Bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh: Kỳ họp sẽ xem xét, thảo luận và thông qua nhiều vấn đề kinh tế - xã hội quan trọng
Sáng nay (16-7), kỳ họp thứ 16 HĐND tỉnh Bình Dương khóa VIII (nhiệm kỳ 2011-2016) chính thức khai mạc. Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh cho biết, đây là kỳ họp thường lệ giữa năm. Chính vì thế, tại kỳ họp này, HĐND tỉnh sẽ thảo luận, xem xét và thông qua nhiều vấn đề kinh tế - xã hội quan trọng. Đặc biệt, trên cơ sở ý kiến của cử tri, kiến nghị của đại biểu, dựkiến tại kỳ họp này, HĐND tỉnh sẽ tiến hành chất vấn đối với 3 lãnh đạo sở bao gồm: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Sở Nội vụ về các vấn đề liên quan.
(BDO)
Thời gian qua, công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực. Trong ảnh: Thực hiện thí điểm mô hình chính quyền, công sở thân thiện, cán bộ công chức Văn phòng UBND phường Phú Cường, TP. Thủ Dầu Một tiếp dân bằng nụ cười công sở. Ảnh: HỒ VĂN
- Thưa bà, tại kỳ họp thường lệ giữa năm rất quan trọng này, HĐND tỉnh sẽ tập trung xem xét, thảo luận những nội dung quan trọng nào?
- Kỳ họp HĐND lần thứ 16 - HĐND tỉnh khóa VIII sẽ diễn ra trong 1 ngày rưỡi (16 và 17-7). Đây là kỳ họp thường lệ giữa năm, nên nội dung trọng tâm của kỳ họp là tập trung vào đánh giá tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội, thực thi pháp luật trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm và đề ra nhiệm vụ, giải pháp thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2015. Tại kỳ họp, HĐND tỉnh đồng thời sẽ tiến hành xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng khác của địa phương để ban hành nghị quyết thực hiện trong năm 2015 và các năm tiếp theo. Đó là các vấn đề về quy định mức chi hỗ trợ khuyến công; chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí cấp giấy phép hoạt động điện lực; chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới; chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho cộng tác viên dân số - kế hoạch gia đình; biên chế sự nghiệp giáo dục - đào tạo và dạy nghề năm học 2015-2016, việc tạm dừng thực hiện Nghị quyết số 03/2013/NQ-HĐND ngày 31-7-2013 của HĐND tỉnh về việc quy định mức thu, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
- Tại kỳ họp, lãnh đạo các sở, ngành nào sẽ trực tiếp đăng đàn trả lời chất vấn, thưa bà?
- Về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, trước kỳ họp, Thường trực HĐND đã phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tổ chức các buổi tiếp xúc với cử tri trong tỉnh. Trên cơ sở tâm tư, nguyện vọng, ý kiến của cử tri và kiến nghị của đại biểu HĐND, tại kỳ họp này, Thường trực HĐND sẽ trình HĐND tỉnh xem xét, quyết định các cơ quan trả lời chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh. Theo dự kiến, lãnh đạo 3 ngành gồm Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Nội vụ sẽ trả lời chất vấn tại kỳ họp lần này.
- Bà có thể cho biết, đối với 3 sở được dự kiến chọn để trả lời chất vấn tại kỳ họp, đâu là những vấn đề “nóng” mà cử tri và đại biểu HĐND tỉnh đặc biệt quan tâm?
- Đối với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vấn đề cử tri và đại biểu HĐND tỉnh quan tâm nhất là thời gian tới, sở có định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi như thế nào cho phù hợp. Bởi thực tế hiện nay, do giá mủ cao su xuống thấp, nhiều nông dân đã bỏ cao su để chạy theo cây trồng khác. Bài toán giữ vườn cao su sẽ được giải quyết ra sao? Công tác tuyên truyền và định hướng trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng như thế nào? Một vấn đề nữa liên quan đến ngành nông nghiệp là hiện nay trên địa bàn tỉnh đã có 4 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Vậy hiện nay, các khu nông nghiệp này được đầu tư như thế nào, hiệu quả ra sao, đâu là những khó khăn khi xây dựng và phát triển các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và định hướng phát triển lâu dài để người dân có thể học tập kinh nghiệm, nhân rộng mô hình…
Đối với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, vấn đề mà cử tri và đại biểu HĐND quan tâm là việc đặt đổi tên đường theo quy định của pháp luật để tạo điều kiện cho nhân dân và cơ quan, đơn vị trong sinh hoạt và giao dịch làm việc; đồng thời gắn với việc giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Được biết UBND tỉnh đã giao cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu thành lập ngân hàng tên đường, phố nhưng đến nay chưa hoàn thành. Thứ 2 là việc tôn tạo, giữ gìn và phát huy các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh gắn với việc phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh để quảng bá hình ảnh của Bình Dương đến với du khách trong và ngoài tỉnh nhằm góp phần phát triển du lịch của tỉnh theo quy hoạch đã được HĐND tỉnh thông qua.
Còn đối với Sở Nội vụ, vấn đề được đại biểu và cử tri đặc biệt quan tâm là công tác cải cách hành chính. Từ khi các cơ quan của tỉnh chuyển vào Trung tâm Hành chính tập trung, cùng với việc thành lập và đi vào hoạt động của Trung tâm Hành chính công, Sở Nội vụ đã có nhiều giải pháp để triển khai thực hiện công tác cải cách hành chính đạt kết quả. Tuy nhiên, trong thực tế, cử tri và đại biểu vẫn còn băn khoăn về tiến độ thực hiện; một bộ phận cán bộ, công chức vẫn còn gây phiền hà người dân, một số thủ tục hành chính vẫn còn rườm rà, mức độ cung cấp dịch vụ công chưa cao và chưa đồng bộ; mô hình chính quyền, công sở thân thiện mới được triển khai bước đầu, giải pháp trong thời gian tới để nâng chất lượng và hiệu quả của công tác cải cách hành chính là vấn đề cử tri và đại biểu rất quan tâm.
- Xin cảm ơn bà!
THU THẢO (thực hiện)