Bác về, đất nước đứng lên- Bài 4

Thứ hai, ngày 31/08/2020

(BDO) Từ tháng 5 đến tháng 8-1945, tại Tân Trào (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang), Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo Đảng đã gấp rút chuẩn bị mọi mặt cho tổng khởi nghĩa, giành chính quyền. Người dân Tân Trào vẫn khắc ghi những kỷ niệm đẹp về vị lãnh tụ vĩ đại, hết mình vì dân, vì nước trong những tháng ngày lịch sử cách đây 75 năm.

Núi rừng còn in bóng Người

Bên tách trà thơm trên căn nhà sàn khang trang được Nhà nước cấp, ông Hoàng Ngọc, người dân tộc Tày, vị lão niên của làng Tân Lập, xã Tân Trào hồ hởi kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện của bản thân về những lần được thấy Bác Hồ, cũng như tình cảm của nhân dân nơi đây với ông Ké gần gũi, giản dị. Trong câu chuyện của mình, đôi lúc ông trầm lặng, mắt nhìn về hướng lán Nà Nưa như thể ông vẫn thấy bóng dáng Bác Hồ đâu đây.

Giờ đây, ông Hoàng Ngọc đã 85 tuổi với 75 năm trôi qua kể từ thời khắc lịch sử đó, đất nước đã có nhiều đổi mới, phát triển nhưng những kỷ niệm đẹp của ông về ông Ké vẫn còn in đậm trong tâm trí. Ảnh: CAO SƠN

Tháng 8-1945, ông Hoàng Ngọc lúc đó là cậu bé 10 tuổi. Thân sinh của ông là cụ Hoàng Trung Nguyên, chiến sĩ giao liên cho Bác và Trung ương trong những ngày chuẩn bị tổng khởi nghĩa. Các cán bộ về dự Quốc dân đại hội ở nhà ông và một số gia đình khác trong làng. Ngôi nhà của gia đình ông cũng chính là ngôi nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ở thời kỳ này. Lúc này, người dân trong làng cũng chỉ biết có ông Ké và nhiều cán bộ về đây hoạt động cách mạng. Trong khi đại hội đang họp, một đoàn đại biểu thay mặt nhân dân Tân Trào đã đến chào mừng đại hội và ông Hoàng Ngọc đã vinh dự có mặt trong đoàn thiếu nhi hôm đó.

Ông Hoàng Ngọc kể, trong một lần đang chơi quay cùng bạn, ông thấy ông Ké đến gần và hỏi: “Các cháu đang làm gì? Có được đi học không?”. Ông Ngọc đã trả lời là không ạ! Ông Ké nhìn các cháu trìu mến và nói: “Sau này có trường, lớp các cháu phải chăm ngoan, học tốt nhé”. Một thời gian sau mới biết ông Ké chính là Bác Hồ, ông Ngọc càng xúc động với tình cảm của Bác dành cho đồng bào nơi đây.

Giờ đây, ông Hoàng Ngọc đã 85 tuổi với 75 năm trôi qua kể từ thời khắc lịch sử đó, đất nước đã có nhiều đổi mới, phát triển nhưng những kỷ niệm đẹp của ông về ông Ké vẫn còn in đậm trong tâm trí. Người dân làng Tân Lập vẫn còn nhắc mãi câu chuyện về hình ảnh của ông Ké có dáng người mảnh dẻ nhanh nhẹn, vầng trán cao, mắt sáng như sao; yêu dân, yêu bộ đội, lại chăm chỉ khác thường; đêm đọc tài liệu, đánh máy tới khuya, sáng mờ đất đã dậy quét nhà, tưới rau, lấy củi, đánh thức bộ đội đi tập, tăng gia giúp dân.

Từ thôn Tân Lập, vượt qua quãng đường ngắn chúng tôi đến lán Nà Nưa, nơi Bác từng sống những tháng ngày khó khăn, vất vả để chuẩn bị cho vận mệnh của đất nước. Nà Nưa chỉ là căn lán nhỏ, có hai gian nằm trên con dốc cao nhìn xuống dòng Khuôn Pén nước lững lờ; gian trong để ở, gian ngoài để Bác làm việc, tiếp khách đúng với yêu cầu của Bác: “Gần nước, gần dân, xa đường quốc lộ, thuận đường tiến, tiện đường thoái”.

Trong cảm xúc bồi hồi của những người con Tuyên Quang đời đời nhớ ơn Cụ Hồ, Lò Thị Tâm, nữ hướng dẫn viên của Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào, xúc động giới thiệu: Nơi đây Bác ở 92 ngày đêm. Sau bao nhiêu năm lặn lội đi tìm hình của nước, chiếc lán đơn sơ được lợp bằng lá gồi như sàn nhà thu nhỏ và bưng quanh bằng phên nứa, lối lên nhà sàn bằng chiếc cầu thang gỗ, gần lối vào cửa dựng hai báng nước. Ngày ấy, điều kiện làm việc của Bác hết sức gian khổ và khó khăn, những bữa ăn đạm bạc, chỉ có măng rừng chấm muối vừng, cơm chan nước chè xanh.

Giữa lúc công việc đang bộn bề, Bác bị ốm nặng, người xanh xao hốc hác. Những năm tháng bôn ba năm châu bốn bể, những đêm đông lê bước dưới xích xiềng ở nhà tù đế quốc, những đêm dài nếm mật nằm gai, mưa rừng, sốt rét, thiếu thốn, gian khổ… chắc đã vắt kiệt sức của Người. Trong một đêm sốt rét và mê mệt li bì trên sàn nứa lạnh giữa rừng tưởng không qua khỏi, khi vừa tỉnh lại, Người liền dặn đồng chí Võ Nguyên Giáp: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn, cũng kiên quyết giành cho được độc lập!”. Ngày 4-6-1945, tại nơi đây, Bác Hồ đã triệu tập Hội nghị cán bộ, quyết định thống nhất chiến khu thành Khu giải phóng, thống nhất các lực lượng vũ trang thành Quân giải phóng, tiến tới Quốc dân đại hội, tổng khởi nghĩa.

Dưới bóng đa Tân Trào

Từ lán Nà Nưa, chúng tôi ghé thăm đình Tân Trào và cũng không quên thắp những nén nhang thơm trên bàn thờ trong đình. Đình Tân Trào mang dáng vóc của ngôi nhà sàn rộng lớn. Từ ngày 13 đến 14-8-1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng với trên 30 đại biểu các Đảng bộ Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam kỳ, họp trong khu rừng Nà Nưa. Tuy vừa ốm dậy, người còn xanh xao nhưng Bác vẫn gượng chống gậy tới họp, góp nhiều ý kiến chỉ đạo. Hội nghị bàn và quyết định những việc cấp bách liên quan tới vận mệnh đất nước, như thành lập Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc để lãnh đạo tổng khởi nghĩa giành chính quyền, thành lập Bộ Tư lệnh Giải phóng quân Việt Nam, đề ra Mười chính sách lớn của Việt Minh, chủ trương đối ngoại với Đồng minh, định ra nhiệm vụ quân sự, gấp rút phát triển nhiều đơn vị giải phóng quân mới trong cả nước, ban hành Quân lệnh số 1: “Hỡi quân dân toàn quốc, 12 giờ trưa ngày 13 tháng 8 năm 1945, phát xít Nhật đã đầu hàng đồng minh, quân đội Nhật đã bị tan rã tại khắp các mặt trận. Kẻ thù chính của chúng ta đã bị ngã gục. Giờ Tổng khởi nghĩa đã đến. Cơ hội có một cho quân dân Việt Nam vùng dậy giành lấy quyền Độc lập của nước nhà!”.

Trong các ngày 16 và 17- 8-1945, đình Tân Trào đã trở thành nơi ghi dấu sự kiện trọng đại của dân tộc. Hơn 60 đại biểu đại diện các đảng phái chính trị, đoàn thể cứu quốc, các dân tộc, tôn giáo cả ba miền Bắc, Trung, Nam và một số kiều bào ta ở nước ngoài tham dự Quốc dân đại hội và biểu thị quyết tâm tổng khởi nghĩa trong cả nước; thông qua Mười chính sách lớn của Việt Minh và lập ra Ủy ban Dân tộc giải phóng do Bác Hồ làm Chủ tịch, mở ra một kỷ nguyên mới cho đất nước, dân tộc ta. Trước đình có phiến đá người dân nơi đây gọi là đá thiêng. Trong ngày ra mắt Quốc dân đại hội (17-8-1945) Bác Hồ cùng với các đồng chí trong Ủy ban dân tộc giải phóng đã đứng ngay bên cạnh phiến đá thiêng đó để đọc lời tuyên thệ. Từ đó người dân ở đây còn gọi phiến đá này với một tên gọi khác là phiến đá thề.

Ngay bên cạnh đình Tân Trào là cây đa Tân Trào. Chiều ngày 16-8-1945, dưới bóng cây đa Tân Trào, thi hành mệnh lệnh của Ủy ban khởi nghĩa, Quân giải phóng đã cử hành lễ xuất quân. Đoàn quân đứng thành hai hàng dọc từ cây đa đến cây si, trước mặt là lá cờ đỏ sao vàng năm cánh bay phất phới, các đại biểu dự Quốc dân đại hội và nhân dân địa phương đến tham dự tiễn đưa bộ đội đi chiến đấu. Đồng chí Võ Nguyên Giáp thay mặt Ủy ban khởi nghĩa đọc bản Quân lệnh số 1 và hạ lệnh xuất quân. Khi lễ xuất quân vừa dứt, Quân giải phóng rầm rộ lên đường vượt đèo De, qua núi Hồng, tiến sang Thái Nguyên để từ đây tiến về giải phóng thủ đô Hà Nội đúng ngày 19- 8-1945, làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại...

75 mùa thu đã trôi qua với biết bao đổi thay của đất nước nhưng những hình ảnh của Bác Hồ nơi núi rừng Tân Trào vẫn in đậm trong lòng nhân dân nơi đây. Mùa thu ấy, lệnh Tổng khởi nghĩa đã được truyền đi khắp cả nước. Theo bước chân Người, cả dân tộc bước vào cuộc chuyển động vận mệnh vĩ đại, vùng lên đập tan xiềng xích nô lệ, quyết giành độc lập, tự do cho đất nước. (còn tiếp)

75 mùa thu đã trôi qua với biết bao đổi thay của đất nước nhưng những hình ảnh của Bác Hồ nơi núi rừng Tân Trào vẫn in đậm trong lòng nhân dân nơi đây. Mùa thu ấy, lệnh Tổng khởi nghĩa đã được truyền đi khắp cả nước. Theo bước chân Người, cả dân tộc bước vào cuộc chuyển động vận mệnh vĩ đại, vùng lên đập tan xiềng xích nô lệ, quyết giành độc lập, tự do cho đất nước.

CAO SƠN

Từ khóa: