Bác sĩ Nguyễn Văn Thấm, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh: Gia đình hạnh phúc, ấm no, đất nước mới phát triển bền vững...

Thứ ba, ngày 20/12/2016

 Công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) là yếu tố cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống của từng người, từng gia đình và toàn xã hội. 55 năm qua, công tác DS-KHHGĐ đã góp phần quan trọng vào quá trình phát triển bền vững của đất nước. Để hiểu hơn về những kết quả đạt được trong công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn tỉnh, phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Nguyễn Văn Thấm (ảnh), Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh.

 - “Vì hạnh phúc mỗi gia đình, vì sự phát triển bền vững của đất nước” là chủ đề kỷ niệm 55 năm truyền thống công tác DS-KHHGĐ. Chủ đề này có ý nghĩa như thế nào, thưa bác sĩ?

- DS là một trong những yếu tố hàng đầu quyết định cho sự phát triển bền vững của đất nước và đang là mối quan tâm của nhiều quốc gia trên thế giới. Xác định được tầm quan trọng của công tác DS-KHHGĐ đối với sự phát triển của đất nước, ngày 26-12-1961 cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ký Quyết định số 216/QĐ-CP về sinh đẻ có hướng dẫn cho nhân dân. Đây được coi là văn bản pháp quy đầu tiên của Nhà nước ta về công tác DS-KHHGĐ và mang đậm tính nhân văn “vì sức khỏe của người mẹ, vì hạnh phúc hòa thuận của gia đình và để cho việc nuôi dạy con cái được chu đáo, việc sinh đẻ của nhân dân cần được hướng dẫn một cách thích hợp”.

Năm 2016 là năm bắt đầu cho một giai đoạn 2016-2020 và cũng là mốc thời gian quan trọng đánh dấu quá trình 55 năm truyền thống công tác DS-KHHGĐ. Chủ đề được chọn là “Vì hạnh phúc mỗi gia đình, vì sự phát triển bền vững của đất nước” có ý nghĩa: Gia đình là xã hội thu nhỏ, nhiều gia đình cộng lại thì mới thành xã hội. Điều này trước hết chỉ ra rằng, gia đình và xã hội có mối quan hệ mật thiết với nhau. Nếu coi xã hội là cơ thể sống thì mỗi gia đình là tế bào làm nên cơ thể xã hội. Gia đình tiến bộ, hạnh phúc góp phần cho sự phát triển hài hòa, bền vững của xã hội. Không có gia đình tái tạo ra con người để xây dựng xã hội thì xã hội cũng không thể tồn tại và phát triển được. Công tác DS-KHHGĐ đạt được những thành quả quan trọng như ngày hôm nay cũng nhờ một phần không nhỏ ý thức của những thành viên trong gia đình. Chính vì vậy, để nâng cao chất lượng DS của tỉnh Bình Dương nói riêng và toàn nước nói chung thì mỗi gia đình phải hạnh phúc, ấm no, không phân biệt giới tính… thì đất nước mới phát triển bền vững.

(BDO)

 Cộng tác viên DS có vai trò rất quan trọng trong các hoạt động tuyên truyền về DS-KHHGĐ

- Trong 55 năm qua, công tác DS-KHHGĐ của tỉnh nhà đã đạt được những thành tựu như thế nào, thưa bác sĩ?

- Trong 55 năm qua, công tác DS-KHHGĐ của tỉnh nhà đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo, hướng dẫn của Tổng cục DS và các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ của các ban ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở và sự nỗ lực, phấn đấu không ngừng của những người làm công tác DS; đặc biệt, các cộng tác viên (CTV) DS cơ sở là cầu nối tư vấn, truyền thông trực tiếp làm thay đổi, nâng cao nhận thức của người dân về DS với phương châm “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”. Với những nỗ lực nói trên, đến nay, tỉnh Bình Dương đã đạt được nhiều thành quả quan trọng như: Tỷ lệ tăng DS tự nhiên giảm từ 2,58% năm 1990 xuống còn 0,9% năm 2010 và đến năm 2015 là 0,78%; tỷ suất sinh giảm từ 33,3‰ năm 1990 xuống còn 13,60‰ năm 2010 và đến 2015 còn 11,5‰; tổng tỷ suất sinh (số con trung bình của một cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ) giảm từ 4,5 con vào năm 1991 xuống còn 1,7 con vào năm 2010 và đến 2015 là 1,76 con; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm từ 45% năm 1991 xuống còn 5,48% vào năm 2010 và đến năm 2015 đạt 3,3%; tỷ lệ các cặp vợ chồng thực hiện các biện pháp tránh thai (BPTT) hiện đại tăng từ 34,32% năm 1990 lên 62,2% năm 2015…

- Thưa bác sĩ, để đạt được những kết quả đó, việc triển khai và tổ chức thực hiện các chủ trương, pháp luật, nghị quyết, chính sách về DS-KHHGĐ của Đảng và Nhà nước có vai trò rất quan trọng. Vấn đề này được Chi cục DS-KHHGĐ quan tâm như thế nào?

- Công tác DS đã được xác định là nhiệm vụ quan trọng, là một chỉ tiêu đã được đưa vào nghị quyết của các cấp ủy Đảng, chính quyền và trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các cấp. Chính vì vậy mà các chủ trương, pháp luật, nghị quyết, chính sách về DS-KHHGĐ của Đảng và Nhà nước có vai trò rất quan trọng.

Sau khi có hướng dẫn của Trung ương, Chi cục DS-KHHGĐ đã tập trung quan tâm đến công tác tham mưu cho Sở Y tế trình UBND tỉnh, HĐND tỉnh ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, quyết định, kế hoạch và đề án nhằm tổ chức thực hiện hiệu quả các chủ trương, pháp luật, nghị quyết, chính sách của Đảng và Nhà nước về DS-KHHGĐ. Trong đó phải kể đến như nghị quyết của HĐND tỉnh và quyết định của UBND tỉnh về hỗ trợ mua BHYT cho CTV để từ đó khuyến khích CTV cơ sở thực hiện tốt nhiệm vụ được giao; Đề án giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2011-2015 đã từng bước khống chế tốc độ gia tăng mất cân bằng giới tính khi sinh; Mô hình tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân giai đoạn 2011-2015 đã góp phần nâng cao nhận thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho vị thành niên, thanh niên. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đã có Quyết định phê duyệt Chiến lược SKSS/KHHGĐ giai đoạn 2011-2015; Kế hoạch truyền thông chuyển đổi hành vi 2011-2015...

Những thành quả đạt được trong năm qua đã cho thấy tính đúng đắn về chủ trương, chính sách và các biện pháp triển khai công tác DS-KHHGĐ mà tỉnh đã đề ra, trong đó phải kể đến việc nỗ lực tăng cường công tác truyền thông vận động đối tượng, đặc biệt triển khai mô hình lồng ghép truyền thông với dịch vụ chăm sóc SKSS, KHHGĐ đến vùng khó khăn, mức sinh cao và vùng có dân nhập cư.

- Xin cảm ơn bác sĩ!

HỒNG THUẬN (thực hiện)

Từ khóa: