Bác sĩ Huỳnh Thanh Hà, Giám đốc Trung tâm Sức khỏe - Lao động và Môi trường: “Chất lượng bữa ăn của công nhân hiện không bảo đảm cho sức khỏe”
Tuần qua, báo Bình Dương đã phản ánh về bữa cơm của công nhân (CN) hiện nay không bảo đảm chất lượng do nhiều nguyên nhân. Trả lời phỏng vấn của P.V Báo Bình Dương về bữa cơm của CN mới đây, bác sĩ Huỳnh Thanh Hà, Giám đốc Trung tâm Sức khỏe - Lao động và Môi trường Bình Dương, một lần nữa khẳng định chất lượng bữa cơm CN hiện không bảo đảm sức khỏe cho CN.
- Thưa bác sĩ, hiện nay đa số các doanh nghiệp (DN) ở Bình Dương chi tiền ăn dưới 10.000 đồng/suất, trong đó có trên 60% DN chi ở mức dưới 8.000 đồng/suất. Nếu bếp ăn thông qua đấu thầu còn phải chịu 10% tiền thuế và nhiều thứ chi phí khác, nên thực chất bữa cơm CN chỉ còn 5.000 - 6.000 đồng/suất. Bác sĩ đánh giá như thế nào về chất lượng bữa cơm CN hiện nay?
- Hiện nay, ngành y tế đang xem việc triển khai các hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu là một trọng tâm của công tác ngành, trong đó dinh dưỡng hợp lý và cải tiến cơ cấu bữa ăn xuyên suốt trong các nội dung thiết yếu. Đối với bữa cơm CN đang làm việc tại các DN, vì phải chi phí nhiều khoản như vậy nên mỗi CN chỉ được thụ hưởng bữa ăn thực chất với trị giá ở mức từ 5.000 - 6.000 đồng/suất và đó cũng là tình hình thực tế đang diễn ra ở các DN tại Bình Dương. Với mức độ như vậy, chúng tôi có thể khẳng định ngay rằng, chất lượng bữa cơm CN hiện nay không bảo đảm về mặt sức khỏe ngay cả đối với người bình thường hoặc lao động nhẹ.
- Xin bác sĩ cho biết, mỗi CN cần bao nhiêu năng lượng mỗi ngày để bảo đảm tái tạo sức lao động (LĐ)? Mỗi suất cơm cần phải có những thức ăn gì, giá tiền cho mỗi suất trong tình hình thời giá hiện nay?
- Như chúng ta đã biết, bữa ăn đủ no, đủ chất dinh dưỡng là rất cần thiết cho mọi người, nhất là người LĐ để bảo đảm tái tạo sức LĐ, hạn chế các tai nạn do thiếu sức khỏe có thể xảy ra. Để bảo đảm sức khỏe cho người LĐ, trong mỗi bữa ăn cần đa dạng thực phẩm và thay đổi món ăn hàng ngày nhằm kích thích sự ngon miệng. Bữa ăn hợp lý cân đối của một người cần 20g đường, 10g muối, 20g dầu mỡ; 50g tôm cua cá, từ 300 - 350g rau củ quả và 400 - 500g lương thực. Theo thời giá hiện nay, với khẩu phần ăn như trên phải mất từ 18.000 - 20.000 đồng. So sánh với khẩu phần ăn của công nhân hiện nay thì khẩu phần ăn của CN mới chỉ đạt từ 50 - 70%. Như vậy là còn quá thấp so với nhu cầu dinh dưỡng của một người LĐ bình thường.
- Bác sĩ cho biết rõ hơn những CN làm việc theo ngành nghề khác nhau thì cần chất lượng bữa ăn như thế nào cho đủ?
- Chế độ ăn hay khẩu phần ăn còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như ngành nghề, tần suất LĐ, tính chất công việc... Cụ thể chia ra các nhóm ngành nghề, gồm: LĐ nhẹ (nhân viên hành chính, giáo viên); LĐ trung bình (CN xây dựng, nông dân, quân nhân...); LĐ nặng (một số nghề trong nông nghiệp và công nghiệp nặng, thợ mỏ...); LĐ đặc biệt nặng (nghề rừng, nghề rèn).
CN ở các ngành nghề như may mặc, giày da, chế biến gỗ... thuộc nhóm LĐ trung bình. Ngoài phần năng lượng tiêu hao để duy trì các hoạt động của cơ thể, LĐ càng nặng thì tiêu hao càng nhiều năng lượng, càng phải ăn nhiều. Mỗi bữa ăn cần thiết cho cơ thể sống là các chất sinh năng lượng bao gồm protid, lipid, glucid và các chất không sinh năng lượng như vitamine, khoáng chất và nước. Nếu khẩu phần ăn gồm protit (thịt, trứng, cá...) từ 100- 200g; lipit (dầu, bơ, sữa) 30g; glucid (gạo, các loại ngũ cốc) từ 400 - 500g; các vitamine và chất khoáng (rau, củ, quả) từ 300 - 350g thì mới bổ sung năng lượng đã tiêu hao từ 2.500 - 2.700kcal đối với LĐ trung bình. Như vậy, để mỗi bữa ăn đạt được mức năng lượng như trên của một người phải mất từ 10.000 - 12.000 đồng (chi phí thực chất), tính theo thời giá hiện nay.
- Xin cảm ơn bác sĩ!
TÂM THƯ (thực hiện)