“Ba viết kịch bản, con làm đạo diễn”

Thứ năm, ngày 13/05/2010

Đã nhiều đổi thay kể từ ngày Nguyễn Quang Dũng ra mắt bộ phim đầu tay Con gà trống, kịch bản của chính cha mình, nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Gặp họ nhân sinh nhật 80 của nhà văn Nguyễn Quang Sáng, thấy ông vẫn sung mãn, nói cười sảng khoái. Ông kể về cậu con trai với vẻ ấm áp và hạnh phúc…

 

Cha: “Sáng là Sáng, Dũng là Dũng”

 

Thời thơ ấu, Dũng học rất dở, lâu lâu ông bị cô giáo dạy văn của Dũng kêu lên “mắng vốn”, cô than: “Cha là nhà văn, mà con học văn dở ẹc!” Ông chẳng buồn, vì thấy con trai lâu lâu lại… có thơ đăng báo. Nhưng bị kêu lên đến lần thứ tư thì ông bực quá, đành nói với cô giáo, giọng rất nhẹ nhàng: “Có lẽ cách đánh giá của nhà trường bị trật, nhất là với môn văn. Nếu cô giáo chỉ muốn học trò làm theo ý cô thì đâu phải là phương pháp sư phạm đúng?”

 

Từ bé Dũng được ngủ với cha, hai cha con trò chuyện với nhau về đủ chuyện trên đời. Ngôi nhà nhỏ ở đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa thường sáng đèn rất khuya, vì cậu bé rất ham đọc sách, đặc biệt là đọc thơ. Biết con mê âm nhạc, dù thiếu thốn ông cũng dành dụm mời cô dạy đàn đến nhà tập piano và organ cho Dũng. Ông kể: “Mười sáu tuổi Dũng đã có một album nhạc đầu tay, mà lại dám lấy thơ của ông Văn Cao ra phổ mới sợ chứ. Nhưng đến khi con định phổ tiếp thơ Tản Đà thì tôi ngăn, vì sợ con còn quá nhỏ, không thể hiểu hết ý thơ… Sau này tôi có tiếc. Nó cũng giống mình hồi trẻ, điếc không sợ súng, muốn viết là viết thôi. Giá như hồi đó cứ để con làm, hay dở đâu cần thiết, miễn là nó được thoả sức. Giờ nghĩ lại thấy mình kỳ quá. Hồi nhỏ, ban đêm, hai cha con thường nói chuyện, nhưng càng lớn Dũng càng ít nói… Dường như đàn ông với nhau, chỉ cần nhìn nhau là hiểu, mà sống là được rồi”.

 

Thực ra ông viết kịch bản Con gà trống theo đơn đặt hàng của NSND Phạm Khắc, nguyên giám đốc đài Truyền hình TP.HCM. Nhưng do công việc quá bận bịu, ông Khắc lần lữa hoài, cuối cùng ông Nguyễn Hồ, giám đốc TFS lúc đó trao cho Dũng. Làm phim chiến tranh, nhân vật chính là con gà và cậu bé, nhưng Dũng đã thổi một không khí mới mẻ và hồn nhiên vào những khốc liệt của chiến tranh. Phim có những chi tiết đáng nhớ như con gà trống mình đầy thương tích, lông cháy sém, nhảy lên mỏm đá vươn cao cổ, nhưng vết khâu làm nó không gáy được… Nó vẫn vươn cao mãi, thật cao, rồi một tia máu vọt ra, con gà trống cất tiếng gáy vang… Nói về con đường làm phim của con trai, nhà văn tâm sự: “Với Con gà trống, tôi chẳng giúp gì con ngoài việc chỉ cho nó chỗ để quay. Dũng là một đứa rất độc lập. Sau này nó đi sang một hướng hoàn toàn khác. Nếu tôi sáng tác dựa trên những chuyện có thật, thì nó làm phim giả tưởng, phim ca nhạc. Nhiều người bảo tôi thằng này quá khác biệt, anh có lo lắng nhiều cho hạnh phúc của nó không? Càng khác biệt thì càng tốt chứ sao. Cha mẹ nào không muốn con mình hạnh phúc, thôi thì cứ làm, cứ sống, miễn Sáng là Sáng, Dũng là Dũng được rồi”.

 

Con: “Mỗi khi về nhà, tôi luôn thấy bình yên”

 

 

Cha tôi đã nuôi sống cả gia đình bằng nghề viết. Ông có khả năng tồn tại, thích ứng rất cao, gần gũi với mọi người.

 

 

 

Lúc nhỏ, đi đâu Dũng cũng được cha xách theo, vì má bệnh hoài nên cha phải giữ con. Nhờ cha “ham chơi” nên cậu được đi nhiều, được quan sát cuộc sống, đến những nơi sang trọng nhất và la cà ở những nơi bình dân nhất, gặp gỡ đủ mọi loại người… Biết bao chuyện thú vị, cách nhìn cuộc sống từ cha toả dần sang con. Bạn bè thân thiết của cha toàn là người hay cả, như ông Nguyễn Quân, bác Văn Cao, Trịnh Công Sơn… Khi Sài Gòn mới giải phóng, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn phải gửi bớt một số bản thảo, những trang viết của ông sang nhà ông Sáng, vì sợ bị đốt mất. Nhờ vậy mà Dũng được thấm ca từ và nhạc Trịnh từ rất sớm.

 

Hồi Dũng bị học lại lớp chín, chán học quá Dũng định nghỉ luôn, về nhà tưởng sẽ bị cha la dữ dội. Trái lại, ông kêu con ra quán nói chuyện một cách “sòng phẳng”. Ông hỏi thực sự con muốn học hay muốn làm gì khác? Dũng nói: “Con thích học điện ảnh, để được đi đây đi đó”. Dũng rất vui khi cha nói với mình: “Mai mốt ba viết kịch bản, con làm đạo diễn”. Sau buổi nói chuyện đó Dũng quyết định trở lại trường. Tưởng cha con nói chơi vậy thôi, không ngờ khi Dũng thi xong lớp 12, ông già nhắc lại: “Tại sao con không học đạo diễn?”.

 

Hỏi Dũng ảnh hưởng lớn nhất từ cha là gì, anh trầm tư: “Đó là bản lĩnh sống. Cha tôi đã nuôi sống cả gia đình bằng nghề viết. Ông có khả năng tồn tại, thích ứng rất cao, gần gũi với mọi người. Thẳng tính, ào ào, rất Nam bộ, nhưng với con ông rất tôn trọng, cũng rất nghiêm khắc. Chính nhờ cha mà tôi không ngại nói bất cứ điều gì mình nghĩ, dù nó có trái chiều, có gây sốc”.

 

Mang biệt danh “Dũng khùng”, nhưng anh chỉ “khùng” trong công việc, còn ngoài đời, Dũng sống chân thành, lặng lẽ. Điều anh lo nhất bây giờ là sức khoẻ cha. Anh tâm sự: “Có tiền là mình giúi cho cha đi uống rượu với bạn bè. Nhiều người khuyên cha bớt uống rượu, hút thuốc, nhưng với cha, ở tuổi này, sống thoải mái là quan trọng nhất. Và cha bao giờ cũng biết dừng ở ly cuối cùng… Nếu không cho ông rong chơi bạn bè, có khi ông còn bệnh thêm nữa! Ông luôn ý thức về cái tôi trong nghệ thuật của mình, và trách nhiệm với gia đình. Nên mỗi khi trở về nhà, tôi luôn thấy bình yên” .

 

THEO SGTT