Ba cách ăn gạo lứt giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường

Thứ bảy, ngày 09/11/2024

(BDO) Ăn cơm lứt với protein nạc, chất xơ, chất béo tốt, chia khẩu phần nhỏ có thể giảm nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường.

Bác sĩ Trần Thị Trà Phương, Khoa Dinh dưỡng Tiết chế, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết thông tin trên, thêm rằng bổ sung các chất dinh dưỡng này vào bữa ăn làm chậm quá trình tiêu hóa và hấp thụ gạo, có thể ngăn lượng đường trong máu tăng đột biến. Chất xơ có nhiều trong các loại rau, đậu. Protein nạc được tìm thấy trong thịt gà không da, cá, đậu phụ, trứng hoặc lòng trắng trứng, phô mai ít béo. Chất béo tốt từ các loại hạt, dầu ô liu, quả bơ.

Ăn gạo lứt với chất xơ

Gạo lứt thực chất là gạo trắng chưa qua tinh chế, chưa loại bỏ các chất dinh dưỡng ở lớp ngoài. Hai trong số các chất dinh dưỡng đó là chất xơ, magiê góp phần điều chỉnh lượng đường trong máu. Ăn cơm gạo lứt với các loại đậu và rau nhiều chất xơ tự nhiên sẽ ít ảnh hưởng đến lượng đường trong máu. Trong đó các loại đậu như đậu đen, đậu gà, đậu Hà Lan... cũng có nhiều folate, kali, sắt và kẽm, mang lại nhiều lợi ích dinh dưỡng.

Gia đình nấu đậu cùng với gạo lứt hoặc nấu riêng ăn cùng với cơm lứt giúp món ăn mềm, thơm hơn. Thay thế toàn bộ gạo trắng bằng gạo lứt và đậu trong bữa ăn góp phần giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.

Ăn gạo lứt với protein nạc

Thực phẩm giàu protein nạc như thịt gà và cá không chứa carbohydrate nên không làm tăng lượng đường trong máu. Ăn gạo lứt với protein nạc hỗ trợ kiểm soát lượng đường trong máu, tăng cảm giác no lâu. Người ăn nên chọn thịt gia cầm không da, cá, đậu phụ, các sản phẩm từ sữa ít béo, có thể kết hợp chúng với ngũ cốc nguyên hạt và rau để tạo ra bữa ăn cân bằng.

Ăn gạo lứt với chất béo tốt

Thay chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa bằng chất béo không bão hòa như dầu ô liu, quả bơ, các loại hạt bởi chúng có thể cải thiện độ nhạy insulin, giảm viêm. Chất béo omega-3 trong cá trích, cá mòi, cá thu, cá hồi vân và cá ngừ vây dài có thể giảm nguy cơ mắc bệnh tim và tình trạng viêm. Dùng cơm lứt với cá nướng, luộc hoặc hấp có thể tránh dư thừa carbohydrate và calo. Mỗi người nên ăn cá béo ít nhất hai lần một tuần để kiểm soát lượng đường huyết.

Dưới đây là một số gợi ý về cách kết hợp, chế biến món ăn với gạo lứt.

- Ớt chuông nhồi gạo lứt thêm dầu ô liu, ăn kèm sốt cà chua với phô mai ít béo.

- Cá ăn kèm với gạo lứt, đậu xanh và hạnh nhân.

- Gạo lứt trộn với dầu ô liu, phô mai feta, bí xanh, cà tím và ớt chuông nấu chín.

- Súp gà và gạo lứt nấu với rau.

- Cơm gạo lứt ăn kèm với đậu chiên chay, ớt chuông nướng và hành tây, cùng thịt gà.

- Bắp cải nhồi gạo lứt kèm thêm hành tây, thịt gà tây xay nạc, nước sốt cà chua.

Ngoài thay đổi chế độ ăn, bác sĩ Trà Phương khuyến cáo người bình thường hoặc đang ở giai đoạn tiền tiểu đường cần kết hợp chế độ tập luyện thể thao phù hợp. Hạn chế thực phẩm giàu tinh bột, đường, mỡ. Khám sức khỏe định kỳ. Bổ sung các dưỡng chất chứa thành phần GDL-5 thiên nhiên (còn gọi là Policosanol được tinh chiết từ phấn mía Nam Mỹ) góp phần điều hòa hoạt động men HMG-CoA reductase và tăng hoạt hóa receptor tế bào giúp giảm nguy cơ tăng đường huyết, huyết áp, tim mạch do mỡ máu.

Theo VNE

Từ khóa: