Bắc Tân Uyên: Hiệu quả từ áp dụng khoa học - công nghệ vào nông nghiệp

Thứ tư, ngày 07/02/2018

Là huyện mới thành lập (năm 2014), tuy bước đầu còn gặp nhiều khó khăn nhưng huyện Bắc Tân Uyên đã đẩy mạnh triển khai thực hiện các nhiệm vụ khoa học - công nghệ (KHCN), áp dụng tiến bộ KHCN vào các lĩnh vực, nổi bật là lĩnh vực nông nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

(BDO)

 Mang lại thu nhập cao

Bắc Tân Uyên là địa phương có thế mạnh về phát triển nông nghiệp, diện tích đất sản xuất nông nghiệp chiếm 87,39% tổng diện tích đất tự nhiên; sản xuất nông nghiệp chủ yếu tập trung vào trồng cây ăn trái, chăn nuôi. Thực hiện định hướng phát triển nông nghiệp của tỉnh theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, huyện đã đẩy mạnh khuyến khích các chủ trang trại, hộ gia đình áp dụng KHCN vào sản xuất.

 Với việc áp dụng VietGAP vào sản xuất đã giúp cho chất lượng các sản phẩm cây có múi của huyện Bắc Tân Uyên ngày càng nâng cao. Trong ảnh: Vườn cây của anh Trần Đức Việt (ấp Cây Dâu, xã Hiếu Liêm) thuộc Dự án “Hỗ trợ sản xuất phát triển vùng cây ăn quả có múi xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương” Ảnh: HOÀNG PHẠM

Ông Lê Hiếu Liêm, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Bắc Tân Uyên cho biết, hiện nay tổng diện tích cây ăn trái trên địa bàn hơn 2.034 ha, trong đó có 1.987 ha cây có múi. Trong số diện tích cây có múi có hơn 100 ha được sản xuất theo hướng VietGAP, trong đó có 61,4 ha được chứng nhận VietGAP, tăng 34,4 ha so với năm 2016.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ khi áp dụng các quy trình chuẩn vào sản xuất như VietGAP, giá trị nông sản của huyện Bắc Tân Uyên ngày càng gia tăng và tăng nguồn thu nhập cho người dân. Các vườn trái cây ở đây vào thời kỳ cho trái ổn định, mang lại thu nhập trung bình từ 600 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha; nhiều hộ đã trở thành tỷ phú từ cây có múi như ông Lâm Thành Thắm, ông Lê Văn Xê… Tiêu biểu, với 12 ha trồng bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP của ông Lê Văn Xê, chủ trang trại Phương Uyên (xã Hiếu Liêm) cho năng suất khoảng 500 tấn quả/năm; sau khi trừ chi phí, lợi nhuận ông thu gần 10 tỷ đồng mỗi năm.

Bên cạnh cây ăn trái, huyện Bàu Bàng cũng khuyến khích người dân áp dụng KHCN vào chăn nuôi. Ông Liêm cho biết, Phòng Kinh tế đã tham mưu UBND huyện xem xét chấp thuận cho 7/15 cơ sở, trang trại chăn nuôi hình thành doanh nghiệp, cơ sở nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đáng chú ý, địa phương đã mời gọi được cơ sở trại gà Hoàng Lan (xã Tân Định) có quy mô 1.600m2 áp dụng hệ thống quản lý chăn nuôi theo chuẩn VietGAP, đầu tư hệ thống tự động hóa chăn nuôi gà đẻ trứng, với tổng vốn đầu tư hơn 11,4 tỷ đồng.

Xây dựng nền nông nghiệp hiện đại

Sản phẩm cam và bưởi của huyện Bắc Tân Uyên đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KHCN) cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Đây có thể coi là bước tiến lớn để nâng cao giá trị nông sản của huyện nói riêng và của tỉnh nói chung. Kết quả này cũng giúp nâng cao chất lượng sản xuất, kinh doanh và tạo nguồn thu nhập ổn định cho các hộ nông dân trên địa bàn huyện.

Theo đánh giá, mặc dù trình độ sản xuất của các hộ dân trên địa bàn huyện Bắc Tân Uyên ngày được nâng cao, đã áp dụng nhiều kỹ thuật tiên tiến và thực hiện tự động hóa, cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp nhưng địa phương vẫn còn không ít hạn chế, sản xuất chưa mang tính bền vững. Giải quyết vấn đề này, trong thời gian tới huyện sẽ chú trọng nâng cao trình độ KHCN vào nông nghiệp theo hướng tăng cường chuyển giao, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về thâm canh, phòng trừ dịch hại, đăng ký sản xuất theo chuẩn VietGAP để nâng cao năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm… Trên cơ sở đó, địa phương xây dựng được nền nông nghiệp hiện đại, công nghệ cao và nâng cao nguồn thu cho các hộ nông dân.

Theo lãnh đạo huyện Bắc Tân Uyên, hiện nay việc liên kết cho đầu ra sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn còn hạn chế, chưa có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm manh tính trung hạn hoặc dài hạn. Tới đây, huyện sẽ tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến thương mại cho sản phẩm cam, bưởi Bắc Tân Uyên; đồng thời nghiên cứu và đề xuất xem xét điều chỉnh các chính sách đã ban hành không còn phù hợp với thực tiễn nhằm khuyến khích, hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Địa phương cũng đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án xây dựng, quản lý và phát triển Nhãn hiệu tập thể cho trái quýt Bắc Tân Uyên.

Ngoài việc đẩy mạnh áp dụng tiến bộ KHCN vào trồng cây có múi, chăn nuôi, hiện nay huyện Bàu Bàng đang thực hiện mô hình sản xuất rau ăn lá an toàn trong nhà kính, canh tác chuối nuôi cấy mô chuyên canh, mô hình sản xuất lúa… theo hướng VietGAP.

 KHÁNH ĐĂNG