Bà Phan Thị Khánh Duyên, Giám đốc Trung tâm khuyến công và tư vấn PTCN Bình Dương: “Cần điều chỉnh, kiện toàn chính sách khuyến công để phù hợp thực tế phát triển công nghiệp!”

Thứ sáu, ngày 26/05/2017

Thời gian vừa qua, công tác khuyến công đã hỗ trợ tích cực đến các doanh nghiệp (DN), cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) trên địa bàn tỉnh. Để hiểu rõ hơn về những thành quả của công tác khuyến công đối với các cơ sở CNNT, cũng như những định hướng và giải pháp trong thời gian tới. Chúng tôi đã có buổi phỏng vấn bà Phan Thị Khánh Duyên, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn PTCN Bình Dương về vấn đề này.

(BDO) Cán bộ làm công tác khuyến công ở TX.Bến Cát tham dự lớp tập huấn về công tác khuyến công  

- Bà có thể cho biết tầm quan trọng của CNNT đối với sự phát triển kinh tế của tỉnh nhà?

- CNNT bao gồm: DN vừa và nhỏ (DNVVN), hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác, hộ kinh doanh thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật. Đây là một trong những khu vực có vai trò quan trọng trong công tác giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển và đóng góp vào ngân sách Nhà nước. Hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 3.855 DNVVN; 123 HTX với 53.281 xã viên, trong đó có 16 HTX hoạt động về tiểu thủ công nghiệp; 254 tổ hợp tác với đa dạng các ngành nghề. Đây được xem là tiền đề và lợi thế rất lớn để Bình Dương phát triển CNNT.

Có thể thấy trong những năm trở lại đây, công nghiệp Bình Dương đã có những bước phát triển vượt bậc, trong đó không thể không ghi nhận vai trò và sự đóng góp của các DN, cơ sở CNNT. Vì trên thực tế, CNNT phát triển đã tạo ra tác động kép: một mặt tạo ra xung lực mới để đưa kinh tế nông thôn phát triển lên một giai đoạn cao hơn, mặt khác tạo ra tiền đề vật chất quan trọng để thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài và hỗ trợ hình thành ngành công nghiệp phụ trợ xung quanh các DN lớn.

- Hiện nay Trung ương và địa phương có các văn bản nào quy định về chính sách phát triển CNNT, thưa bà?

- Hiện nay các quy định về phát triển CNNT, đặc biệt là chính sách khuyến công của Nhà nước, về phía Trung ương, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21-5-2012, quy định về khuyến công; Bộ Công thương ban hành Thông tư 46/2012/TT-BCT ngày 28-12-2012 quy định chi tiết một số nội dung của Nghị định số 45/2012/NĐ- CP; Bộ Tài chính và Bộ Công thương ban hành Thông tư liên tịch số 26/2014/ TTLT-BTC-BCT ngày 18-2-2014 về việc hướng dẫn trình tự lập, quản lý, sử dụng kinh phí khuyến công quốc gia và kinh phí khuyến công địa phương.

Còn tại địa phương: UBND tỉnh ban hành Quyết định 54/2013/QĐ-UBND ngày 31-12-2013 về Quy chế quản lý và sử dụng kinh phí khuyến công trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

- Xin bà cho biết quy định nào đã lạc hậu, không còn sát thực tế trong lĩnh vực khuyến công?

- Một số quy định lạc hậu, không còn sát thực tế trong lĩnh vực khuyến công được coi là nguyên nhân khiến công tác khuyến công của các tỉnh, thành phố phía Nam trong đó có Bình Dương gặp nhiều trở ngại trong quá trình thực hiện, chưa phù hợp với nhu cầu.

Hiện một số quy định trong chính sách khuyến công chưa phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của cơ sở CNNT nên khó mở rộng đối tượng thụ hưởng. Ví dụ, về hỗ trợ máy móc, theo quy định, cơ sở phải mua máy mới 100% nhưng vốn đầu tư lớn, trong khi máy nhập khẩu đã qua sử dụng giá rẻ hơn khoảng 30%, độ chính xác cao, bền, tiêu thụ ít điện năng phù hợp với khả năng tài chính và nhu cầu của cở sở lại không được tính.

Cùng đó, một số nội dung mặc dù được đề cập trong chính sách khuyến công nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể như: Sản xuất sạch hơn, sửa chữa nâng cấp hệ thống xử lý nước thải tại các cơ sở CNNT, liên kết cụm công nghiệp... cũng khiến địa phương lúng túng trong thực hiện.

Hiện khuyến công đang gặp khá nhiều vướng mắc trong triển khai các đề án. Cụ thể, đề án xây dựng mô hình trình diễn, ứng dụng máy móc thiết bị, khi đăng ký kế hoạch yêu cầu phải nêu cụ thể đối tượng thụ hưởng, thông số kỹ thuật của thiết bị dự kiến hỗ trợ. Trong khi thời gian từ đăng ký đến thực hiện quá dài, có thể hơn 1 năm phát sinh nhiều vấn đề, như: Thay đổi đơn vị thụ hưởng, mức đầu tư, thông số kỹ thuật của thiết bị nên phải làm thủ tục xin điều chỉnh đề án. Tuy nhiên, các thủ tục này rất phức tạp không phải đối tượng thụ hưởng nào cũng có thể đáp ứng.

Đề án xây dựng và phát triển thương hiệu, thời gian từ đăng ký đến khi được cấp chứng nhận sở hữu nhãn hiệu kéo dài 9 - 12 tháng khiến việc thanh quyết toán gặp trở ngại vì chứng từ không hợp lệ do không nằm trong năm kế hoạch…

Nhìn chung, sự lạc hậu của một số quy định khiến các địa phương khó tìm kiếm đối tượng thụ hưởng, không phát huy hết được vai trò của chương trình.

- Và bà có đề xuất điều chỉnh các quy định này ra sao?

- Để khắc phục những bất cập trên, Bình Dương đã nhanh chóng xây dựng, hoàn thiện chính sách khuyến công tại địa phương. Tuy nhiên, đó chỉ là nỗ lực của địa phương, để hoạt động khuyến công thực sự thuận lợi trong triển khai đồng thời phát huy được hiệu quả, chương trình khuyến công cần được đổi mới từ hệ thống văn bản chính sách. Trung tâm Khuyến công đã kiến nghị Sở Công thương Bình Dương đề xuất điều chỉnh Thông tư liên tịch số 26/2014/ TTLT-BTC-BCT hướng dẫn trình tự lập, quản lý, sử dụng kinh phí khuyến công quốc gia và kinh phí khuyến công địa phương theo hướng áp dụng nội dung và mức chi hỗ trợ thống nhất giữa Trung ương và địa phương. Điều chỉnh, bổ sung theo hướng mở rộng đối tượng thụ hưởng, tăng mức hỗ trợ cho chương trình khuyến công, sản xuất sạch hơn, xử lý môi trường tại cơ sở CNNT. Cho phép đầu tư, ứng dụng các loại máy móc thiết bị hiện đại đã qua sử dụng nhưng phù hợp với nhu cầu của cơ sở. Nghiên cứu điều chỉnh thời gian hỗ trợ cho các dự án có thời gian đầu tư dài, phụ thuộc vào chứng nhận của ngành khác.

Sở Công thương Bình Dương cũng đề nghị sửa đổi Nghị định số 45/2012/NĐ- CP về khuyến công và Thông tư số 26 cho phù hợp với hoạt động thực tế tại các đơn vị. Cụ thể, với dạng đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến, hiện đại vào sản xuất, đề nghị được lập theo nhóm đối tượng thụ hưởng để chủ động hơn trong công tác xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện. Cần giới thiệu rộng rãi các đề án khuyến công quốc gia điển hình, có hiệu quả cao, được tổ chức thực hiện ở các tỉnh, để các tỉnh, trong đó có Bình Dương học hỏi, nhân rộng mô hình.

- Giải pháp phát triển CNNT ở Bình Dương?

- Để nâng cao vai trò và phát triển CNNT trong thời gian tới, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn PTCN đã và sẽ tổ chức truyên truyền, phổ biến nhân rộng các mô hình CNNT đạt hiệu quả cao trên các kênh thông tin đại chúng, đưa chính sách pháp luật của Nhà nước trong việc hỗ trợ các cơ sở CNNT nhằm tăng cường sự hiểu biết về chính sách cũng như các nội dung của chương trình hoạt động khuyến công thông qua các hoạt động như: Tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo, tuyên truyền trên website của sở, TT, trên Bản tin Công thương hàng tháng và các hình thức khác như tờ rơi, tờ gấp, tờ bướm... Tăng cường hơn nữa trình độ năng lực chuyên môn của đội ngũ làm công tác khuyến công, hướng tới xây dựng mạng lưới cộng tác viên làm công tác khuyến công trên địa bàn tỉnh xuống các cấp huyện và một số xã trọng điểm để nắm bắt và tiếp tận với nhu cầu của các cơ sở CNNT, từ đó có hướng hỗ trợ cụ thể. (Còn tiếp)

Kỳ sau: Tích cực thực hiện giải pháp để doanh nghiệp, tiếp cận, thụ hưởng chính sách khuyến công nhiều hơn!

NHÓM P.V (thực hiện)