Bác sĩ tuyến xã: Những “hy sinh” thầm lặng!

Thứ tư, ngày 06/03/2013

   BS ở Trạm Y tế xã Định An, Dầu Tiếng đang khám bệnh cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số

 Tiếng nói người trong cuộc

Do tâm lý bệnh nhân (BN) chỉ muốn được khám, chữa bệnh ở những tuyến trên vì không tin tưởng lắm BS tuyến xã. Kể cả khi đã “thuyết phục” BN tin vào tay nghề của mình sau vài lần chữa bệnh nhưng vẫn còn nhiều khó khăn cho BS ở VSVX. Nhiều cái khó khác làm BS ngại về tuyến dưới. Hỏi BS Lê Văn Quý (Bệnh viện Quốc tế Hạnh Phúc, TX.Thuận An) vì sao BS ngại về xã, anh cho biết: “Về khách quan, hầu hết BS sau khi ra trường ai cũng muốn làm ở môi trường có đầy đủ phương tiện để phát triển nghề nghiệp. Hơn nữa, niềm tin của BN dành cho BS tuyến xã rất ít. BS cũng khó có cơ hội để làm thêm ngoài đồng lương và phụ cấp. Về chủ quan; do sự phân biệt giữa ngành nghề trong xã hội với nhau và ai cũng muốn được biết đến mình là BS làm việc ở bệnh viện lớn. Thế nên họ coi trọng nơi làm việc. Uy tín và tiếng tăm của BS tăng lên nhờ uy tín của bệnh viện và ngược lại. Thêm vào đó là con cái của họ sẽ khó khăn trong việc học hành sau này… Tất cả những điều này cản trở BS về VSVX”.

BS Huỳnh Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế: “Hiếm có một BS tốt nghiệp tại Đại học Y khoa, Y Dược chịu về trạm y tế xã làm việc. Bởi họ nghĩ đến nhiều thứ từ cơ hội, môi trường làm việc, tương lai của con cái mình sau này kể cả việc học thêm để nâng cao trình độ của bản thân. Thế nên, thu hút BS về xã vẫn là điều khó khăn. Vì thế, các BS về VSVX đã là một sự hy sinh rất lớn, họ đã cống hiến nhiều cho sự phát triển mạng lưới y tế, góp phần chăm sóc sức khỏe cho bà con nhân dân VSVX”…

BS Thủy Tiên (Bệnh viện Đa khoa TX.Thuận An) có nhiều năm làm BS tuyến xã cũng “bổ sung” thêm một số khó khăn trong vấn đề này rằng; ngoài trang thiết bị và nhân sự hạn chế, chỉ đủ để điều trị những bệnh thông thường thì BS tuyến xã phải kiêm nhiệm rất nhiều chương trình y tế cộng đồng, phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện các phong trào liên quan khác. Phụ cấp là có những vẫn chưa đủ sức hấp dẫn cho BS yên tâm làm việc ở xã.

Đến Trạm Y tế xã Định An, huyện Dầu Tiếng, chúng tôi gặp BS Nguyễn Bá Châm đang làm việc ở đây. Như đa số BS tuyến xã khác, BS Châm từng công tác tại trạm y tế xã sau đó tiếp tục học chuyên tu. “Gắn bó với địa phương từ trước hoặc là người địa phương chứ ít có BS được đào tạo chính quy, bài bản ở nơi khác chịu về VSVX phục vụ lắm” - BS Châm chia sẻ. Theo BS Châm, ở tuyến xã thường chỉ có một bác sĩ cho một trạm y tế nên không thể trực đều đặn 24/24. Không thể có ca kíp trực nào cũng có BS do nghỉ ca. Tâm lý BN cũng thích đi tuyến trên nên trạm y tế xã chỉ “lo” những chương trình y tế như tiêm chủng, tuyên truyền phòng chống bệnh, vệ sinh môi trường… Dần dần BS tuyến xã sợ… quên kiến thức, tay nghề khi ít BN để khám, chữa bệnh.

Đồng tình với những ý kiến này, BS Huỳnh Minh Chín, Bệnh viện Đa khoa Dầu Tiếng cho rằng; được sự quan tâm của Sở Y tế, của UBND huyện Dầu Tiếng nên bệnh viện tuyến huyện, xã ngày càng được trang bị thiết bị y tế đầy đủ hơn, cơ sở khang trang hơn nhưng vẫn thiếu nguồn nhân lực. Do không có đủ người trực theo ca kíp nên cũng khó có thể sắp xếp để đi học nâng cao hay tham dự các hội thảo chuyên ngành. Đó cũng là những hy sinh thầm lặng của BS tuyến dưới so với các đồng nghiệp làm việc ở những nơi thuận lợi hơn để học hỏi, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ...

Thiếu nhân lực tuyến xã...

Nhận xét của các cán bộ Sở Y tế trong đoàn kiểm tra, phúc tra cuối năm 2012 là bộ mặt các cơ sở y tế có nhiều thay đổi vượt bậc, phòng ốc khang trang, sạch sẽ và trang thiết bị một số nơi được đầu tư hiện đại nhưng nguồn nhân lực vẫn là vấn đề khó khăn nhất! Có bệnh viện trong năm qua số BS về bằng số BS chuyển đi. Đa số BS ở tuyến xã là người địa phương chứ ít có nơi khác “đầu quân”. Đơn cử, Bệnh viện Công ty Cao su Dầu Tiếng có nhiều chế độ ưu đãi nhưng Ban giám đốc cho biết cũng khó thu hút BS về làm việc lâu dài.

BS Nguyễn Bá Châm thì cho rằng, cần có chế độ hỗ trợ cụ thể như cấp đất để BS tuyến xã xây nhà bởi “an cư mới lạc nghiệp”. Bên cạnh đó là đầu tư trang thiết bị, ổn định nguồn nhân lực để phục vụ nhu cầu về sức khỏe cho người dân được tốt hơn. Vấn đề này cũng được BS Phạm Hồng Thái, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Bến Cát chia sẻ: “Nên chăng có sự đầu tư đồng bộ và quy mô cho bệnh viện, phòng khám từng khu vực. Khi đó, khoảng cách của một bệnh viện VSVX và thành thị mới được rút ngắn. Như thế, BS cũng không quá lựa chọn nơi làm việc. Nhu cầu được khám, chữa bệnh của người dân được nâng cao hơn, giảm được quá tải khi BN… không tin tưởng BS tuyến dưới mà cứ kéo nhau lên tuyến trên…”.

 Theo Quyết định 74 (thay cho Quyết định 96) của UBND tỉnh ký ngày 21- 12-2011 về Ban hành Quy định chính sách thu hút, chế độ hỗ trợ và đào tạo phát triển nguồn nhân lực tỉnh Bình Dương, với yêu cầu hợp đồng lao động tối thiểu 5 năm, những người tốt nghiệp cử nhân ngành y; bác sĩ đa khoa, chuyên khoa; dược sĩ; thạc sĩ y, dược; thạc sĩ điều dưỡng, thạc sĩ hộ sinh… được tuyển dụng, tiếp nhận, hoặc điều động luân chuyển về các cơ sở y tế công lập và các cơ sở bảo trợ xã hội thuộc ngành lao động - thương binh và xã hội trên địa bàn tỉnh, trường hợp về y tế tuyến xã được cấp 1 lần theo định mức là 35 triệu đồng/người (đối với 29 xã khó khăn trên địa bàn tỉnh); 25 triệu đồng/người (các huyện Tân Uyên, Phú Giáo, Bến Cát, Dầu Tiếng); 15 triệu đồng/ người (xã, phường, thị trấn thuộc các thị xã Thuận An, Dĩ An, Thủ Dầu Một, các trung tâm y tế huyện, thị xã và bệnh viện đa khoa các huyện Tân Uyên, Phú Giáo, Bến Cát, Dầu Tiếng)...

Bác sĩ, dược sĩ chuyên khoa cấp 1 và 2, được hưởng định mức tùy vào nơi tiếp nhận, từ 15 triệu đến 50 triệu đồng/người. Tiến sĩ y khoa, tùy vào việc tốt nghiệp tại nước ngoài hay trong nước, về công tác tại bệnh viện tỉnh hoặc trường cao đẳng y tế, có mức từ 50 triệu đến 70 triệu đồng. Ngoài ra còn có quy định về hỗ trợ thêm như: công tác tại trạm y tế thuộc các xã vùng khó khăn, kể cả phòng khám đa khoa khu vực trên địa bàn các xã này với trình độ sau đại học: 3,5 lần mức lương tối thiểu chung; trình độ đại học: 3,0 lần mức lương tối thiểu chung…

QUỲNH NHƯ