Bác Hồ - một tình yêu bao la… - Bài 5

Thứ sáu, ngày 15/05/2015

(BDO) Bài 5 : Tháng năm về thăm quê Người

Tháng năm cả nước đang bước vào kỷ niệm những ngày lễ lớn. Âm vang của mùa xuân đại thắng năm nay diễn ra như ngày hội của non sông, càng làm cho nhân dân thêm tự hào về truyền thống hào hùng bất khuất của dân tộc. Tháng năm, trên quê Bác Hồ cờ đỏ tung bay, mọi người đang hội tụ về mảnh đất thiêng để kỷ niệm sinh nhật Người. Chúng tôi, những người con từ miền Nam, trong những lần đi công tác đã đến thăm quê Bác mà lòng bồi hồi như người xa quê lâu ngày đang trở về mái nhà chung đầy thân thương, trìu mến.

 

Hàng ngày luôn có đông đảo người dân về thăm căn nhà thuở thiếu thời của Bác để được tìm hiểu về cội nguồn tuổi thơ của Người Ảnh: T.SƠN 

Đất anh hùng Huyện Nam Đàn nằm ở hạ lưu sông Lam, là một vùng đất bán sơn địa, nằm gọn giữa hai dãy núi lớn nổi tiếng về cảnh đẹp và sự linh thiêng, đó là núi Đại Huệ ở phía Bắc và Thiên Nhẫn ở phía Nam; ở giữa là sông Lam vừa thơ mộng, vừa dữ dội chảy qua. Cũng giống như các tỉnh miền Trung khác, khí hậu Nam Đàn khá khắc nghiệt, nắng lắm, mưa nhiều: Hè đến gió Lào như thổi lửa/ Thu qua mưa phùn lấm tấm sa/ Tháng mười sông còn tràn lũ/ Mồng chín tháng chín cúc chưa ra hoa… (Bùi Huy Bích). Thiên nhiên sơn thủy hữu tình cộng với vùng đất khắc nghiệt đã hun đúc con người nơi đây ý chí quật cường, tính cách mạnh mẽ, cứng cỏi. Suốt chiều dài của lịch sử dân tộc, vùng đất Nam Đàn đã gắn liền với tên tuổi của nhiều nhân vật kiệt xuất. Trên những ngọn núi nơi đây đều có các sự tích về truyền thống đánh giặc giữ nước của cha ông. Ở xã Nam Lộc có ngọn Quải Bái Sơn, nơi thờ Trần Khánh Dư, núi Động Trụ, nơi có di tích về căn cứ địa của nghĩa quân Lam Sơn trong cuộc chiến trường kỳ chống giặc Minh xâm lược. Phía trên bến Sa Nam có núi Đụn Sơn soi bóng xuống dòng sông Lam - là ngọn núi linh thiêng. Nơi đây là đại bản doanh và là kinh đô triều Mai Hắc Đế. Hiện nay, trên ngọn núi này có đền thờ vua Mai và các nghĩa sĩ, ngày đêm nghi ngút khói hương tưởng nhớ của muôn đời con cháu… Đến với vùng đất xứ Nghệ, núi thì linh thiêng, sông thì hùng vĩ, người xứ Nghệ bao đời nay tự hào về mảnh đất “giang sơn chung tú khí” của mình. Sử sách cũng hết lời ca ngợi vùng đất văn vật này. Sách Đại Nam nhất thống chí viết: “… huyện Nam Đường võ nhân đã nhiều mà khí tập cũng thiên về mặt cương cường, quả cảm…”. Không biết từ bao giờ, trên mảnh đất linh thiêng này đã có câu sấm truyền đại ý rằng: “... Nam Đàn sinh thánh…”. Thế rồi, đầu thế kỷ 19, tại vùng đất này đã sinh ra một người mà sau này đã trở thành một huyền thoại có thật. Người chính là Nguyễn Sinh Cung - Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu của dân tộc Việt Nam. Đầu thế kỷ 20, khi chia tay bạn hữu để qua Nhật theo phong trào Đông Du, nhà chí sĩ Phan Bội Châu đã giải lời sấm trên cho bạn bè rằng: Ông thánh Nam Đàn ứng với câu sấm đó chính là Nguyễn Ái Quốc. Sau này, có một vị học giả phương Tây khi đến thăm quê Bác, đứng trên đỉnh núi Chung nhìn xuống đã thốt lên: “Quả là đến đây mới hiểu, Hồ Chí Minh chỉ có thể sinh ra trên mảnh đất này”. Thăm ngôi nhà nơi sinh Bác Hồ Từ TP.Vinh đi khoảng 14km, chúng tôi đến thăm quê ngoại Bác Hồ thuộc làng Hoàng Trù, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn. Trời tháng năm nắng chói chang nhưng dòng người từ khắp mọi miền vẫn nườm nượp về đây viếng Bác. Trong căn nhà - nơi sinh Hồ Chủ tịch hiện vẫn còn lưu giữ các kỷ vật của gia đình như chiếc võng, khung dệt… Gịọng cô hướng dẫn viên vang lên đầm ấm khi nói về căn nhà nơi Bác chào đời: Đó là một sáng bình minh năm Canh Dần (1890), khi mặt trời bắt đầu hắt những tia sáng đầu tiên làm rực đỏ chân trời phía dãy núi Đại Huệ và khi mùi sen thơm ngát từ bàu sen ùa về, người con thứ ba của cụ Nguyễn Sinh Sắc, Nguyễn Sinh Cung cất tiếng khóc chào đời. Trong căn nhà, bên chiếc giường nhỏ là cái rương gỗ - món quà hồi môn mà bà ngoại cho bà Hoàng Thị Loan ngày đi lấy chồng. Rương là nơi gia đình dùng đựng gạo và các vật dụng quý. Tuổi thơ, Nguyễn Sinh Cung đã men theo chiếc rương này để chập chững tập đi những bước đầu tiên trong cuộc đời. Nối dài những bước đi ấy, Nguyễn Sinh Cung đã trở thành Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh, làm rạng rỡ non sông đất nước ta. Bằng chất giọng truyền cảm, âm thanh đầm ấm, cô hướng dẫn viên say sưa nói về tuổi thơ của Bác Hồ. Xung quanh cô là những khuôn mặt trầm ngâm và ánh mắt long lanh, ngấn lệ vì xúc động. Chúng tôi để ý, ở gian nhà thứ ba có một khung dệt vải của mẹ Bác - bà Hoàng Thị Loan. Đêm đêm, sau khi lo cơm nước cho chồng con, bà Hoàng Thị Loan lại ngồi vào khung cửi miệt mài dệt vải. Tiếng thoi đưa lách cách và giọng hát ru của người mẹ lại cất lên bên đàn con: À ơi! Làm trai cho đáng nên trai/ Xuống Đông, Đông tĩnh, lên Đoài, Đoài yên/ Làm người đói sạch, rách thơm/ Công danh phủi nhẹ, nước non phải đền… Có lẽ những câu ca đã nuôi lớn tâm hồn Nguyễn Sinh Cung, như một nền tảng văn hóa để sau này Người tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại. Những lời hát ru thời thơ ấu, tình cảm gia đình, quê hương, của người mẹ hiền đã là một mạch nguồn luôn tồn tại trong con người Bác. Nhớ ngày hoạt động ở Thái Lan năm 1929, một đêm nghe bà mẹ Việt kiều ru con, Bác lại nhớ tới lời ru của mẹ bên cánh võng ở làng Hoàng Trù năm xưa, Bác bùi ngùi: Xa nhà chốc mấy mươi năm/ Đêm qua nghe tiếng mẹ hiền ru con… Năm 1961, sau hơn 50 năm xa cách, Bác Hồ đã về thăm lại ngôi nhà nơi Người cất tiếng khóc chào đời và sống những năm đầu tuổi ấu thơ. Khi bước vào căn nhà, Bác vô cùng xúc động, bùi ngùi nhìn chiếc giường thấp nơi người mẹ thân yêu thường ôm Bác vào lòng, ru Bác ngủ bằng những làn điệu dân ca quen thuộc. Rồi Bác nói: Các cô, các chú khéo giữ thật, chiếc rương của mẹ ngày xưa nay vẫn còn… Sau đó, Bác ra ngồi xổm trước thềm nhà thân mật nói chuyện với bà con. Chiều ở xứ Nghệ, hoàng hôn đang khuất dần sau những dãy núi, hơi nóng của cái nắng đầu mùa đang dần tan. Chúng tôi tạm biệt quê hương Bác Hồ mà trong lòng ai cũng bồi hồi lưu luyến…

Giọng cô hướng dẫn viên vang lên đầm ấm khi nói về căn nhà nơi Bác chào đời: Đó là một sáng bình minh năm Canh Dần (1890), khi mặt trời bắt đầu hắt những tia sáng đầu tiên làm rực đỏ chân trời phía dãy núi Đại Huệ và khi mùi sen thơm ngát từ bàu sen ùa về, người con thứ ba của cụ Nguyễn Sinh Sắc, Nguyễn Sinh Cung cất tiếng khóc chào đời. Trong căn nhà, bên chiếc giường nhỏ là cái rương gỗ - món quà hồi môn mà bà ngoại cho bà Hoàng Thị Loan ngày đi lấy chồng. Rương là nơi gia đình dùng đựng gạo và các vật dụng quý. Tuổi thơ, Nguyễn Sinh Cung đã men theo chiếc rương này để chập chững tập đi những bước đầu tiên trong cuộc đời. Nối dài những bước đi ấy, Nguyễn Sinh Cung đã trở thành Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh, làm rạng rỡ non sông đất nước ta.

 

Bài 6: Người mẹ của một thiên tài

 

KIẾN GIANG

 

Từ khóa: