Bác Hồ và cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên
Cách đây 65 năm, ngày 6-1-1946, cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước ta đã diễn ra trong một tình thế hết sức khó khăn, nguy hiểm, “thù trong giặc ngoài”, tình trạng đất nước như “ngàn cân treo sợi tóc”. Chính phủ mới được thành lập còn non trẻ phải đương đầu với ba thứ giặc: giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm, quyết tâm phải giữ lấy chính quyền của nhân dân vừa mới giành được. Vì mất chính quyền là mất tất cả, dân tộc ta sẽ phải trở lại kiếp đời nô lệ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thực hiện quyền bầu cử (Ảnh tư liệu)
Tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, ngày 3-9-1945, một ngày sau khi tuyên bố nước Việt Nam độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai, gái từ 18 tuổi trở lên đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu, nghèo, tôn giáo, dòng giống... Và quy định ngày tiến hành Tổng tuyển cử là 23-12-1945”.
Bác Hồ phát biểu trong một cuộc họp Quốc hội
Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên là một cuộc đấu tranh chính trị, đấu tranh dân tộc hết sức quyết liệt. Đồng thời để mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân và tôn trọng quyền tự do dân chủ của nhân dân, tôn trọng người tài năng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức, để gánh vác công việc nước nhà”. Riêng đối với các phe chống đối Chính phủ ta (bọn Việt cách, Việt quốc...) chúng ta vừa kiên quyết đấu tranh chống lại mọi sự phá hoại chống đối của họ, đồng thời cũng đã cố gắng nhân nhượng, hòa giải nhằm tạo bầu không khí ổn định cho cuộc Tổng tuyển cử. Trước tình hình còn rất nhiều khó khăn và phức tạp đó do vậy, ngày 18-12-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh: hoãn cuộc Tổng tuyển cử đến ngày chủ nhật 6-1-1946. Ngày 5-1-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu. Người nhấn mạnh: “Ngày mai là một ngày sẽ đưa quốc dân ta lên con đường mới mẻ, ngày mai là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình... Ngày mai dân ta sẽ tự do lựa chọn và bầu ra những người xứng đáng thay mặt mình và gánh vác việc nước... Ngày mai, tất cả các bạn cử tri đều phải nhớ đi bầu cử, ngày mai mỗi người đều nên vui vẻ hưởng quyền lợi của một người dân độc lập, tự do”.
Hàn vạn người dân đón mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội tại Hà Nội ngày 5-1-1946 (Ảnh tư liệu)
Ngày 6-1-1946, ngay từ 6 giờ sáng, Hồ Chủ tịch đã xuất hành làm nhiệm vụ công dân của mình ở thùng phiếu số 10 phố Hàng Vôi. Người trình thẻ cử tri, nhận phiếu bầu, ra bàn ngồi ghi rồi gấp phiếu lại ngay ngắn, cẩn thận bỏ vào thùng phiếu. Sau đó, Người đến thăm một số phòng bỏ phiếu ở phố Hàng Bạc, Hàng Gai, Hàng Trống, Thụy Khuê, làng Hồ Khẩu, Ô Đông Mác. Buổi trưa, Người ghé thăm các cháu thiếu nhi đang đi cổ động cho Tổng tuyển cử ở phố Lò Đúc. Quốc hội khóa I đã bầu ra được tổng số đại biểu là 403, gồm 333 đại biểu được bầu chính thức. Bắc bộ có 152 đại biểu, Trung bộ có 108 đại biểu, Nam bộ có 73 đại biểu và đặc thù có 70 đại biểu không thông qua bầu cử. Chủ tịch Hồ Chí Minh được 98,4% số phiếu bầu. Kết quả này là một bằng chứng về khát vọng độc lập, tự chủ của dân tộc ta và uy tín tuyệt đối của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong toàn thể nhân dân Việt Nam. Về thành phần xã hội có trí thức, nông dân, công kỹ nghệ gia, thợ thuyền, buôn bán. Về tuổi tác, từ 18 - 70 tuổi. Thời gian Quốc hội khóa I hoạt động kéo dài đến ngày 15-4-1960. Qua hơn 14 năm đầy thử thách, cam go, Quốc hội đã giành được nhiều thắng lợi to lớn.
Bác Hồ với đại biểu dân tộc ít người
Quốc hội khóa I là một Quốc hội dân tộc thống nhất của cả nước, của sự đoàn kết, chân thành giữa các đảng phái cách mạng yêu nước, các tôn giáo, nhân sĩ, trí thức dưới ngọn cờ độc lập, tự do của Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Thắng lợi của Quốc hội khóa I, Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam mới ra đời khẳng định sự lãnh đạo của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như tinh thần yêu nước của nhân dân ta.
MINH HIỀN (tổng hợp)