Bác Nghị quyết trừng phạt, Triều Tiên thách thức Mỹ
Ngày 9-3, CHDCND Triều Tiên đã chính thức bác bỏ Nghị quyết trừng phạt mới đây của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc yêu cầu nước này chấm dứt chương trình vũ khí hạt nhân của mình. Tuyên bố của Triều Tiên còn khẳng định bất chấp lệnh trừng phạt quốc tế, nước này sẽ tiếp tục theo đuổi mục tiêu của mình trở thành một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân.
Người dân Triều Tiên biểu tình ủng hộ tuyên bố hủy bỏ hiệp định đình chiến 1950-1953 giữa hai miền Triều Tiên ngày 7-3Hôm thứ Sáu (8-3), Hội đồng Bảo an LHQ đã nhất trí áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Triều Tiên, thông qua Nghị quyết 2094. Theo Nghị quyết này, các quốc gia và cá nhân phải ngừng toàn bộ các giao dịch tài chính liên quan đến chương trình hạt nhân và tên lửa cũng như xuất khẩu vũ khí của Triều Tiên, đồng thời tăng cường giám sát các nhà ngoại giao Triều Tiên.
Nghị quyết trên do Mỹ đệ trình và được 15 nước ủy viên Hội đồng Bảo an thông qua sau vụ thử hạt nhân của Bình Nhưỡng tháng trước. Trung Quốc cũng đồng tình với việc LHQ thực hiện đầy đủ các biện pháp trừng phạt.
“Nghị quyết mới này đã đưa các biện pháp trừng phạt CHDCND Triều Tiên lên ngang hàng với các nghị quyết mà Hội đồng Bảo an đang áp dụng với Iran và đã có những thành công bước đầu”, Reuters dẫn lời một số quan chức phương Tây.
Trong một tuyên bố, người phát ngôn Bộ Ngoại giao CHDCND Triều Tiên nêu rõ, "CHDCND kịch liệt lên án và bác bỏ hoàn toàn Nghị quyết trừng phạt đối với CHDCND Triều Tiên”, coi đây là “một sản phẩm của chính sách thù địch của Mỹ đối với Triều Tiên".
Mỹ cảnh báo Bắc Triều Tiên không nên lặp lại các hành động khiêu khích bởi những việc làm đó sẽ chỉ làm cho Triều Triên trở nên cô lập hơn.
Trước đó, Đặc phái viên Mỹ phụ trách chính sách về Triều Tiên Glyn Davies trong phiên điều trần trước Ủy ban Quan hệ đối ngoại Thượng viện Mỹ ngày 7-3 đã tuyên bố, Mỹ kiên quyết không công nhận Triều Tiên là một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, đồng thời hối thúc nước này cần ngừng các hành động khiêu khích cũng như cải thiện quan hệ với các nước láng giềng.
Ông Glyn Davies cho rằng quan hệ Mỹ-Triều Tiên sẽ không thể cải thiện về bản chất nếu không có những tiến bộ lâu dài trong các mối quan hệ liên Triều cũng như nhân quyền.
Trước chuyến thăm Afghanistan hôm thứ Sáu (8-3), Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cho biết “Mỹ nhận thức rất rõ những gì đang xảy ra” đồng thời tuyên bố “Mỹ và các đồng minh đã chuẩn bị đối phó với bất kỳ mối đe dọa nào”.
Bất chấp cảnh báo của quốc tế, Triều Tiên đã tiến hành vụ thử hạt nhân vào ngày 12-2 vừa qua với quy mô lớn hơn vụ thử trước đó vào năm 2009, đồng thời tuyên bố đã đạt được những tiến bộ trong lĩnh vực vũ khí hạt nhân.
Giới chuyên gia cho rằng việc tuyên bố thành công trong vụ thử hạt nhân vừa qua cùng các đe dọa tấn công Mỹ chỉ là “ý đồ” của Triều Tiên để buộc Washington trở lại bàn đàm phán.
Các chuyên gia tin tưởng rằng phải mất nhiều năm nữa Triều Tiên mới có khả năng năng đe dọa Mỹ bằng vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, theo các chuyên gia này, Triều Tiên có thể tấn công Hàn Quốc hay Nhật Bản bằng tên lửa tầm ngắn và tầm trung của mình.
Triều Tiên cáo buộc Mỹ sử dụng các cuộc tập trận quân sự ở Hàn Quốc như là một bệ phóng cho một cuộc chiến tranh hạt nhân và tuyên bố bỏ Hiệp ước đình chiến giữa hai miền Triều Tiên được ký hồi tháng 7-1953.
Theo VOV