Bài học gần dân của một bí thư, chủ tịch xã

Thứ hai, ngày 24/05/2010

Nửa ngày làm bí thư, còn nửa ngày làm chủ tịch, công việc không còn trùng lắp, không phải còn chờ đợi lấy ý kiến lòng vòng, thời gian rảnh là để gần dân, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của dân nhằm giải quyết công việc thấu tình đạt lý... Hai năm làm việc với tư cách vừa là bí thư, vừa là chủ tịch xã, anh Nguyễn Văn Thắng đã rút ra được bài học đó.

Anh Thắng (trái) kiểm tra con đường anh đã vận động nhân dân hiến đất để hoàn thànhTìm cách để gần dân

Là phóng viên nhiều lần về công tác ở xã Cây Trường, huyện Bến Cát, chúng tôi thấu hiểu nhiều vấn đề mà Đảng bộ xã Cây Trường bận tâm. Đoàn kết thống nhất nội bộ, phát triển giao thông nông thôn để hiện đại hóa nông thôn, cải cách thủ tục hành chính tránh phiền hà cho dân... là những mục tiêu được Đảng bộ xã Cây Trường quan tâm.

Từ nhiều năm nay, Đảng bộ xã Cây Trường muốn nâng cấp sỏi đỏ con đường liên ấp Ông Thanh - Ông Chài nhằm giải quyết vấn đề đi lại thuận lợi cho bà con ở 2 ấp này. Nói là liên ấp nhưng nó cận kề trụ sở UBND xã, con đường này còn là bộ mặt của thị tứ Cây Trường nay mai. Nắng thì không hề gì, mưa thì con đường lầy lội, người dân vận chuyển hàng hóa phải vất vả vô cùng. Nhưng để nâng cấp con đường này thì phải vận động 36 hộ hiến đất làm đường. Cao su của người dân trên hành lang cần giải tỏa đang cho thu hoạch, quyền lợi kinh tế của dân lớn, đây là thách thức lớn của chính quyền.

Đầu năm 2009, anh Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã Cây Trường chính thức giữ chức Bí thư Đảng bộ xã. Ngay sau khi nhậm chức, anh tiến hành họp BCH Đảng bộ xã và đưa vào nghị quyết phải xây dựng con đường này trong năm 2009. Tất cả vì mục tiêu chung của địa phương cũng như vì tương lai của con cháu 36 hộ dân ở 2 ấp. Cuộc họp BCH cũng đã giúp cho bí thư chi bộ 2 ấp nhìn thấy vai trò quan trọng của con đường và 2 vị bí thư này đã nhanh chóng tiến hành họp dân để vận động và bắt đầu triển khai công việc. Anh Thắng cho biết: “Hầu hết bà con ủng hộ nhưng cũng không ngoài dự tính của lãnh đạo xã là sẽ có một vài hộ không ủng hộ việc thi công con đường này”. Cụ thể như hộ ông Phạm Văn Lâm, nếu làm con đường này thì gia đình ông Lâm phải mất 0,2 ha cao su đang cho thu hoạch. Vậy là đích thân anh Thắng phải đến nhà ông Lâm để giải thích: “Con đường không phải của xã mà là của bà con, xa hơn nữa là vì tương lai của con em 2 ấp, trong đó có con em gia đình ông Lâm. Con đường hoàn thành, mùa mưa con cháu đến trường sẽ dễ dàng hơn”. Chỉ một câu giải thích, ông Lâm đã hiến 2.000m2 đất để thi công con đường liên ấp Ông Thanh - Ông Chài và trong vòng chưa đến 3 tháng đề ra nghị quyết, xã Cây Trường đã có con đường mới.

Anh Thắng cho biết: “Xây dựng thành công con đường này tôi rút ra được một bài học kinh nghiệm là làm công việc gì liên quan đến dân thì phải công khai dân chủ, giải thích cho dân thấu hiểu để dân đồng tình thì khó mấy cũng làm được; quan trọng là phải lắng nghe tâm tư, ý kiến của dân để tháo gỡ vướng mắc một cách thấu tình đạt lý”.

Giảm phiền hà cho dân

Từ khi nắm giữ đồng thời 2 chức vụ bí thư, chủ tịch xã thì mọi việc điều hành trong xã có vẻ trơn tru hơn nhiều, công việc được giải quyết nhanh gọn bớt phiền hà cho dân. Để làm được điều này, trong công tác cán bộ, bí thư - chủ tịch xã phải gương mẫu, phải biết làm tốt công tác giáo dục cán bộ công chức, giải thích cho đảng viên, cán bộ công chức thấy được trách nhiệm của mình với dân.

Theo anh Thắng, hiện công việc cải cách hành chính theo Đề án 30 của Chính phủ đang triển khai sâu rộng, nhưng còn không ít những điểm rất cần đến vai trò của bí thư - chủ tịch tác động. Lấy ví dụ hiện nay dù đã thực hiện một cửa một dấu nhưng một người dân khi làm thủ tục chuyển nhượng đất phải trải qua nhiều bước; đầu tiên là phải liên hệ một cửa một dấu của xã để nắm quy trình thủ tục, kế đến liên hệ văn phòng đăng ký giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của huyện để nhận hồ sơ, lấy phiếu hẹn, tiếp theo có mặt tại hiện trường để xác định ranh mốc, cán bộ đo đạc; lại tiếp tục đem hồ sơ đến xã ký, sau đó đến nộp hồ sơ cho bộ phận cải cách hành chính huyện lấy phiếu hẹn, rồi đi đóng tiền trước bạ chuyển quyền; quay về bộ phận cải cách hành chính huyện chờ phiếu hẹn lấy sổ... Quả là một quy trình không dễ dàng gì đối với một người dân. Chỉ riêng khâu địa chính xã chứng thực quản lý đất đai, xã không có cán bộ tận tâm người dân phải đi lại nhiều lần mới có thể hoàn tất hồ sơ. Chính vì vậy mà trong công tác điều hành người giữ chức bí thư - chủ tịch xã phải thường xuyên kiểm tra các quy trình, thủ tục theo quy định, kịp thời nhắc nhở phê bình những trường hợp còn biểu hiện quan liêu nhũng nhiễu.

Bước đầu giữ 2 chức vụ bí thư - chủ tịch xã, thành công của anh Thắng là đã làm tốt công tác tư tưởng cán bộ, nắm được chuyên môn sở trường của từng cán bộ công chức để từ đó bố trí cán bộ phù hợp với công việc, giúp cán bộ thấy được vai trò trách nhiệm với công việc. Bên cạnh đó, mô hình bí thư - chủ tịch giúp Đảng bộ xã phát huy vai trò trí tuệ tập thể BCH. “Một vấn đề vướng mắc, bất cập nếu có sự đóng góp, thống nhất cao trong tập thể sẽ giải quyết dễ dàng hơn”, anh Thắng nói.

HÒA NHÂN