Bà Lê Minh Lý, Phó Giám đốc điều hành Bảo hiểm Xã hội Bình Dương: Nhiều quy định về chế độ thai sản đối với lao động nam
(BDO) Khi tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), chế độ thai sản không chỉ là vấn đề lao động nữ quan tâm màngay cảlao động nam cũng vậy. Giải đáp vấn đề này, phóng viên Báo Bình Dương đã trao đổi với bà Lê Minh Lý, Phó Giám đốc điều hành BHXH Bình Dương về các quy định liên quan đến chế độ thai sản hiện hành.
Nhiều lao động nam được hưởng chế độ thai sản khi vợ sinh con. Trong ảnh: Công nhân Công ty Cổ phần Công nghiệp Đông Hưng (TX.Dĩ An) trong giờ làm việc. Ảnh: T.LÝ
- Thưa bà, bà có thể cho biết trường hợp người chồng tham gia BHXH khi vợ sinh con thì được giải quyết chế độ thai sản như thếnào?
- Đối với lao động tham gia BHXH, không chỉ có người vợ mới được hưởng chế độ thai sản mà Luật BHXH 2014 có hiệu lực từ ngày 1-1-2016 cũng có quy định về giải quyết chế độ thai sản liên quan đến người chồng.
Căn cứ khoản 2, Điều 34, Luật BHXH số 58/2014/QH13 quy định, lao động nam đang đóng BHXH khi vợ sinh con sẽ được nghỉ việc từ 5 - 14 ngày tùy trường hợp. Cụ thể, người chồng được nghỉ 5 ngày làm việc trong trường hợp vợ sinh thường, 7 ngày khi vợ sinh phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi. Nếu vợ sinh đôi thì chồng được nghỉ 10 ngày, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 3 ngày làm việc. Đặc biệt, khi vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì chồng được nghỉ 14 ngày. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho nam giới được tính trong khoảng thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày vợsinh con. Bên cạnh đó, thời điểm vợ sinh con nhưng chỉ có cha tham gia BHXH, mẹ không tham gia BHXH thì chồng được trợ cấp một lần bằng 2 lần mức lương cơ sở tại tháng đầu.
- Sau khi sinh con mà mẹ chẳng may chết thì người chồng có được tính chế độ thai sản không?
- Nếu chỉ có người mẹ tham gia BHXH mà chết sau khi sinh thì cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được hưởng chế độ thai sản đối với thời gian còn lại của người mẹ. Nếu chỉ có cha tham gia BHXH mà mẹ chết sau khi sinh con, hoặc gặp rủi ro sau khi sinh mà không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con theo xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì cha được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 6 tháng tuổi.
Trường hợp mẹ tham gia BHXH nhưng không đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản thì cha được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 6 tháng tuổi. Nếu cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng không nghỉ việc thì ngoài tiền lương còn được hưởng chế độ thai sản với thời gian còn lại của mẹ theo quy định.
- Người mẹ sau khi sinh mà đi làm trước lúc hết thời gian nghỉ chế độ thai sản và bị ốm thì có được giải quyết hưởng chế độ ốm đau không?
- Khoản 1, Điều 3 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29-12-2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc, hướng dẫn về điều kiện hưởng chế độ ốm đau như sau: người lao động (NLĐ) theo quy định được hưởng chế độ ốm đau trong các trường hợp bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động hoặc điều trị thương tật, bệnh tật tái phát do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế; NLĐ phải nghỉ việc để chăm sóc con dưới 7 tuổi bị ốm đau và có xác nhận của cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền.
Như vậy, trước khi hết thời hạn nghỉ chế độ thai sản mà người mẹ khi đi làm bị ốm phải nghỉ việc điều trị và có đầy đủ giấy tờ xác nhận của cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền thì sẽ được giải quyết hưởng chế độ ốm đau theo quy định.
- Trường NLĐ bị sẩy thai hoặc con sinh ra bị chết thìchế độthai sản sẽ được giải quyết ra sao?
- Khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý thì lao động nữ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền. Thời gian nghỉ việc tối đa được quy định như sau: 10 ngày nếu thai dưới 5 tuần tuổi; 20 ngày nếu thai từ 5 tuần tuổi đến dưới 13 tuần tuổi; 40 ngày nếu thai từ13 tuần tuổi đến dưới 25 tuần tuổi; 50 ngày nếu thai từ 25 tuần tuổi trở lên. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định này tính cả ngày ngh lễ, nghỉ tết, nghỉ hàng tuần.
Ngoài ra, đối với trường hợp sau khi sinh con, nếu con dưới 2 tháng tuổi bị chết thì mẹ được nghỉ việc 4 tháng tính từ ngày sinh con; con từ 2 tháng tuổi trở lên bị chết thì mẹ được nghỉ việc 2 tháng tính từ ngày con chết. Thủ tục gồm: Bản sao giấy khai sinh hoặc bản sao giấy chứng sinh của con; bản sao giấy chứng tử của con trong trường hợp con chết. Trích sao hồ sơ bệnh án hoặc giấy ra viện của người mẹ trong trường hợp con chết sau khi sinh mà chưa được cấp giấy chứng sinh; đơn vị sử dụng lao động sẽ chuyển hồ sơ cho cơ quan BHXH nơi đang đóng BHXH để giải quyết trợ cấp thai sản cho NLĐ.
Theo số liệu thống kê của BHXH Bình Dương, từ ngày 1-1-2016 đến nay, BHXH đã duyệt chi cho 20.878 người thuộc chế độ sinh con. Như vậy, với số liệu trên thì lao động nam cũng đã được hưởng các chế độ thai sản tương ứng khi vợ sinh con.
THIÊN LÝ (thực hiện)