Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ nhiệm HTX Mây tre lá Ba Nhất: Người đưa bèo, cỏ đi Tây
Sinh ra ở đất cằn Bình Định, thời cuộc đã đưa đẩy số phận cô gái nhỏ bé Nguyễn Thị Cúc rong ruổi khắp nơi, đóng nhiều vai, làm nhiều nghề để kiếm sống. Để rồi khi đất nước thống nhất, chính đôi vai nhỏ của người phụ nữ ấy đã gánh nhiều phận nghèo vượt lên hoàn cảnh, cùng bà đưa bèo, cỏ đi Tây thu ngoại tệ về cho đất nước…
(BDO)
Bà Cúc luôn gần gũi, cùng làm việc với công nhân trong xưởng. Ảnh: KHÁNH VINH
Bán nhà đi tìm thị trường
Năm 1977, tổ hợp sản xuất Mây tre lá phường 16 (phường Uyên Hưng, TX.Tân Uyên hiện nay) đổi tên thành Hợp tác xã (HTX) Mây tre lá Ba Nhất, do bà Cúc làm Chủ nhiệm. Tuy nhiên, trong một thời gian dài HTX thiếu nguyên liệu sản xuất, vì lúc đó mây, tre, lá cũng phải mua bằng tem phiếu. Khi bà Cúc chủ động đi tìm mua nguyên liệu, nhiều người e ngại không dám cung cấp vì nghĩ bà đang… buôn lậu. Bà Cúc nhớ lại: “Khó khăn lắm, có khi mình luồn lách trong rừng mấy ngày cũng chỉ mua được vài gánh lá buông về cho chị em làm. Vậy mà còn bị chính quyền hỏi thăm mấy lần”. Vốn là người bản lĩnh, bà Cúc đến gặp lãnh đạo địa phương và trình bày khó khăn và thuyết phục cho phép thành lập ban cung ứng vật tư để cung cấp nguyên liệu làm sản phẩm từ mây, tre, lá.
HTX Mây tre lá Ba Nhất làm ăn yên ổn không được bao lâu thì xảy ra tình trạng nhiều HTX trong cả nước bị giải thể. Khi đó, 60 triệu đồng tiền vốn của HTX không được hoàn trả; sản phẩm trị giá 18 triệu đồng không có nơi tiêu thụ, nằm kho vài tháng đã ẩm mốc, phải đốt bỏ. Trong hoàn cảnh đó, hàng ngàn công nhân của HTX Ba Nhất lần lượt bỏ nghề, kiếm kế khác sinh nhai, HTX chỉ còn lại 70 xã viên. Không chịu cảnh để HTX làm ăn đình đốn, bà Cúc quyết định bán căn nhà đang ở lấy 80 triệu đồng để đi tìm đầu ra cho sản phẩm của HTX. Lúc đó, chồng con của bà phải đi thuê nhà trọ để ở. Với số tiền bán nhà, bà sang Liên Xô, Philippines, Trung Quốc học hỏi cách làm của họ, rồi sang các nước châu Âu tìm thị trường. Quả là một hành trình gian nan. Ở nhà, nhiều người khi đó đồn bà Cúc bỏ xứ vượt biên đi trốn nợ.
Sau chuyến đi dài, trở về nước với sự am hiểu về nhu cầu thị trường ở nước ngoài cũng như những kỹ thuật mới về bèo, lục bình, bẹ chuối, cỏ… bà Cúc đã bắt tay vào làm một việc “chẳng giống ai” ở thời điểm ấy. Bà cho người trong HTX đi gom lục bình, bẹ chuối về làm hàng mỹ nghệ. Sản phẩm HTX làm ra đẹp và bền chắc. Có hàng, bà Cúc lại xin các khách sạn, nhà hàng có nhiều người nước ngoài lui tới để trang hoàng giúp họ bằng các sản phẩm mỹ nghệ của mình, không quên kèm theo lời nhắn: “Nếu khách nào hỏi mua, xin cho giùm địa chỉ HTX tui nhé!”.
Không lâu sau, có một doanh nhân Đài Loan tên Linky tìm đến tận HTX Ba Nhất để đặt một đơn hàng trị giá 100.000 USD. Nhận được đơn đặt hàng, bà Cúc mừng đến rơi nước mắt. Nhưng khi HTX chỉ mới giao được 4.000 USD sản phẩm thì phải hủy hợp đồng giữa chừng do lúc bấy giờ HTX chưa được trực tiếp làm ăn với nước ngoài.
Bán bèo, cỏ lấy ngoại tệ
Đến năm 1993, khi các rào cản của cơ chế cũ đã được xóa bỏ, thấy đã đến lúc có thể phát triển mạnh mẽ ngành mây tre lá xuất khẩu, bà Cúc lấy 2 ha đất nông nghiệp của gia đình ở thị trấn Uyên Hưng (trước đây) làm nhà xưởng. Từ đó, lượng hàng làm ra nhiều hơn và bà tiếp tục tìm cách tăng xuất khẩu sản phẩm. Lần này, bà đến tận các điểm du lịch nổi tiếng để trưng bày sản phẩm. Ngay lập tức, bà được ông Morell, một doanh nhân Pháp, đặt đơn hàng 200.000 USD. Sau đó, thấy HTX Ba Nhất làm sản phẩm tốt, ông Morell tiếp tục ký thêm hợp đồng đặt hàng hơn 100 container hàng mỹ nghệ mây tre lá, lại cho ứng 20.000 USD để HTX xây dựng gian hàng giới thiệu sản phẩm. Tiếp đó, có thêm một doanh nhân Nhật Bản tên là Yamamoto đặt đơn hàng lên đến 500.000 USD.
Ít ai biết được rằng, trước thời điểm lệnh cấm vận Việt Nam của Hoa Kỳ chưa được dỡ bỏ, sản phẩm của Ba Nhất đã xuất khẩu sang quốc gia này. Để làm được điều này, bà Cúc đã phải xuất hàng quá cảnh sang Canada và Hà Lan rồi vào thị trường Hoa Kỳ. Nhận thấy hàng của mình có thể cạnh tranh được ở thị trường giàu tiềm năng này, bà Cúc ký gửi cho các hãng bán lẻ lớn phân phối sản phẩm.
Đến ngày 17-11-2000, khi Tổng thống Hoa Kỳ B.Clinton sang thăm Việt Nam, bà soạn một lá thư bằng tiếng Anh gửi bà Hillary, phu nhân tổng thống, với nội dung đề nghị hỗ trợ đưa sản phẩm mây tre lá vào thị trường Hoa Kỳ nhằm giúp xóa đói giảm nghèo. Sau đó, phía Hoa Kỳ đã giúp đỡ bà đem sản phẩm mây tre lá bán vào thị trường của họ bằng cách tài trợ tiền và bảo lãnh cho HTX Mây tre lá Ba Nhất tham gia các hội chợ.
Hội chợ quốc tế đầu tiên mà HTX Mây tre lá Ba Nhất được tham gia là Hội chợ Atlanta năm 2003. Từ hội chợ này, các hãng bán lẻ hàng mỹ nghệ của Hoa Kỳ đã chú ý hàng mây tre lá của Việt Nam. Bởi trước đó, dù nhu cầu thị trường Hoa Kỳ rất lớn nhưng hàng Trung Quốc vẫn chiếm đại đa số trên các kệ hàng. Từ đó, hàng ngàn mẫu mã sản phẩm của Ba Nhất được các hãng bán lẻ hàng đầu như World Mark, Target, Ikea… nhận phân phối. Nay sản phẩm mây tre lá của HTX Ba Nhất đã có mặt trên 40 nước. Đó cũng là niềm tự hào chung của giới mỹ nghệ trong nước.
Những năm gần đây, HTX Mây tre lá Ba Nhất luôn đạt doanh thu trên dưới 200 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu khoảng 10 triệu USD/năm. Hiện nay, HTX có 1.355 lao động tại chỗ và hơn 20.000 lao động sơ chế nguyên liệu, làm hàng gia công ở các tỉnh Thanh Hóa, Long An, Ninh Bình, Nam Định, Sóc Trăng… Đó là chưa kể đến các HTX được bà Cúc thành lập ở các địa phương để cung ứng nguyên liệu.
Trước đây, khách hàng của HTX Ba Nhất đặt hàng theo mùa vụ, nay nhiều khách hàng lớn có uy tín trên thế giới đã ký hợp đồng lớn với Ba Nhất, số lượng lên đến hàng trăm ngàn sản phẩm. Đạt được thành quả đó chính là nhờ bà Cúc đã xây dựng cho mình một đội ngũ tiếp thị năng động và rất giỏi tiếng Anh để giao tiếp mở rộng quan hệ kinh doanh. Bà còn cử nhiều chuyên gia sang nước ngoài để liên tục cập nhật thông tin, tìm hiểu nhu cầu thị trường, tìm kiếm đối tác.
Bên cạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, 35 năm qua bà Cúc còn dựng vợ, gả chồng cho hơn 200 đôi uyên ương là lao động của HTX. Với người đã có nhà bà giúp vốn làm ăn, với người chưa có nhà bà xây tặng nhà để họ yên tâm làm ăn, sinh sống. Con em trong HTX bà đều hỗ trợ tiền đi học hàng năm, lại lập quỹ khuyến học để thúc đẩy việc học hành cho các em.
Sau những ngày làm việc mệt nhọc, bà lại chăm sóc cỏ cây trong vườn. Khu nhà xưởng và nhà ở tại Tân Uyên trước đây là một khu rừng rậm rạp, bom mìn thời chiến tranh còn ngổn ngang, sau nhiều năm cải tạo, bà Cúc đã có được một ngôi nhà nhỏ xinh xắn nằm giữa vườn cây. Xưởng mây tre lá Ba Nhất nhộn nhịp khách đến tham quan, container liên tục xuất hàng đi. Chính vì thế, dù có resort ở Phan Thiết, Bình Thuận, nhà cao cửa rộng ở quận Bình Thạnh, TP.Hồ Chí Minh nhưng gần như toàn bộ thời gian sinh hoạt và làm việc bà đều dành trọn cho HTX Mây tre lá Ba Nhất ở TX.Tân Uyên. “Tui muốn ở bên những người lao động gắn bó với mình. Không phải để kiểm soát họ, mà là để thông cảm, chia sẻ với mọi người”, bà Cúc tâm tình.
Bà Nguyễn Thị Cúc đã đưa HTX Mây tre lá Ba Nhất vượt qua nhiều khó khăn, thử thách trong suốt 35 năm kể từ ngày thành lập. Nói về bí quyết thành công trong thời điểm hàng loạt công ty xuất khẩu mỹ nghệ đang gặp khó khăn, bà cho biết: “Ba Nhất đang thực thi giải pháp phải sản xuất bán cái người ta cần, chứ không chỉ bán cái mà mình đang có. Nhờ vậy, khách luôn tìm đến chúng tôi, dù bây giờ hàng mây tre lá đầy ra đó!”. Nhiều người hỏi vì sao bà có vốn, có mối quan hệ trong tay mà lại không chuyển đổi ngành nghề làm ăn để thu nhiều lợi nhuận hơn, bà Cúc chỉ cười bảo: “Tui chọn làm mây tre lá là vì nó giúp người nghèo dễ dàng kiếm tiền, giúp nhiều người ở dưới đáy xã hội có thể kiếm chén cơm ăn”.
KHÁNH VINH