Bác sĩ “quay lưng” với bệnh viện công - Kỳ 2

Thứ sáu, ngày 15/09/2017

(BDO) Kỳ 2: Tâm tình người “ở lại”

 Trước thực trạng nhiều bác sĩ bệnh viện (BS BV) công “khăn gói” ra đi, để những người ở lại hết mình vì công việc, họ cần lắm sự quan tâm, chăm lo đến đời sống, môi trường làm việc, cơ hội thăng tiến… Giúp các BS BV công an tâm làm việc, lãnh đạo tỉnh đã đề nghị các sở, ngành có liên quan xem xét có những chính sách riêng. Hy vọng, với những đổi mới trong thời gian sắp tới, BV công sẽ “giữ chân” được nhân tài, giải quyết được “bài toán” thiếu BS.

 Được BS chăm sóc sức khỏe, bệnh nhân yên tâm (ảnh BS Lê Xuân Toán đang khám bệnh cho bệnh nhân tại khoa cấp cứu BV Đa khoa tỉnh)

 Đổi mới để “giữ chân” BS

Là BS trưởng khoa sản BV Đa khoa tỉnh với 12 năm kinh nghiệm, nhưng mức lương của BS Nguyễn Thị Kim Huê chỉ tầm 14 triệu đồng. Không chỉ thực hiện nhiệm vụ quản lý khoa, BS phải kiêm nhiệm nhiều việc và phải có mặt liên tục tại phòng mổ sản để “giải cứu” những ca khó. Áp lực từ công việc, từ phía bệnh nhân nhiều lúc làm BS Huê kiệt sức. Thế nhưng chế độ đãi ngộ dành cho những BS thâm niên, kinh nghiệm như chị không cân xứng. Chính vì vậy, chị cũng như các BS trưởng, phó các khoa khác cảm thấy “buồn”. BS Huê mong ngành y tế, lãnh đạo tỉnh quan tâm có chế độ riêng để an tâm công tác.

 Ông TRỊNH ĐỨC TÀI, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội (VH-XH) HĐND tỉnh:

Qua ghi nhận của Ban VH-XH HĐND tỉnh, BV Đa khoa tỉnh, cũng như các BV tuyến huyện hiện nay đang thiếu BS. Nhiều BS nghỉ việc ra làm tại BV tư, hoặc mở phòng khám. Trước thực trạng đó, Ban VH-XH HĐND tỉnh đã đề nghị Sở Y tế tham mưu UBND tỉnh có chính sách thu hút, đào tạo và giữ chân BS cho BV công. Từ đó bảo đảm nguồn nhân lực cho ngành y tế, nhất là đội ngũ BS phục vụ khám chữa bệnh khi BV 1.500 giường hoàn thành, đi vào hoạt động.

Nói về môi trường làm việc, BS Lê Xuân Toán, BS khoa cấp cứu, BV Đa khoa tỉnh khẳng định, đối với BV công, cái được duy nhất khi công tác tại đây đó là tiếp xúc được nhiều dạng bệnh. Những bệnh nặng sẽ giúp BS nâng cao tay nghề. Còn lại tất cả đều là “thử thách” đối với họ. Thử thách khi phải làm việc trong môi trường chật hẹp, áp lực, không an toàn. “Những ngành nghề khác làm ráng không chất lượng cũng có thể chấp nhận, đối với BS thì không thể vì liên quan đến tính mạng con người. Nếu BV công như BV tư quy định số ca khám mỗi ngày để BS có thời gian tái tạo sức khỏe, chất xám sẽ là cách “giữ chân” người tài”, BS Lê Xuân Toán nói.

Một số BS khẳng định, làm nhiều năm ở BV công mới thấy một thực tế là những kiến thức họ học được ít có “đất dụng võ” bởi quy trình mua trang thiết bị khó khăn, thậm chí điều đó làm “mai một” những kiến thức học được. Trong khi BV tư nhân thì vấn đề mua trang thiết bị được giải quyết nhanh chóng để BS sử dụng thoải mái. Một vấn đề khiến BS thấy “sợ” ở BV công là câu chuyện thủ tục hành chính trong việc thanh toán bảo hiểm cho bệnh nhân. Nếu BS BV công mà sai sót một chút trong “mớ” thủ tục hành chính rườm rà của bảo hiểm y tế thì phải bồi thường, còn ở BV tư nhân thì có đội ngũ chuyên lo vấn đề này .

Tâm sự với chúng tôi, BS L.T.H.Y, trước công tác tại BV Đa khoa tỉnh nay chuyển sang làm tại BV Đa khoa Vạn Phúc (TP.Thủ Dầu Một) nói, BV công phải “sực tỉnh” để nhận ra vấn đề của mình và có chính sách để giữ nhân tài như thu nhập, đãi ngộ, cơ hội chuyên môn và thăng tiến. BS L.T.H.Y khẳng định, nhiều BS cả đời gắn với BV công, không màn đến lương bổng họ chỉ hy vọng được tạo điều kiện cho đi học, công nhận năng lực trong việc quy hoạch các vị trí trong khoa, trong BV. Thế nhưng, rất nhiều BS khó có thể xin đi học chứ chưa nói gì chuyện thăng tiến. Nhiều người cảm thấy nản nên tìm ra ngoài làm.

“Lời giải” cho bài toán khó

Trước thực trạng BV công thiếu BS, BS Hoàng Sỹ Quỳnh, nguyên là Phó Giám đốc BV Đa khoa tỉnh cho biết: “Hiện nay, BV tư nhiều, BS có nhiều lựa chọn, nếu BV công không đáp ứng mong muốn được sự phát triển về nghề nghiệp, thăng tiến về vị trí, thu nhập… thì họ sẽ ra đi để phát huy những kiến thức và kinh nghiệm họ có. Thực trạng đó, BV công sẽ phải xem xét lại vấn đề “được” và “mất”của mình để khắc phục”.

Theo BS Văn Quang Tân, Giám đốc BV Đa khoa tỉnh, nhiều năm nay, tỉnh đã có nhiều chế độ đãi ngộ cho các y, BS, tạo điều kiện cho họ yên tâm công tác. Tuy nhiên, chính sách đãi ngộ theo mong muốn của các BS vẫn chưa tương xứng. Với cương vị là giám đốc, ông đề nghị có chế độ, chính sách riêng nhằm “giữ chân” BS có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm, thâm niên. Ông đề nghị, việc tính thu nhập được tính hệ số mức chi tăng thu nhập cho cán bộ viên chức theo quỹ lương của số biên chế giao. Lý do vì số lượng thiếu này đã làm việc với khối lượng công việc của số biên chế giao nhưng không được hưởng quyền lợi tương xứng.

BV tỉnh cũng mong muốn được sử dụng quỹ cải cách tiền lương, quỹ ổn định thu nhập để chi lương, trả công, chi tăng thu nhập, trả thuê mướn cho cán bộ y tế, nhất là chi trả làm choàng, thêm giờ. Bên cạnh đó được chủ động quyết định giá dịch vụ và thực hiện theo yêu cầu của người bệnh khi người bệnh có nhu cầu.

Trước tình hình BS BV công đua nhau nghỉ việc, ông Lục Duy Lạc, Giám đốc Sở Y tế Bình Dương khẳng định, BS BV công “đua” nhau nghỉ việc là mối lo lắng lớn nhất cho ngành. Do đó, thời gian tới, sở sẽ tạo mọi điều kiện, hỗ trợ hết mình để BV công tuyển dụng, xem xét đề nghị chế độ đãi ngộ cho BS.

 Quan tâm đời sống vật chất, tinh thần để các bác sĩ yên tâm làm việc

Trước thực trạng BV công thiếu BS, phóng viên Báo Bình Dương đã phỏng vấn ông Đặng Minh Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh về hướng giải quyết.

- Hiện nay, nhiều bác sĩ có trình độ các BV công nghỉ việc sang làm tại BV tư, hoặc mở phòng khám tư, ông đánh giá như thế nào về tình trạng này, thưa ông?

- Theo cơ chế thị trường hiện nay, nơi nào lương cao, đãi ngộ tốt thì BS sẽ đến làm việc nơi đó. Nhất là trong thời điểm này, Bình Dương có nhiều BV tư nên các bác sĩ có nhiều cơ hội để lựa chọn nơi làm việc.

Giảm bớt tình trạng BS có trình độ nghỉ việc sang nơi khác làm việc, hoặc ra mở phòng khám tư, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo ngành y tế, các BV công tạo môi trường làm việc tốt, quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần để BS yên tâm làm việc.

- Mặc dù đã quan tâm, chăm lo nhưng môi trường làm việc tại BV công còn nhiều áp lực, mức lương chưa cao, vẫn khó giữ chân BS. Như vậy, trong thời gian tới, tỉnh có những chỉ đạo gì để giải quyết “bài toán” thiếu BS ở BV công, thưa ông?

- Với thực trạng trên, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành có liên quan quyết liệt giải quyết. Theo đó, tỉnh chỉ đạo Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ căn cứ các quy định, tình hình thực tế xây dựng các chính sách đào tạo, thu hút mạnh nguồn nhân lực cho ngành y tế. Qua đó, tuyển dụng người tài, người giỏi và giữ được người có năng lực, kinh nghiệm, tay nghề cao cho ngành y tế. Sở Y tế phối hợp với Sở Tài chính xem xét, tham mưu UBND tỉnh việc giảm tỷ lệ trích cải cách tiền lương của BV, bảo đảm dự phòng tăng lương và góp phần nâng cao thu nhập cho cán bộ, viên chức của BV.

Đối với Sở Nội vụ, phối hợp với Sở Tài chính và các ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất cơ chế đặc thù cho BV Đa khoa tỉnh về kinh phí được cấp theo biên chế được giao đối với đội ngũ y, BS làm công tác khám, chữa bệnh để khuyến khích, động viên đội ngũ y, BS an tâm công tác, góp phần tăng thu nhập cho cán bộ, viên chức của BV.

BV Đa khoa tỉnh căn cứ quy định hiện hành để đẩy mạnh xã hội hóa trong khám, chữa bệnh; chủ động tính toán để quyết định giá dịch vụ khám bệnh theo nhu cầu của người bệnh bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế; đồng thời luôn sâu sát, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng đội ngũ y, BS; chú trọng công tác quản lý, tạo môi trường làm việc thuận lợi, kịp thời động viên khen thưởng, khắc phục khó khăn để đội ngũ này hoàn thành nhiệm vụ.

Giải pháp là vậy nhưng trước mắt đội ngũ y, BS BV Đa khoa tỉnh, các BV tuyến huyện cần nâng cao y đức, chăm sóc tốt cho bệnh nhân, thực hiện đúng trách nhiệm “lương y như từ mẫu”.

- Xin cảm ơn ông!

 THIÊN LÝ