Bắc Tân Uyên: Bài học từ huy động sức dân

Thứ ba, ngày 09/04/2019

Công tác dân vận (CTDV) tại huyện Bắc Tân Uyên thời gian qua tiếp tục nhận được sự đồng tình, ủng hộ và tham gia của các tầng lớp nhân dân. Nhờ đó, tinh thần đoàn kết giữa Đảng bộ, chính quyền và nhân dân được củng cố, phát triển và huyện đã huy động được nhiều nguồn lực đóng góp cho sự phát triển của địa phương.

(BDO)

 Nâng cao nhận thức

Từ một huyện còn gặp nhiều khó khăn khi mới thành lập vào năm 2014, đến nay, bộ mặt kinh tế - xã hội của Bắc Tân Uyên đã có nhiều khởi sắc. Đến Bắc Tân Uyên hôm nay đã có thể cảm nhận được sức vươn lên mạnh mẽ của huyện vùng xa này. Tuyến đường ĐH411 được xây dựng khang trang bảo đảm cho việc kết nối đến trung tâm huyện được nhanh chóng hơn. Không chỉ có tuyến ĐH411, nhiều tuyến đường trên địa bàn huyện trong thời gian qua cũng đã được nâng cấp, mở rộng, khiến cho diện mạo của huyện có nhiều đổi mới, trong đó có nhiều tuyến đường hình thành nên từ sự đóng góp sức người, sức của của nhân dân.

 Nhờ làm tốt công tác dân vận, huyện Bắc Tân Uyên đã phát huy được nguồn lực trong nhân dân, góp phần vào sự phát triển của địa phương. Trong ảnh: Nhiều nông dân xã Hiếu Liêm đã phát triển thành công mô hình kinh tế trang trại trồng cây có múi. Ảnh: C.SƠN

Không chỉ dừng lại ở câu chuyện làm đường giao thông, trong những năm qua, với sự chung sức, đồng lòng của các tầng lớp nhân dân, Bắc Tân Uyên đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. CTDV đã được Huyện ủy Bắc Tân Uyên vận dụng “khéo” để tạo ra được nhiều nguồn lực quan trọng, đáp ứng nhu cầu phát triển của địa phương. Tiếp chuyện chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Hiệp, Bí thư Huyện ủy Bắc Tân Uyên vui vẻ cho biết: “Khó vạn lần dân liệu cũng xong, với tinh thần đó, CTDV đã được Huyện ủy quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện. Huyện thường xuyên phát động phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong toàn hệ thống chính trị gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và xây dựng hệ thống chính trị, góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của đoàn viên, hội viên, cán bộ, công chức, các chiến sĩ lực lượng vũ trang về vai trò và tầm quan trọng của CTDV, ý thức trách nhiệm đối với nhân dân và CTDV trong hệ thống chính trị, củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân đối với Đảng”.

Những mô hình hay

Từ nhận thức trên, trong 5 năm qua, nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả trong thực hiện CTDV đã xuất hiện, tạo ra hiệu ứng tích cực tại địa phương này. Điển hình như trong thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), việc huy động tốt các nguồn lực đã được Bắc Tân Uyên thực hiện có hiệu quả, chính vì vậy chỉ trong thời gian ngắn 2014-2017, huyện đã có 10/10 xã được công nhận đạt chuẩn NTM. Quá trình xây dựng NTM của huyện đã nhận được sự đồng tình và đóng góp bằng nhiều hình thức từ cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân.

Chỉ tính riêng giai đoạn 2016-2018, vốn huy động từ nhân dân và từ các doanh nghiệp là trên 60 tỷ đồng đóng góp cho thực hiện chương trình. Cùng với đó, MTTQ và các đoàn thể của huyện đã thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; phát động các phong trào thi đua yêu nước thu hút đông đảo đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia, nổi bật là các phong trào nâng cấp, sửa chữa đường giao thông nông thôn, tuyến đường hoa kiểu mẫu, tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp... Trong đó nổi bật có các mô hình: Camera an ninh, tự quản về an ninh trật tự, khu nhà trọ tự quản, tự quản về môi trường, đội công nhân xung kích...

Khơi dậy nội lực

Trong thời gian đầu khi mới thành lập, trong cơ cấu kinh tế của Bắc Tân Uyên, nông nghiệp đóng vai trò chủ đạo, là một trong những huyện vùng xa của tỉnh với xuất phát điểm về kinh tế, văn hóa - xã hội thấp so với mặt bằng chung của tỉnh. Xác định được những khó khăn trước mắt, lãnh đạo Bắc Tân Uyên đã xây dựng các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, phát động các phong trào thi đua trên nhiều lĩnh vực, nhất là trong lĩnh vực kinh tế nhằm phát huy nội lực trong các tầng lớp nhân dân.

Từ đó, nhiều phong trào thi đua của các đoàn thể chính trị nhằm phát huy tinh thần hăng say lao động, sản xuất trong nhân dân để khai thác các tiềm năng, lợi thế của huyện nhà đã được phát động. Lợi thế về phát triển kinh tế trang trại của Bắc Tân Uyên được nhân dân phát huy, hình thành nên các trang trại hiện đại, tạo ra nguồn thu lớn cho bản thân và đóng góp hữu hiệu cho huyện. Đến cuối năm 2018, giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện bình quân đạt 71 triệu đồng/ha đất canh tác/ năm. Riêng giá trị sản xuất vùng cây ăn trái có múi đạt khoảng 600 triệu đến 1 tỷ đồng/năm tùy theo từng loại cây. Huyện đã hình thành khá rõ những vùng chuyên canh cây trồng như: Vùng chuyên canh cây cao su với diện tích 21.468 ha; đã quy hoạch và triển khai vùng chuyên canh cây ăn trái có múi với diện tích khoảng 2.091 ha. Cùng với trồng trọt, chăn nuôi cũng là thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp của huyện. Huyện đã từng bước hình thành các trang trại chăn nuôi lớn áp dụng công nghệ kỹ thuật mới và bảo đảm theo quy hoạch. Đến nay, toàn huyện có trên 120 trang trại chăn nuôi và thủy sản, trong đó có 30 trang trại, doanh nghiệp áp dụng công nghệ cao. Từ các chính sách hỗ trợ của các cấp và từ sự vươn lên của bản thân, nhân dân huyện Bắc Tân Uyên đã từng bước nâng cao được đời sống vật chất và tinh thần. Đến nay, huyện chỉ còn 219 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 1,7%) và 150 hộ cận nghèo (chiếm tỷ lệ 1,16%) theo phương pháp tiếp cận đa chiều.

Ông Nguyễn Ngọc Hiệp cho rằng, dù đạt được những thành tựu quan trọng, tích cực nhưng Bắc Tân Uyên vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức yêu cầu toàn Đảng bộ, toàn quân và toàn dân phải tiếp tục nỗ lực phấn đấu để vượt qua trong thời gian tới. Trong đó, sự đồng lòng, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện chính là một trong những tiền đề quan trọng để huyện có thể huy động tối đa mọi nguồn lực từ các thành phần kinh tế, tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của huyện, bảo đảm tính kết nối, tính đồng bộ và phù hợp với định hướng phát triển đô thị của Bình Dương, nhất là các công trình mang tính động lực, hạ tầng giao thông huyết mạch của huyện. Đồng thời, huyện sẽ đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tiếp tục hình thành các vùng chuyên canh cây trồng có giá trị kinh tế cao và chăn nuôi theo mô hình trang trại tập trung, hiện đại…

 CAO SƠN