Bà Trương Thị Bích Hạnh, Ủy viên Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy: Chương trình Tôi yêu Bình Dương góp phần bảo tồn và phát huy giá trị cốt lõi của đất và người Bình Dương
(BDO) Chương trình Tôi yêu Bình Dương do báo Bình Dương tổ chức thực hiện sau khi ra mắt tập đầu tiên đã thu hút sự quan tâm của đông đảo độc giả trong và ngoài tỉnh. Nhân dịp này, Báo Bình Dương đã có buổi phỏng vấn bà Trương Thị Bích Hạnh, Ủy viên Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy xung quanh nội dung này nhằm giúp chương trình hoàn thiện hơn và lan tỏa nhiều hơn.
PV: Xin bà cho biết về nội dung số đầu tiên Chương trình Tôi yêu Bình Dương do báo Bình Dương thực hiện như thế nào ạ?
Bà Trương Thị Bích Hạnh: Tôi rất hào hứng khi xem những số đầu tiên của chương trình Tôi yêu Bình Dương do Báo Bình Dương thực hiện. Tôi thấy Báo Bình Dương đã dành nhiều tâm huyết để thực hiện chương trình này. Bình Dương còn rất nhiều điều thú vị, cần được quảng bá giới thiệu nhiều hơn đến với mọi người. Những số đầu tiên ra mắt cho thấy sự có sự đầu tư công phu về mặt nội dung cũng như hình ảnh, đây chính là tâm tư, tình cảm mà Báo Bình Dương muốn gửi gắm đến với độc giả của mình, qua đó không chỉ giới thiệu mà còn đọng lại trong lòng độc giả những hình ảnh khó quên về một vùng đất Bình Dương có bề dày lịch sử, rất đỗi thân thương, nghĩa tình.
PV: Thưa bà, chương trình Tôi yêu Bình Dương sẽ đóng góp gì cho việc bảo tồn và lưu giữ những giá trị truyền thống?
Bà Trương Thị Bích Hạnh: Bình Dương, tỉnh có tốc độ đô thị hoá, công nghiệp hoá nhanh, tuy vậy chúng ta vẫn còn lưu giữ lại được những truyền thống tốt đẹp, bản sắc văn hoá đặc trưng của người Bình Dương nói riêng và đất Đông Nam Bộ nói chung. Chương trình Tôi yêu Bình Dương do báo Bình Dương thực hiện sẽ góp phần tích cực vào việc bảo tồn những giá trị văn hoá cốt lõi, gìn giữ cho thế hệ mai sau. Những giá trị văn hoá-lịch sử liên quan tới Đất và người Bình Dương không những cần được bảo tồn, mà còn cần phải phát huy hết giá trị, góp phần đưa tỉnh nhà phát triển mạnh mẽ không những về kinh tế mà còn về văn hóa.
PV: Bà có thể chia sẻ và góp ý thêm cho chương trình Tôi yêu Bình Dương để ngày một hoàn thiện hơn,?
Bà Trương Thị Bích Hạnh: Tôi được biết chương trình Tôi yêu Bình Dương của báo Bình Dương sẽ giới thiệu đến với độc giả những danh lam thắng cảnh, địa danh lịch sử về các lễ hội dân gian vẫn còn lưu truyền cho tới nay, những nét văn hóa của vùng đất và con người Bình Dương. Đây là chương trình rất có ý nghĩa vì vậy cần được đầu tư, trau chuốt thêm, tinh tế ở hơn, chân thực, gần gũi và chạm vào cảm xúc của khán giả… Ngoài các kênh của Báo Bình Dương, tôi mong Báo Bình Dương và các ngành trong tỉnh cần có sự phối hợp để xây dựng, giới thiệu các chương trình phù hợp nhằm giáo dục lịch sử địa phương, những địa chỉ đỏ cho học sinh, giáo dục truyền thống của Đoàn Thanh niên…
PV: Thưa bà, để quảng bá những tinh hoa văn hóa của Đất và người Bình Dương đến với công chúng gần xa, chương trình Tôi yêu Bình Dương cần đáp ứng thêm những yêu cầu gì?
Bà Trương Thị Bích Hạnh: Mọi người biết tới Bình Dương là địa phương thuộc top đầu cả nước về phát triển công nghiệp và qui mô của nền kinh tế. Tuy vậy, Bình Dương vẫn còn nhiều dư địa về văn hoá-lịch sử chưa được khai thác hết tiềm năng giá trị. Yếu tố văn hoá cũng là thành phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế-xã hội.
Tôi cho rằng nếu nội dung phong phú hơn, đa dạng hơn sẽ góp phần tích cực vào việc tuyên truyền Đất và người Bình Dương. Ngoài những công trình kiến trúc có từ xa xưa, chương trình cũng cần giới thiệu những thành tựu về kinh tế- văn hoá-xã hội mà tỉnh nhà đạt được trong nhiều năm qua.
Tôi mong Báo Bình Dương tiếp tục cố gắng khai thác thêm các chủ đề về giao lưu văn hóa, thông qua đó thu hút và hợp tác đầu tư nước ngoài, sự đa dạng về văn hóa vùng, miền trong công nhân lao động đến Bình Dương làm việc để đưa chương trình Tôi yêu Bình Dương trở thành món ăn tinh thần của người dân, nhà đầu tư vào mỗi cuối tuần.
Tôi mong muốn chương trình có thêm ngôn ngữ nước ngoài để chương trình lan tỏa rộng hơn, trở thành một sản phẩm thông tin đối ngoại, góp phần quảng bá về lịch sử, văn hóa và tiềm năng, lợi thế của Bình Dương đến bạn bè, đối tác quốc tế.
Tôi mong rằng ê kíp chương trình Tôi yêu Bình Dương tiếp tục phát huy tinh thần sáng tạo, đa dạng nội dung, đi vào từng ngóc ngách của đời sống kinh tế, đời sống văn hoá-xã hội. Chương trình phải có sự kết nối giữa truyền thống-kế thừa và phát triển, làm sao để mọi người khi xem chương trình càng cảm thấy hiểu và yêu mến Bình Dương nhiều hơn./.
Xin cám ơn bà!
Phùng Hiếu-Hải Đăng (thực hiện)