trong nước sẽ hưởng ứng và sẵn sàng đóng góp tiền của để trang bị phương tiện kỹ thuật cho ngư dân. Nếu làm tốt việc xây dựng thế trận lòng dân, chắc chắn chúng ta sẽ giữ gìn được chủ quyền biển, đảo mà cha ông ta đã dày công xác lập.

LÊ QUANG