Đờn ca tài tử Nam bộ -Bảo tồn và phát triển
Bài 14: Phát huy giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử ở Vĩnh Long
(BDO) Là bộ môn nghệ thuật được UNESCO công nhận Di sản văn hóa phi vật thể của thế giới, đờn ca tài tử (ĐCTT) ở tỉnh Vĩnh Long đã và đang được bảo vệ, phát huy giá trị, đưa bộ môn nghệ thuật này đến gần hơn với người dân, nhất là những người trẻ…
Phát triển và bảo tồn ĐCTT
Vĩnh Long là 1 trong 21 tỉnh, thành Nam bộ vinh dự được sở hữu di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đó chính là ĐCTT. Với loại hình nghệ thuật này, trên mảnh đất Vĩnh Long, đã sản sinh những nghệ nhân, nghệ sĩ nổi danh như: Tống Hữu Định, người có sáng kiến ca ra bộ, tiền nhân của nghệ thuật cải lương; Trần Quang Qườn, trưởng nhóm ĐCTT miền Tây; Trương Duy Toản, nhà biên soạn nhạc nổi tiếng Nam kỳ. Đặc biệt, nhiều thế hệ nghệ sĩ đã có cống hiến to lớn trong việc giữ gìn và phát triển loại hình nghệ thuật này, được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý “Nghệ sĩ nhân dân” như: Ba Du, Phan Văn Huệ, Thành Tôn, Út Trà Ôn, Lệ Thủy…
Nghệ nhân ĐCTT trình diễn không gian tại Festival ĐCTT lần 1 tại Bạc Liêu
Theo thống kê của ngành chức năng, hiện trên địa bàn tỉnh có gần 200 câu lạc bộ (CLB) ĐCTT phân bố khắp các xã, phường, thị trấn, các huyện, thị, thành phố, sinh hoạt định kỳ hàng tháng. Hơn nữa, hàng quý, các CLB thường tổ chức sinh hoạt cụm. Hoạt động mạnh ở các đơn vị thị xã, huyện như: Bình Minh, Trà Ôn, Bình Tân… Các CLB còn thường xuyên tổ chức giao lưu nhằm học hỏi lẫn nhau để nâng cao kỹ năng và trình độ nghệ thuật. Thông qua những hoạt động này, đã giúp nâng số người am tường 20 bài bản tổ lên con số đáng kể.
Gìn giữ loại hình nghệ thuật của dân tộc, những năm gần đây, ngành du lịch Vĩnh Long đã phối hợp cùng cơ quan quản lý, các cơ sở du lịch tập trung khai thác các tour, tuyến du lịch từ TP HCM - Tiền Giang - Bến Tre - Cần Thơ - Vĩnh Long và các tuyến du lịch sông Tiền, kết hợp với tham quan các di tích lịch sử văn hóa… Các điểm du lịch sinh thái ở các xã cù lao tại Vĩnh Long đều có phục vụ ĐCTT theo yêu cầu của khách.
Cái tình của ĐCTT
Không những hát ca để thỏa niềm đam mê, sinh hoạt các CLB, những người yêu ĐCTT còn thể hiện cái tình trong việc giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn. Một ngày cuối tuần, chúng tôi tìm đến nhà chị Nguyễn Diệu Trang, ở ấp Thạnh Lý, xã Đông Thạnh, TX.Bình Minh, là thành
viên của CLB ĐCTT của địa phương, những năm trước, khi những mất mát kéo đến gia đình chị cũng chính là lúc căn nhà cũng không còn lành lặn. Chị Trang nhớ lại, lúc đó, hoàn cảnh thì éo le, nhà cửa thì dột nát, Ban chủ nhiệm CLB đã tìm hiểu và quyết định vận động kinh phí để xây nhà. “Nói thật, lúc đó không còn niềm vui nào tả xiết, biết tỏ lòng nào để cảm ơn những nhà hảo tâm, những anh chị em ở CLB là cùng mình gắn bó, vượt qua khó khăn”, chị Trang nói. Theo ông Thân Văn Tặng, Phó Chủ nhiệm CLB thì căn nhà chị Trang được xây với kinh phí hơn 40 triệu đồng. Hầu hết là vận động từ các nguồn Mạnh Thường Quân, những người đã biết và “mê” tiếng hát của Diệu Trang. Qua đó cũng đã tiếp thêm động lực để Diệu Trang gắn bó với CLB, tiếp tục theo đuổi niềm đam mê ca hát. Tính đến nay, CLB ĐCTT xã Đông Thành đã hỗ trợ sửa chữa, xây cất mới cho 11 hộ. Có căn trị giá vài chục triệu đồng, có căn sửa chữa khoảng gần chục triệu. Điều đáng nói, trong 11 căn thì chỉ có 1 căn của chị Diệu Trang là thành viên CLB, còn lại là các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn, thậm chí là ngoài TX.Bình Minh. Tìm đến nhà bà Trần Thị Sáu, ấp Hóa Thành 1 (xã Đông Thành, TX.Bình Minh) với căn nhà mới được CLB hỗ trợ xây dựng. Ông Châu Văn Tường, Chủ nhiệm CLB ĐCTT xã Đông Thành cho biết, khi thấy gia đình bà Sáu quá khổ, các thành viên CLB đã đóng góp giúp bà xây nhà mới. Ngoài nhà bà Sáu, từ năm 2011 đến nay, 11 căn nhà đã được CLB sửa chữa, xây dựng với tổng kinh phí hơn 110 triệu đồng. Trong đó, kinh phí vận động hơn 90 triệu đồng, có gần 100 ngày công lao động.Ông Châu Văn Tường cũng cho biết, thành viên CLB đi hát, toàn bộ số tiền thu được đều dành làm quỹ, ngay cả tiền “bông” của thành viên cũng không tính toán cá nhân mà bỏ vào quỹ. Không tính toán thiệt hơn, anh chị em vẫn hết mình vì công việc mang nhiều ý nghĩa xã hội này.
Truyền lại cho tuổi trẻ
Hiện nay, phong trào ĐCTT tại Vĩnh Long đã và đang được bảo vệ, phát huy và nhất là đang ngày càng thu hút được thanh niên trẻ tuổi. Ông Nguyễn Hoàng Oanh, Chủ nhiệm CLB ĐCTT Trung tâm Văn hóa (Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch) cho biết, hiện nay bộ môn nghệ thuật ĐCTT được đông đảo bạn trẻ yêu thích, ngay cả trong CLB có em chỉ 8 - 10 tuổi. Đây là một tín hiệu vui cho bộ môn nghệ thuật, vốn kén người thưởng thức này.
Theo đạo diễn Nguyễn Nết, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa thì đến với Liên hoan ĐCTT Nam bộ trong Festival ĐCTT Quốc gia lần II - Bình Dương 2017 tới, đội đờn sẽ có 3/5 nghệ nhân là người trẻ tuổi, có 1 em đang là học sinh phổ thông. “Tuổi trẻ tiếp nối những nét văn hóa đặc trưng, truyền thống của cha ông để lại là điều khiến chúng tôi tự hào. Bộ môn nghệ thuật ĐCTT vẫn mãi là nét đẹp của người dân Vĩnh Long nói riêng, của vùng đất Nam bộ nói chung…”.
Bài 15: Đắm say những điệu đờn ca ở Kiên Giang
NGUYỄN DUY - CHÍ THANH