Kỷ niệm 153 năm ngày sinh V.I.Lênin (22.4.1870 - 22.4.2023)

Bài học phương pháp luận từ việc Lênin bảo vệ phát triển sáng tạo học thuyết Mác trong điều kiện mới

Thứ bảy, ngày 22/04/2023

(BDO) Ngày 22-4-2023, kỷ niệm lần thứ 153 năm ngày sinh của V.I.Lênin, nhà lý luận mác-xít kiệt xuất, lãnh tụ vĩ đại của những người cộng sản và cần lao tiến bộ trên toàn thế giới. Di sản Người để lại cho giai cấp công nhân, những người cộng sản trên thế giới là vô cùng giá trị. Một trong những di sản ấy chính là bài học về phương pháp luận khi Người phát triển học thuyết Mác trong điều kiện cách mạng mới.

Bảo vệ và phát triển thành công học thuyết Mác trong điều kiện mới

V.I. Lênin, hồi trẻ là Vladimir Ilich Ulianov, sinh ngày 22 - 4 - 1870 trong gia đình trí thức tiến bộ ở thành phố Simbirsk (Ulyanovsk), Nga. Vì thế, từ thời niên thiếu, Lênin đã tiếp thu được những tư tưởng tiến bộ, căm ghét chế độ Nga hoàng chuyên chế. Năm 18 tuổi, ở trường đại học, Người đã nghiên cứu các tác phẩm của C.Mác, Ph.Ăngghen, G.V.Plêkhanốp và bắt đầu tham gia tuyên truyền tư tưởng mác - xít. 


Các đại biểu tham dự Hội nghị quán triệt, triển khai Chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh 2023 do Tỉnh ủy Bình Dương tổ chức. Ảnh: Quốc Chiến

Năm 1894, Lênin vào Đảng Xã hội dân chủ Nga và sớm trở thành một trong những nhà lãnh đạo cách mạng Nga. Tuy nhiên, đây cũng là lúc tình hình thế giới có nhiều biến động to lớn. Chủ nghĩa tư bản đã chuyển từ tự do cạnh tranh sang độc quyền nhà nước, bộc lộ cao nhất những thủ đoạn tàn ác trong bóc lột và đàn áp giai cấp công nhân. Trong nội bộ phong trào công nhân, từ sau khi Ph.Ăngghen mất, Quốc tế II đã phân hóa thành hai khuynh hướng đối lập, xuất hiện bọn cơ hội, xét lại, tăng cường xuyên tạc, nhằm hạ bệ chủ nghĩa Mác. Ở nước Nga, đảng Xã hội dân chủ cũng phân hóa theo hai khuynh hướng trên, đặc biệt xuất hiện chủ nghĩa dân túy rất phản động, theo đuôi chủ nghĩa tư bản. 

Trước tình hình đó, Lênin đã tổ chức và đứng đầu nhóm những người kiên trung bảo vệ chủ nghĩa Mác ở Nga. Những đóng góp lớn của Người được thể hiện trên nhiều lĩnh vực.

Cụ thể, về mặt lý luận, năm 1894, Lênin đã viết cuốn “Những người bạn dân” là thế nào và họ đấu tranh chống những người dân chủ - xã hội ra sao?” nhằm bảo vệ chủ nghĩa Mác trước sự xuyên tạc của bọn xét lại, cơ hội và phái “dân túy".

Giai đoạn 1901 - 1908, Lênin viết hàng loạt tác phẩm: Bắt đầu từ đâu?; Làm gì? Một bước tiến hai bước lùi; Hai sách lược của Đảng Dân chủ - xã hội trong cách mạng dân chủ… Trong đó, Lênin vạch ra những sai lầm siêu hình, chủ quan của phái dân túy Nga, làm phong phú chủ nghĩa duy vật lịch sử, nhất là lý luận hình thái kinh tế - xã hội đã làm sâu sắc thêm một số vấn đề của phép biện chứng duy vật, chỉ ra con đường đúng đắn cho cách mạng Nga. 

Lênin đề cập đến đảng kiểu mới, nguyên tắc tổ chức xây dựng đảng kiểu mới; đề cao tư tưởng độc quyền lãnh đạo của giai cấp vô sản trong việc phát triển cách mạng dân chủ tư sản thành cách mạng xã hội chủ nghĩa; đề cao vai trò nhân tố chủ quan trong cách mạng, vai trò tích cực của quần chúng nhân dân. 

Với tác phẩm "Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán", Lênin bảo vệ và phát triển cao hơn triết học Mác, như: Khái quát từ góc độ triết học những thành tựu mới nhất của khoa học tự nhiên; giải quyết đúng nhất vấn đề cơ bản của triết học, phát triển lý luận nhận thức với lý luận phản ánh về chân lý khách quan; đưa ra định nghĩa khoa học đầu tiên về vật chất. Đây là những tác phẩm tiêu biểu về tính đảng trong cuộc đấu tranh chống những kẻ thù của chủ nghĩa Mác, chống lại triết học và xã hội học tư sản duy tâm, chống chủ nghĩa xét lại và chủ nghĩa giáo điều. 

Những năm tiếp theo, Người đã viết nhiều tác phẩm, tạo ra nền tảng lý luận cho Đảng Cộng sản Nga, cách mạng vô sản Nga và thế giới.

Về mặt thực tiễn, Lênin là người đầu tiên vận dụng sáng tạo các nguyên lý của chủ nghĩa Mác vào thực tiễn nước Nga; chuẩn bị về chính trị, tư tưởng, tổ chức cho việc thành lập Đảng Cộng sản Bôn-sê-vích Nga, một đảng vô sản kiểu mới đã lãnh đạo giai cấp công nhân và nhân dân Nga làm nên cuộc Cách mạng tháng 10 vĩ đại. Sau đó, Lênin đã lãnh đạo những người Bônsêvích và nhân dân lao động Nga đấu tranh thắng lợi chống thù trong, giặc ngoài, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, bảo vệ Nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới. 

Lênin là tổng công trình sư hàng đầu của những phương hướng, kế hoạch xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH) ở Liên bang Xô - viết, đặc biệt là Chính sách kinh tế mới (NEP). 

Để lãnh đạo phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, tập hợp mọi lực lượng cách mạng trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, Lênin đã thành lập Quốc tế Cộng sản. Từ đây, khẩu hiệu "Vô sản toàn thế giới liên hiệp lại" của Mác đã được Lênin phát triển thành "Vô sản toàn thế giới và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại!". Người đã vận dụng sáng tạo, phát triển vấn đề dân tộc của chủ nghĩa Mác thành vấn đề dân tộc và thuộc địa trong thời kỳ đế quốc chủ nghĩa; đề ra cương lĩnh của giai cấp vô sản về vấn đề dân tộc; coi phong trào giải phóng dân tộc là một bộ phận của cách mạng vô sản thế giới; phê phán kịch liệt chủ nghĩa Sô - vanh nước lớn và chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi.


Hội nghị chuyên đề “Tự soi, tự sửa” ở một chi bộ quân đội. 
Ảnh: Thu Thảo

Bài học phương pháp luận từ sự phát triển học thuyết Mác của Lênin

Thứ nhất, hoàn thiện phương pháp tư duy lý luận. Lênin đã nhận thấy phương pháp xây dựng học thuyết của C.Mác và Ph.Ăngghen là đi từ trừu tượng đến cụ thể, nhưng khi áp dụng vào thực tiễn thì sẽ gặp trở ngại. Từ đó, Lênin đã bổ sung phương pháp tư duy mới - đi từ cụ thể đến trừu tượng. Về mặt logic, đây là hai phương pháp có xu hướng ngược nhau nhưng lại bổ sung cho nhau để hoàn thiện quá trình nhận thức. Người kết luận: "Phân tích cụ thể tình hình cụ thể là linh hồn sống của chủ nghĩa Mác". 

Về sau, Người đã sử dụng thường xuyên, rất hiệu quả phương pháp này trong phát triển lý luận cách mạng, cũng như trong lãnh đạo cách mạng Nga và quản lý Nhà nước Xô - viết. Đây có thể coi là bài học rất quan trọng, nhất là trong nghiên cứu, vận dụng lý luận vào mọi hoạt động của những người cộng sản.

Thứ hai, sáng tạo trong hoạt động thực tiễn, coi thực tiễn là chân lý tối cao. Là lãnh tụ cách mạng đầu tiên biến những nguyên lý của học thuyết Mác thành hiện thực xã hội, mặc dù đề cao và rất trung thành với học thuyết Mác, nhưng trong mọi hoạt động Lênin không coi đó là những cẩm nang sẵn có, cần tuyệt đối khuôn theo. 

Trong "Cương lĩnh của chúng ta", Người viết: "Chúng ta không hề coi lý luận của Mác như là một cái gì đã xong xuôi hẳn và bất khả xâm phạm; trái lại chúng ta tin rằng lý luận đó chỉ đặt nền móng cho môn khoa học mà những người XHCN cần phải phát triển hơn nữa về mọi mặt, nếu họ không muốn trở thành lạc hậu đối với cuộc sống. 

Chúng tôi nghĩ rằng những người XHCN ở Nga đặc biệt cần phải tự mình phát triển hơn nữa lý luận của Mác. Vì lý luận này chỉ đề ra những nguyên lý chỉ đạo chung, còn việc áp dụng nguyên lý ấy thì xét riêng từng nơi, ở Anh không giống ở Pháp, ở Pháp không giống ở Đức, ở Đức không giống ở Nga". Nhờ đó, Người luôn nắm bắt được những yêu cầu bức thiết của từng giai đoạn cách mạng, đề ra những chiến lược, sách lược đúng đắn để giải quyết các nhiệm vụ cách mạng. 

Điển hình nhất là năm 1921, Lênin đề ra "Chính sách kinh tế mới". Đây là đóng góp vĩ đại của Người về đổi mới mô hình và con đường đi lên xây dựng CNXH. Người vạch rõ tính phức tạp của sự quá độ lên CNXH trong một nước mà nền kinh tế chủ yếu là hàng hóa nhỏ, từ đó nhấn mạnh ưu thế của các hình thức kinh tế tư bản nhà nước. 

Lênin đã phân chia quá trình hình thành và phát triển của CNXH và chủ nghĩa cộng sản (CNCS) thành ba giai đoạn: Những cơn đau đẻ kéo dài; giai đoạn đầu của xã hội cộng sản chủ nghĩa (CSCN); giai đoạn cao của xã hội CSCN. Trong đó, V.I.Lênin cho rằng, giai đoạn một là thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên CNXH. Đây là thời kỳ có vị trí độc lập tương đối, không nằm trong giai đoạn đầu của xã hội CSCN, từ đó mà xác định giới hạn của thời kỳ quá độ.

Thứ ba, chú trọng xây dựng đảng thành hạt nhân tập hợp lực lượng cách mạng. Để chuẩn bị cho cuộc cách mạng tháng 10, Lênin đã sớm nhận ra phải có tổ chức đảng thật mạnh. Người nói: “Hãy cho chúng tôi một tổ chức những người cách mạng và chúng tôi sẽ đảo lộn nước Nga lên”.

Theo Người, một trong những yếu tố tạo nên sức mạnh của Đảng Cộng sản chính là ở chất lượng của đội ngũ đảng viên. Việc coi nhẹ công tác xây dựng đội ngũ đảng viên là nguyên nhân làm cho đảng lỏng lẻo về mặt tổ chức, giảm sút sức chiến đấu, khả năng lãnh đạo và làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Không có sự đoàn kết nhất trí, không có kỷ luật sắt của đảng, không có sự thống nhất về mục tiêu, lý tưởng và tổ chức của đảng thì không thể xây dựng thành công CNXH. 

Sự nghiệp, nhân cách, những cống hiến của Lênin cho nhân loại cần lao thật vô cùng vĩ đại. Ở mức độ khái quát nhất, việc chắt lọc những bài học phương pháp luận từ sự phát triển học thuyết Mác của Người giúp chúng ta nhận rõ tầm vóc vượt thời đại và giá trị thời sự cần phát huy của những bài học đó trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta hiện nay.

Lênin nhấn mạnh sức mạnh của Đảng không phải ở số lượng đảng viên mà ở chất lượng đảng viên. "Những đảng viên hữu danh vô thực thì cho không chúng ta cũng không cần. Đảng độc nhất nắm chính quyền trên thế giới quan tâm đến việc nâng cao chất lượng đảng viên, đến việc thanh trừ “bọn luồn lọt vào Đảng” ra khỏi hàng ngũ của mình, chứ không phải làm tăng thêm số lượng đảng viên", Người nói. 

                      

Phó Giáo sư - Tiến sĩ BÙI TRUNG HƯNG