Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước: Hành trình ánh sáng và tương lai
(BDO)
Ngày 5-6-1911, tại bến cảng Nhà Rồng, trên con tàu Amiral Tatouche Tréville, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã quyết tâm ra đi thực hiện hoài bão giải phóng nước nhà khỏi ách nô lệ của thực dân, đế quốc. Ảnh tư liệu: TTXVN
Ngôi nhà số 9, ngõ Compoint, Paris, nơi ở của Nguyễn Ái Quốc từ năm 1921 đến năm 1923. Ảnh: T.L
Từ chủ nghĩa yêu nước...
Vào những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, nước ta bị thực dân Pháp thống trị. Không cam chịu nô lệ, nhiều nhà yêu nước như Phan Chu Trinh, Nguyễn Thái Học, Hoàng Hoa Thám, Lương Văn Can... đi tìm đường cứu nước, nhưng kết cục đều thất bại. Sớm thấu hiểu tình cảnh nước mất, nhà tan và nỗi thống khổ của nhân dân, người thanh niên Nguyễn Tất Thành cũng ngưỡng mộ và kính trọng lòng yêu nước, dũng cảm, kiên cường của các bậc tiền bối. Nhưng Người cũng sớm nhận ra rằng con đường do những người đi trước mở ra không phải là hướng đi phù hợp mà cần thiết phải có con đường mới phù hợp với quy luật phát triển của lịch sử để giành lại độc lập, tự do cho dân tộc; phải ra nước ngoài xem nước Pháp và các nước độc lập phát triển như thế nào để trở về giúp đồng bào ta, đất nước ta thoát khỏi cảnh áp bức, nô lệ.
Nung nấu quyết tâm đi tìm đường cứu nước mới, chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành đã đi bộ từ Phan Thiết, vượt qua những khó khăn trở ngại, nhiều khi lả đi vì đói, vì mệt, vì khát để tới Sài Gòn, tìm cơ hội thực hiện ý định của mình. Đến Sài Gòn, Nguyễn Tất Thành nhanh chóng tìm được một trường kỹ thuật do Pháp quản lý, ở đó thủy thủ Việt Nam được dạy về hàng hải, về giao thông vận chuyển hàng… Trong những ngày đó, Người thường xuyên đến bến cảng Nhà Rồng và hình ảnh những chiếc tàu neo bến gợi trong lòng Người bao suy nghĩ.
Và ngày 5-6-1911, trên con tàu Amiral Latouche Tréville từ bến cảng Nhà Rồng, tự giới thiệu là Văn Ba xin làm phụ bếp, Nguyễn Tất Thành đã rời Tổ quốc, bắt đầu cuộc hành trình 30 năm tìm con đường giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước. Vào thời điểm đó, không ai biết rằng vận mệnh của dân tộc Việt Nam đã gắn liền với quyết định ra đi của một con người mà lịch sử đã chứng tỏ là sáng suốt phi thường. Khi rời bến cảng Nhà Rồng ra đi tìm một con đường mới cho cuộc đấu tranh giành độc lập cho dân tộc, Người đã nung nấu một quyết tâm cháy bỏng: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu”.
Trong vòng 10 năm, từ năm 1911-1920, Người đã tận dụng mọi cơ hội để được đến nhiều nơi trên thế giới. Bàn chân của Người đã từng in dấu qua gần 30 nước thuộc các đại lục Âu, Á, Phi, Mỹ. Đặc biệt, Người đã dừng chân khảo sát khá lâu ở 3 nước đế quốc lớn nhất thời đó là Mỹ, Anh và Pháp. Với những chuyến đi, Người tranh thủ mọi thời cơ để học hỏi, nghiên cứu các học thuyết cách mạng, hòa mình vào thực tiễn đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động ở các nước tư bản và thuộc địa, từ đó Người đã bổ sung được cho mình những kiến thức vô cùng phong phú với một tầm nhìn hết sức rộng lớn và bao quát.
… Đến chủ nghĩa Mác - Lênin
Từ hành trình qua các châu lục của mình, Người rút ra kết luận là chủ nghĩa đế quốc, thực dân là cội nguồn của mọi đau khổ cho giai cấp công nhân và nhân dân ở các nước chính quốc cũng như thuộc địa. Cũng từ đấy, Người đã tìm đến chủ nghĩa Mác - Lênin, tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp cuối năm 1920 và xác định con đường cứu nước, con đường giải phóng dân tộc đúng đắn: “Chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”. Từ năm 1921-1930, Nguyễn Ái Quốc ra sức truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, chuẩn bị về lý luận cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Với tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” và “Đường Kách mệnh”, đặc biệt là việc xuất bản tờ báo Thanh niên ra ngày 21-6-1925, Người đã chuẩn bị về đường lối chính trị để tiến tới thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trong thời gian này, Người cũng tập trung cho việc chuẩn bị về tổ chức và cán bộ, lập ra Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (1925), tổ chức nhiều lớp đào tạo cán bộ và gửi đi học ở Liên Xô... Khi điều kiện thành lập Đảng đã chín muồi, ngày 3-2-1930, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc tại Hương Cảng (Trung Quốc), Hội nghị hợp nhất 3 tổ chức cộng sản đã nhất trí thành lập một đảng thống nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản có ý nghĩa như là một Đại hội thành lập Đảng. Sự ra đời của Đảng là sản phẩm của sự kết hợp chủ nghĩa Mác - Lênin, phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã đánh dấu một bước ngoặt vĩ đại trong cách mạng Việt Nam, chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối chính trị, về con đường cứu nước, cứu dân, thống nhất đất nước, thoát khỏi ách áp bức của thực dân, phong kiến, thoát khỏi bần cùng, lạc hậu.
Mùa xuân năm 1941, sau hơn 30 năm bôn ba nước ngoài, Người về nước trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Ngày 19-5-1941, giữa vùng núi rừng Pắc Pó, theo sáng kiến của Người, Mặt trận Việt Minh ra đời giữa lúc nhân dân Việt Nam đang rên xiết trong cảnh một cổ hai tròng, vận mệnh dân tộc đang trong cảnh nước sôi lửa bỏng. Sự thành lập và hoạt động của Việt Minh đã trở thành nhân tố cơ bản quyết định thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945.
Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 2-9-1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời - nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, đánh dấu một mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam; chứng minh sự lãnh đạo tài tình, đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập, rèn luyện. Đi theo con đường cách mạng do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc lựa chọn, cách mạng Việt Nam đã đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác...
Từ Sài Gòn, Người đã ra đi “tìm hình của nước” và để 64 năm sau, chính nơi đây chứng kiến thắng lợi lịch sử của nhân dân ta trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Bằng đại thắng mùa xuân năm 1975 với đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, nhân dân ta đã hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, thu non sông về một mối.
Dù thời gian đã lùi xa hơn một thế kỷ, nhưng sự kiện Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước 108 năm trước đây vẫn mãi là tấm gương sáng ngời tinh thần yêu nước, ý chí cách mạng, sẵn sàng hiến dâng cả cuộc đời mình cho đất nước, cho nhân dân.
THÀNH SƠN (tổng hợp)