Bà Nguyễn Hồng Sáng, Giám đốc sở Giáo Dục - Đào Tạo: Chuẩn bị tốt cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2016
Theo kế hoạch của Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT), đầu tháng 7 tới sẽ diễn ra kỳ thi THPT quốc gia năm 2016. Tạo điều kiện thuận lợi cho các thí sinh, chủ trương của bộ là năm nay sẽ tổ chức cụm thi địa phương, mỗi tỉnh có ít nhất 1 cụm thi. Thời gian đang dần được rút ngắn, công tác chuẩn bị về mọi mặt phục vụ cho kỳ thi đã được ngành GD-ĐT tỉnh Bình Dương lên kế hoạch cụ thể. Xoay quanh về vấn đề này, phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Hồng Sáng, Giám đốc Sở GD-ĐT.
(BDO)
Thời điểm này, học sinh lớp 12 tập trung ôn tập quyết liệt, chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2016
- Theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, mỗi tỉnh, thành phố tổ chức cụm thi cho thí sinh dự thi để xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học - cao đẳng (ĐH-CĐ), cụm thi để cho thí sinh dự thi để xét tốt nghiệp THPT, vậy Bình Dương tổ chức bao nhiêu cụm thi, thưa bà?
- Thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, từ năm 2015 Bộ GD-ĐT quyết định gộp 2 kỳ thi: tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ thành 1 kỳ thi chung. Việc tổ chức 1 kỳ thi với 2 mục đích là vừa xét tốt nghiệp, vừa xét tuyển sinh ĐH, CĐ sẽ giảm bớt áp lực thi cử cho học sinh (HS) và giảm gánh nặng cho xã hội.
Theo Quy chế thi THPT Quốc gia năm 2016, mỗi tỉnh, thành tổ chức 2 loại cụm thi: Cụm thi cho thí sinh dự thi để lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH-CĐ do trường ĐH chủ trì, phối hợp với sở GD-ĐT và trường ĐH khác tổ chức (cụm thi ĐH); cụm thi cho thí sinh dự thi để lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT do Sở GD-ĐT chủ trì, phối hợp với trường ĐH-CĐ tổ chức (cụm thi tốt nghiệp). Riêng Bình Dương, do đặc thù của tỉnh chỉ tổ chức cụm thi ĐH. Bộ GD-ĐT đã giao trường ĐH Kinh tế Luật - ĐH Quốc gia TP.HCM chủ trì cụm thi, phối hợp với Sở GD-ĐT và trường ĐH Thủ Dầu Một tổ chức.
- Vậy ngành chọn địa bàn nào để đặt hội đồng thi, thưa bà?
- Hiện nay, sở đã sắp xếp các đơn vị thi tại trung tâm thị trấn, thị tứ của tỉnh. Vừa qua, trường ĐH Kinh tế Luật đã đến khảo sát và quyết định chọn 6 trường THCS và 6 trường THPT ở TP.Thủ Dầu Một, TX.Thuận An và trường ĐH Thủ Dầu Một làm hội đồng thi. Những trường này đủ về điều kiện cơ sở vật chất, nằm ở trục lộ ít ùn tắc giao thông.
- Thưa bà, để kỳ thi THPT quốc gia đạt kết quả cao, hoạt động ôn tập được thực hiện như thế nào?
- Từ đầu năm học, sở đã chỉ đạo các trường dạy tăng tiết ở 3 môn: toán, văn, ngoại ngữ. Đầu tháng 4, sau khi kết thúc kỳ thi học kỳ II, các trường tổ chức ôn tập quyết liệt, đồng thời sở chỉ đạo các trường tổ chức cho HS thi thử để các em làm quen với dạng đề thi, cách thức thi quốc gia.
Để kỳ thi đạt hiệu quả cao, sở có kế hoạch mời giảng viên trường ĐH Sư phạm TP.Hồ Chí Minh về bồi dưỡng các môn chính cho đội ngũ giáo viên để giảng dạy cho HS theo hướng đề thi của bộ, với tỷ lệ 60% câu hỏi dành cho HS tốt nghiệp THPT và 40% câu hỏi nâng cao để xét tuyển ĐH, CĐ. Ngoài ra, ngành cũng chỉ đạo các trường phối hợp với phụ huynh tư vấn HS lựa chọn môn thi chính xác, phù hợp với năng lực của các em. Nhìn chung, công tác chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia được ngành GD-ĐT chuẩn bị tương đối tốt. Giờ đây thầy trò các trường đang ôn luyện cật lực, giúp các em vượt qua kỳ thi quan trọng sắp tới.
Nhân đây tôi cũng khuyên phụ huynh tập trung chăm lo sức khỏe cho con em, bảo đảm chế độ ăn uống hợp lý. Phụ huynh cũng không nên gây áp lực căng thẳng, không nên cho các em ôn luyện quá nhiều, cần tạo cho các em tư thế tự tin để làm bài tốt ở kỳ thi 2 trong 1.
- Xin cảm ơn bà!
A.SÁNG (thực hiện)