Bác sĩ chuyên khoa II Trần Thị Minh Nguyệt: Trẻ mắc bệnh sởi đang gia tăng
Bệnh sởi đã bùng phát ở một số tỉnh, thành. Tại Bình Dương, bệnh sởi cũng đang gia tăng. Để hiểu hơn vấn đề này, phóng viên Báo Bình Dương đã phỏng vấn bác sĩ (BS) chuyên khoa II Trần Thị Minh Nguyệt, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Khi thấy trẻ có các dấu hiệu của bệnh sởi cần theo dõi sức khỏe và đưa trẻ đi khám kịp thời. Trong ảnh: Khám bệnh tại khoa Nhi BVĐK tỉnh
- Xin BS cho biết, tình hình trẻ em đến khám bệnh trong những ngày qua tại khoa Nhi như thế nào? Có trường hợp nào ghi nhận mắc bệnh sởi chưa thưa BS?
- Thời gian vừa qua số lượng trẻ em sốt phát ban và trẻ em phát ban sởi đến khám tại phòng khám ngoại trú nhi đang gia tăng, trung bình mỗi ngày có khoảng 10 lượt trẻ đến khám. Tại khu điều trị nội trú, trung bình mỗi ngày khoa Nhi tiếp nhận khoảng 5 bệnh nhi mắc bệnh sởi hoặc sốt phát ban dạng sởi.
- Theo BS, những trường hợp nào trẻ có thể mắc bệnh sởi? Theo thông tin từ những trường hợp mắc bệnh sởi ở một số tỉnh, thành, có những trường hợp đã tiêm chủng đầy đủ nhưng trẻ vẫn mắc bệnh, điều này được giải thích như thế nào, thưa BS?
- Tất cả những trường hợp chưa có miễn dịch với bệnh sởi đều có nguy cơ mắc bệnh sởi. Ở trẻ nhỏ, nhóm nguy cơ mắc bệnh sởi là từ 9 tháng đến 5 tuổi, bởi vì ở nhóm tuổi này miễn dịch từ mẹ chuyển sang con đã hết. Do đó, nếu trẻ chưa chích ngừa mũi sởi đầu tiên lúc trẻ 9 tháng tuổi, hoặc đã chích mũi đầu tiên nhưng không được chích nhắc lại mũi dự phòng sởi thứ 2 lúc trẻ 18 tháng tuổi thì có khả năng mắc bệnh. Tuy nhiên, có những trường hợp trẻ dưới 9 tháng tuổi vẫn mắc bệnh sởi do trẻ sinh ra từ người mẹ chưa có miễn dịch với bệnh sởi (bà mẹ chưa được chích ngừa sởi hoặc chưa mắc bệnh sởi trước đó).
- Bệnh sởi thường xảy ra ở trẻ nhỏ. Hiện nay, khoa Nhi BVĐK tỉnh đã có sự chuẩn bị như thế nào để sẵn sàng ứng phó nếu dịch bệnh xảy ra trên diện rộng?
- Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy rằng, nếu tiêm dự phòng mũi sởi thứ nhất lúc trẻ 9 tháng tuổi thì chỉ có 85% trẻ được tiêm vắc xin có đáp ứng miễn dịch. Sau khi tiêm nhắc lại mũi dự phòng sởi thứ 2 lúc trẻ 18 tháng tuổi thì tỷ lệ trẻ có đáp ứng miễn dịch với bệnh sởi lên đến 95%. Như vậy, sẽ có tỷ lệ khoảng 5 - 15% trẻ đã được tiêm ngừa vắc xin sởi vẫn có thể mắc bệnh sởi.
Khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã sẵn sàng đối phó với dịch sởi từ các khâu tiếp nhận bệnh nhân, lọc bệnh tại Phòng khám Nhi đến khâu điều trị nội trú tại khoa. Hiện nay, khoa đang có 3 phòng dành cho bệnh nhiễm nhi, các bệnh nhi mắc bệnh sởi sẽ được chăm sóc và điều trị tại phòng cách ly. Đồng thời, bệnh viện cũng đã cung cấp đầy đủ thuốc, trang bị y tế để điều trị bệnh sởi và các biến chứng của bệnh.
- Xin cảm ơn bác sĩ!
HỒNG THUẬN (thực hiện)