Bạch Đằng phố, gạch nối thời gian…
Viết những dòng trước thềm xuân mới Giáp Thìn 2024 về đất Thủ - Bình Dương, tôi chọn đường Bạch Đằng, xin được gọi là phố Bạch Đằng - như một gạch nối của hai chiều thời gian, ngược về quá khứ với bao dấu xưa, tích cũ, hướng về tương lai với những gam màu tươi sáng mở ra…
Thả hồn cùng cảnh vật
Đường Hàng Dương xưa - phố Bạch Đằng (TP.Thủ Dầu Một) nay hẳn rằng đã có quá nhiều đổi khác. Cũng đúng thôi, đổi khác bởi khoảng cách thời gian vượt cả hàng trăm năm với bao biến thiên của lịch sử, khác bởi sự khởi sắc, đi tới thịnh vượng, văn minh của một vùng đất đậm trầm tích văn hóa, năng động, thức thời trong phát triển, dựng xây.
Phố Bạch Đằng bừng lên sức sống mới, đặc biệt là những dịp lễ, tết, thu hút đông đảo người dân, lữ khách thập phương đổ về. Ảnh: QUỐC CHIẾN
Khoan vội “bước về quá khứ” để chiêm nghiệm dấu tích xưa cổ, hãy một đôi lần thả bộ trên con phố Bạch Đằng mới hôm nay với bao điều cuốn hút. Có thể bắt đầu tư phía đường Nguyễn Tri Phương, phóng tầm mắt về bến đò chợ Thủ, về khu nhà Thành ủy Thủ Dầu Một, xa hơn là phố Bạch Đằng nối dài, với công viên, nhà mới cao tầng… ai cũng có thể cảm nhận, rung lên bao cung bậc cảm xúc về một con đường, rộng hơn là của một vùng đất. Cũng có thể bắt đầu ở chiều ngược lại, từ phía cầu Phú Cường, trường Sĩ quan Công binh (Đại học Ngô Quyền), thong dong dạo bước, đưa ánh nhìn về chợ Thủ, về công viên ven sông, về cây si già rũ bóng, hàng hoa mới khoe sắc… Tất cả là một bức tranh sinh động, giàu sức sống để thả hồn cho những mộng mơ, suy tưởng tùy thích.
Bình minh lên hay hoàng hôn buông xuống, phố Bạch Đằng, công viên Bạch Đằng níu bước chân người bởi một không gian thơ mộng, êm đềm, xanh mát bên dòng Sài Gòn chầm chậm lục bình trôi. Không gian, cảnh vật trải dài trên con phố Bạch Đằng đủ sức hấp dẫn cư dân bản địa, níu bước lữ khách. Ở đó, khi bình minh chưa ló dạng, ánh đèn đêm chưa kịp tắt, nhiều tốp người, đa phần là lớp đứng tuổi, cao niên chọn làm không gian sinh hoạt, bồi bổ cả thể chất lẫn tinh thần. Có thể là thả bộ, đạp xe, thể dục dưỡng sinh hay nâng bước nhảy xập xình theo tiếng nhạc với những nụ cười sảng khoái rạng trên môi…
Cũng không gian đó, chiều tà, hoàng hôn buông, phố thị lên đèn, chợ đêm hút khách, dòng người tấp nập, đa phần là lớp trẻ đổ về, tạo nên một nhịp sống sôi động, tràn trề sinh lực. Nơi đây bao năm nay trở thành một tụ điểm văn hóa. Lẫn trong số đông giới trẻ giàu “năng lượng” là lớp người già ngồi thư thái trên ghế đá, thả hồn cùng sông nước Sài Gòn. Có lẽ, họ đang lục tìm, nhớ về tuyến đường Hàng Dương thơ mộng thuở nào với bao kỷ niệm dấu yêu!
Tìm lại dấu xưa
Sử liệu về Bình Dương cho biết Hàng Dương là con đường xưa nhất, đẹp nhất một thời của vùng đất này. Theo Đại Nam Nhất Thống Chí, đó là con đường chính dẫn vào lỵ sở huyện Bình An xưa, tồn tại trước năm 1623, con đường mà đại úy Grammont người Pháp hoàn toàn bị chinh phục khi vừa đặt chân đến. Không giấu được sự rung động, ông đã trải lòng rằng, “ven đường là thị trấn Phú Cường với những mái ngói chìm trong những tán cây xanh, trên bến là những thuyền buồm sặc sỡ. Ngôi chợ ở khúc đường đầu tiên chiếm vị trí làm nền cho bức tranh. Ở đó còn có một cây đa hơn trăm tuổi đứng hùng vĩ như hình ảnh kẻ vươn tay che chở, bảo vệ vùng đất này”. Cây đa mà Grammont mô tả trên đường Hàng Dương, chính xác hơn là cây dầu cao tuổi nhất, tương truyền đã ngã xuống dòng sông Sài Gòn sau đó. Truyền khẩu của người Bình Dương cũng nói rằng, cây dầu cao nhất, đứng đơn lẻ trên một triền đồi ven sông, cạnh đồn trấn thủ của Pháp rất có thể là xuất phát cho tên gọi địa danh Thủ Dầu Một sau này.
Công viên Bạch Đằng trở thành tụ điểm văn hóa, sinh hoạt cộng đồng cho người dân địa phương. Ảnh: MINH DUY
Nếu làm một lữ khách, bạn sẽ đi từ ngạc nhiên đến thích thú với những di tích kiến trúc trăm năm tuổi vẫn đang hiện diện quanh khu vực này. Đó là Nhà Mát, có chiếc cầu gỗ nối từ đường Bạch Đằng ra vài chục bước chân, đứng cheo leo giữa mặt sông Sài Gòn. Đó là ngôi nhà cổ Đốc phủ Đẩu trở mặt ra sông Sài Gòn, nằm tại số 18 đường Bạch Đằng, ngôi nhà ông Trần Văn Hổ (tự Đẩu) - nguyên là Đốc phủ sứ thời thuộc Pháp, công trình được xây dựng năm Canh Dần (1890), năm 1993 được công nhận là Di tích cấp quốc gia. Dù đã trải qua nhiều thế hệ và chiến tranh khốc liệt, nhưng lạ thay ngôi nhà vẫn “thi gan cùng tuế nguyệt”, gần như nguyên vẹn kiến trúc ban đầu.
Trên tuyến đường Bạch Đằng nếu nói về những chứng tích trăm năm không thể không nhắc đến chợ Thủ, một ngôi chợ có lịch sử hình thành gần 2 thế kỷ. Chợ Thủ hôm nay được bao quanh với 4 con đường Đoàn Trần Nghiệp, Nguyễn Thái Học, Trần Hưng Đạo và Bạch Đằng. Nhìn từ xa, chợ giống như một con tàu với cột buồm đang lênh đênh trên mặt nước. Sách Đại Nam Nhất Thống Chí - bộ sách địa lý được biên soạn trong khoảng thời gian từ 1864-1875 đã nhắc đến tên chợ Phú Cường: “Chợ Phú Cường ở thôn Phú Cường, huyện Bình An tục danh gọi là chợ Thủ Dầu Miệt (hay Dầu Một) ở bên lỵ sở huyện, xe cộ ghe thuyền tấp nập”. Tên gọi chợ Thủ hoặc Thủ Dầu Một cũng được nhắc nhiều đến trong dân gian và cả trong thơ ca, sách báo.
Nếu là người thích khám phá di tích kiến trúc nghệ thuật cổ còn có thể đến thăm nhà cổ Trần Công Vàng nằm cách đường Bạch Đằng vài trăm mét, tọa lạc tại số 21, đường Ngô Tùng Châu, phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một, trên một khu đất rộng 1.333m2, được xây cất và hoàn thành vào khoảng năm 1889-1892, được công nhận Di tích cấp quốc gia năm 1993. Cũng như nhiều ngôi nhà khác, nhà cổ này có bộ khung sườn làm theo kiểu nhà xuyên trính, có 8 đấm, 8 quyết ở hai chái nhà, toàn phần nhà trên đếm được 48 cây cột tròn, nội thất được trang trí, bày biện theo phong cách cổ truyền của gia đình người Việt, chạm trổ, sơn thếp, cẩn xà cừ công phu, khéo léo, tiêu biểu cho giá trị kiến trúc - nghệ thuật đặc sắc, độc đáo của vùng đất Bình Dương.
Một con phố - gạch nối hai chiều thời gian, hiện đại, truyền thống, trầm tích văn hóa hòa quyện, đan xen, dù chưa thể đại diện tiêu biểu cho một vùng đất, nhưng mạch nguồn phát triển như được nối dài theo năm tháng, mang theo bao ước mơ, hoài bão không của riêng ai…
TRIỆU PHONG