BA TÔI…
Có thể với nhiều người thì bằng Đại học không là gì cả, nhưng với 8 anh em tôi lại vô cùng quý giá vì đó là cả tấm lòng, là sự cố gắng, là lòng quyết tâm của một người cha ít học, rất nghèo mà lại bị thương tật nữa. Cứ mỗi lần về thăm nhà, nắm lấy bàn tay mà vết thương sâu đã thành lằn sẹo dài nhức nhối là tôi lại nghẹn ngào xúc động và tôi luôn tự nhủ là phải sống thật tốt, phải cố gắng thật nhiều trong công việc để xứng đáng là con của Ba. Tôi rất muốn nói về Ba mình, kể câu chuyện cuộc đời của Ba, nhưng tôi không biết nên bắt đầu từ đâu…
Tuy Ba tôi có phần nghiêm khắc nhưng gia đình tôi vẫn hạnh phúc vì Ba tôi không hút thuốc, không cờ bạc cũng không rượu chè. Và điều làm anh em tôi tự hào nhất là cách sống của Ba. Ba tuy học ít nhưng lại hiểu nhiều. Đó là vì Ba luôn học hỏi ngoài đời, đặc biệt là Ba rất thích đọc sách. Những lúc không thể làm việc được (bị bệnh hay tai nạn) thì Ba lại tranh thủ đọc sách. Với Ba, sách vừa để giải trí vừa là thầy dạy học của Ba. Ba thường nói với anh em tôi rằng Ba vào đời bằng hai bàn tay trắng, một đồng không có, một chữ cũng không (bằng cấp không có) nhưng Ba không bị vấp ngã và ít phạm sai lầm là nhờ Ba đã đọc nhiều… Cuộc sống hối hả, thời gian qua mau có thể làm mình quên nhiều thứ, tuy nhiên có những kỷ niệm những lời khuyên luôn khắc sâu trong tâm mình.
Tôi còn nhớ rõ, năm đó tôi đang là sinh viên năm nhất trường Đại học Y khoa Huế, anh Hai tôi thì học Bách khoa Sài gòn, phía sau tôi còn 6 đứa em nhỏ. Lần đầu tiên phải xa gia đình một thời gian dài, được nghỉ tết, tôi vui mừng chạy vội ra bến xe mua vé để được về nhà sớm lúc nào hay lúc đó. Tôi về đến nhà trời chưa sáng, các em tôi tíu tít chạy ra mở cổng. Tôi vui mừng ôm đứa này, ẵm đứa kia, hôn đứa nọ mà quên khuấy rằng lúc ngồi trên xe tôi đã tưởng tượng và tin chắc Ba sẽ là người ra mở cổng đón tôi.
Ôm hôn các em xong tôi chạy ngay vào buồng nắm tay mẹ rối rít: Mẹ có khỏe không? Tay mẹ còn nứt nẻ không? Chân mẹ đã hết nhức chưa? Mẹ tôi vừa đưa tay về phía giường Ba tôi đang nằm vừa trả lời: “Mẹ không sao, con qua với Ba đi”. Lúc này tôi mới sực nhớ là nãy giờ không thấy Ba. Tôi vội quay qua phía Ba. Trời ơi, tôi gần như quỵ xuống chân giường: chân Ba tôi băng bột trắng xóa từ đầu gối tới bàn chân. Mãi tôi mới nén nước mắt mà hỏi: “Ba ơi, sao lại vậy hả Ba?”. Ba vừa mỉm cười vừa vuốt tóc tôi rồi nhẹ nhàng nói, không sao đâu con, Ba thấy khỏe nhiều hơn rồi. Hôm sau anh Hai về, cũng bàng hoàng cũng thảng thốt hệt như tôi. Vì dù bị thương nặng như vậy, Ba vẫn nhất quyết không cho anh em tôi hay. Người sợ anh em tôi vì nóng ruột mà bỏ học trở về. Ba tôi là vậy đó, bao giờ Ba cũng đặt việc học của anh em tôi lên ưu tiên hàng đầu.
Từ trước tới giờ, Ba làm nghề sửa máy may, máy thêu, mài kéo, tiện tặn cũng đủ trang trải cuộc sống ngày thường. Nhưng khi hai anh em tôi vào đại học, các em tôi mỗi ngày mỗi lớn, việc ăn, học, chi tiêu ngày mỗi tăng. Mẹ tôi hay đau yếu, nội việc cơm nước, giặt giũ, chăm lo việc học của mấy anh em tôi cũng đã là quá sức mẹ, làm sao có thể phụ Ba trong việc làm kiếm tiền. Vì vậy Ba quyết định ngày làm ở xưởng cưa, tối về nhà sửa máy, không được mấy tháng thì tai nạn xảy ra. Chân chưa lành, Ba đã phải ngồi vào bàn để sửa máy với sự phụ giúp của đứa em kế tôi.
Chân Ba vừa bỏ nạng chưa được bao lâu thì tai nạn nữa lại tới. Lần này là cánh tay phải. Ai cũng nghĩ là Ba sẽ mất đi bàn tay phải nhưng Ba đã rất bình tĩnh nhờ các bác sĩ cố gắng cứu chữa giúp vì bàn tay Ba là sự sống của cả gia đình. Các bác sĩ đã chữa cho Ba từ hồi bị thương ở chân, giờ lại là cánh tay, ai cũng quý Ba vì lòng can đảm và sự chịu đựng. Nhất là khi biết hoàn cảnh gia đình tôi, các bác sĩ đã tận tâm tận lực làm hết sức mình cố gắng giữ lại bàn tay cho Ba.
Các bạn của Ba tới thăm, bao giờ Ba cũng tỏ ra lạc quan và vui vẻ, Ba nói: “Chắc Trời Phật thương, thấy tôi ham làm quá nên tạo cơ hội cho tôi nghỉ ngơi và có thời gian đọc sách”. Sau đó Ba nói với anh em tôi rằng bạn bè bỏ thời gian tới thăm mình là rất quý, vì ai cũng có công việc có nỗi lo riêng, nếu mình tỏ ra chán nản hoặc than van chỉ làm cho họ thêm buồn lòng. Bình thường Ba luôn đối xử tốt với mọi người nên khi Ba gặp hoạn nạn, cũng có chú bác ngỏ ý giúp đỡ Ba một khoản tiền, Ba vui vẻ cảm ơn nhưng không nhận. Mặc dù gia đình tôi lúc đó rất khó khăn, có hôm đứa em của tôi đã khóc khi đem cơm vô giường bệnh cho Ba mà chỉ có cơm với chén nước mắm. Biết anh em tôi rất ngạc nhiên về điều này nên Ba đã nói: “Ba cũng rất đau lòng trước hoàn cảnh này, nhưng các con có biết các bạn của Ba đâu khá giả gì. Nếu cho thì Ba cũng không thể nhận, còn mượn thì lúc họ cần mình lấy đâu để trả. Mà ở đời chữ tín là rất quan trọng”. Rồi Ba cười và kể bà nội các con thường nói: “Ăn cơm thịt bò thì lo ngay ngáy, ăn cơm cáy thì ngáy pho pho”. Mà thật vậy, nếu không giữ được chữ tín thì làm sao Ba có thể mấy chục năm làm nghề tại nhà, không có bảng hiệu mà vẫn được mọi người tin tưởng.
Ba ơi, Ba có vui không, khi biết chính cách sống, cách nghĩ của Ba là những bài học mà con ghi nhớ suốt đời!
Sau tai nạn không ai nghĩ là Ba có thể tiếp tục nghề sửa máy may vì bàn tay phải của Ba đã vĩnh viễn bị thương tật, rất yếu không thể cầm bất cứ vật gì. Vậy mà bằng sự quyết tâm, bằng lòng kiên nhẫn nhưng trên hết có lẽ là tình thương các con vô bờ bến đã giúp Ba chịu đau cố gắng tập luyện để có thể cầm lại đồ nghề, tiếp tục sửa máy, tiếp tục đưa sáu đứa em của tôi vào giảng đường đại học bằng nghị lực, bằng sự cố gắng tuyệt vời của Ba.
Khi Ba bị thương, đứa em trai kế tôi đã có ý định bỏ học thay Ba làm nuôi các em. Người thân và một số bạn cũng vì thương nên khuyên Ba nên để em tôi ở nhà vì dù có cố học, khi ra trường, với hoàn cảnh gia đình mình cũng khó tìm được việc làm. Ba chỉ ậm ừ rồi lảng sang chuyện khác. Nhưng sau đó, vừa nhẹ nhàng vừa cương quyết Ba đã nói với anh em tôi rằng: “Nếu thương Ba thì các con phải tiếp tục học. Ba tin rằng việc học sẽ giúp các con dễ hoàn thiện bản thân để trở thành người tốt. Ba cũng tin là xã hội nào cũng cần người có học. Các con cũng phải hiểu rằng các con học không chỉ vì tương lai của các con mà còn vì Ba nữa”
Kể về Ba thì nhiều, nhiều lắm nhưng trong suốt cuộc đời chắc chắn anh em tôi không bao giờ quên được lời dặn dò của Ba: “Dù làm nghề gì, dù ở trong hoàn cảnh nào các con cũng phải nhớ không được làm gì sai luật pháp, không được làm gì trái với lương tâm”.
Ba ơi, với những dòng chữ này con muốn nói anh em con thương Ba nhiều lắm và chúng con rất hãnh diện được là con của Ba!
Tạ Công Thủy Tiên