Ba ngày liền thế giới ghi nhận hơn 3 triệu ca mắc COVID-19 trong ngày
(BDO)
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Lima, Peru, ngày 12/1/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 9h sáng 15/1 (giờ Việt Nam), trên thế giới có tổng cộng 324.052.280 ca mắc COVID-19, trong đó 5.546.741 ca tử vong. Số ca hồi phục là 265.258.442 ca.
Thế giới tiếp tục ghi nhận ngày thứ 3 liên tiếp có số ca nhiễm mới trong một ngày vượt 3 triệu ca. Trong 24 giờ qua, toàn cầu có 3.160.204 ca mắc mới, trong đó Mỹ là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với 795.582 ca nhiễm mới.
Tiếp sau đó là Pháp với 329.371 ca, Ấn Độ với 267.345 ca, Italy với 186.253 ca, Tây Ban Nha với 162.508 ca.
Về số ca tử vong, trong 24 giờ qua, Mỹ cũng là quốc gia có số người không qua khỏi cao nhất trên toàn cầu với 2.114 ca tử vong, sau đó đến Nga với 739 ca, Ấn Độ với 430 ca, Ba Lan với 423 ca, Italy với 360 ca.
Tại châu Phi, tính đến chiều 14/1, châu lục này đã ghi nhận hơn 10,245 triệu ca bệnh. Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) châu Phi đã đưa ra thông báo này và cho biết toàn châu lục với 55 quốc gia cũng ghi nhận tổng cộng 233.203 ca tử vong.
Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp do biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 gây ra tại Mỹ, một quan chức cấp cao trong chính quyền của Tổng thống Joe Biden cho biết Nhà Trắng sẽ cho ra mắt một trang web mới vào ngày 19/1 để cung cấp 500 triệu bộ xét nghiệm nhanh COVID-19 miễn phí tới tận nhà người dân. Theo đó, mỗi hộ gia đình có thể đăng ký nhận 4 bộ xét nghiệm nhanh.
Khu vực Mỹ Latinh và Caribe đã ghi nhận số ca nhiễm mới cao kỷ lục với hơn 300.000 ca mắc mới mỗi ngày từ ngày 7-13/1 vừa qua, tăng 126% so với 7 ngày trước đó.
Với trung bình 304.000 ca nhiễm mới mỗi ngày, khu vực Mỹ Latinh đã có số ca mắc mới theo ngày cao gần gấp đôi so với mức cao ghi nhận trong làn sóng dịch bệnh trước đó (trung bình 155.000 ca nhiễm mới/ngày từ ngày 28/5-3/6/2021).
Số ca tử vong trung bình trong cùng thời gian trên ở mức 621 trường hợp, tăng 44% so với tuần trước đó. Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong trong giai đoạn này thấp hơn nhiều so với con số ghi nhận từ ngày 6-12/2021 với trung bình hơn 5.500 ca tử vong mỗi ngày.
Argentina là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất ở khu vực Mỹ Latinh khi ghi nhận 140.000 ca bệnh và 96 ca tử vong trong trung bình 7 ngày (tính đến ngày 13/1).
Ngày 14/1, Argentina đã ghi nhận 139.853 ca nhiễm mới, mức tăng theo ngày cao nhất từ trước đến nay. Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, Argentina ghi nhận tổng cộng gần 7 triệu ca nhiễm, trong đó hơn 117.000 ca tử vong.
Tại Mexico, Ủy ban liên bang về phòng chống các nguy cơ y tế (Cofepris) đã phê duyệt sử dụng khẩn cấp thuốc viên paxlovid của hãng dược phẩm Pfizer để điều trị bệnh nhân COVID-19 ở thể nhẹ, trung bình và có nguy cơ biến chứng.
Cofepris cho biết thuốc paxlovid có hai thành phần nirmatrelvir và ritonavir kết hợp với nhau giúp giảm tới 88% tỷ lệ bệnh nhân phải nhập viện và tử vong.
Phó Thủ tướng Nga Tatyana Golikova cho biết giới chức nước này sẽ cấp giấy chứng nhận COVID-19 cho người dân, kể người nước ngoài, dựa trên kết quả xét nghiệm kháng thể.
Việc cấp giấy chứng nhận sẽ được bắt đầu thực hiện từ ngày 1/2 tới. Người nước ngoài và người Nga tiêm vaccine nước ngoài cũng sẽ được cấp giấy chứng nhận COVID-19 nếu có kháng thể và giấy này sẽ có giá trị trong vòng 6 tháng./.
Theo TTXVN