ATM hết tiền, ngân hàng bị phat: Người dân đồng tình, ngân hàng trăn trở!
Từ ngày 12-12-2014, ngân hàng (NH) nào để máy ATM hết tiền, ngừng hoạt động 24 giờ không thông báo sẽ bị phạt từ 10 - 15 triệu đồng theo Nghị định 96/2014/ NĐ-CP của Chính phủ. Trong những ngày đầu thực hiện, Bình Dương vẫn còn tình trạng một số trụ ATM bị lỗi giao dịch hay ngừng hoạt động. Để nghị định đi vào cuộc sống, các NH trong tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp để khắc phục.
(BDO)
Nhiều ngân hàng lắp trụ ATM để phục vụ khách hàng. Trong ảnh: Khách hàng rút tiền từ thẻ ATM Ảnh: Đ.TUÂN
ATM… còn lỗi
Theo nhận định của khách hàng, một số trụ ATM ở khu vực TP.TDM, TX.Thuận An và TX.Dĩ An... tình trạng hết tiền, lỗi máy đã được các NH khắc phục. Tuy nhiên, vẫn còn một số trụ ATM vẫn ngừng hoạt động hoặc thông báo đang trong tình trạng bảo trì. Điển hình là trụ ATM trước cổng Bưu điện phường An Phú (TX.Thuận An). Tại đây, rất nhiều người đứng chờ rút tiền nhưng vẫn không thực hiện được giao dịch vì máy đã ngưng phục vụ nhưng không thông báo. Chị Nguyễn Thị Hoa, phường An Phú phàn nàn: “Đúng là tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa, vì sợ rút tiền ở trụ ATM của NH khác dễ bị “nuốt” thẻ nên mình đã chọn NH mình mở thẻ ATM để rút tiền. Đến rút tiền thì trụ ATM lại không hoạt động”. Chung cảnh ngộ với chị Hoa, anh Đặng Văn Thành (Khu công nghiệp Sóng Thần, TX.Dĩ An) đến trụ ATM NH Thương mại Cổ phần N.H. ngay cổng chào KCN Sóng Thần rút tiền nhưng máy lại thông báo “Tạm ngừng phục vụ để bảo dưỡng”. Anh Thành than phiền, tình trạng này anh gặp rất nhiều, nhất là vào những ngày lãnh lương, tết… phải đợi 2- 3 ngày sau máy mới có tiền trở lại. Nhiều khi cần tiền, anh phải đi rút từ mấy ngày hôm trước để phòng trụ ATM hết tiền.
Để tránh tình trạng không rút được tiền, nhiều người đã chuyển sang dùng thẻ của một NH lớn, uy tín với mạng lưới trụ ATM phủ khắp. Chị Phạm Thị Kim Chi, phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một, chia sẻ kinh nghiệm nếu cần tiền ngay, mọi người nên chọn những trụ ATM đặt trước các điểm giao dịch của những NH vì ở đó ít xảy ra tình trạng hết tiền, nên tránh rút tiền vào những ngày cao điểm như tới kỳ lãnh lương...
Người dân đồng tình
Trước thực trạng các trụ ATM thường xuyên bị lỗi, người dân sử dụng thẻ ATM luôn mong được giải quyết kịp thời, nhất là vào dịp cuối năm, khi nhu cầu mua sắm, thanh toán, chi lương thưởng… tăng mạnh. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm ATM thường xuyên bị nghẽn, sập mạng, gặp vấn đề về sự cố đường truyền, hết tiền gây nhiều bức xúc cho người dân. Nâng cao chất lượng ATM, Chính phủ ban hành Nghị định 96/2014/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và NH. Nghị định “rơi” đúng thời điểm nhu cầu rút tiền mặt của người dân tăng cao so với ngày thường. Vì vậy, người dân kỳ vọng khi bị chế tài các NH sẽ nâng cao chất lượng dịch vụ giao dịch tự động của hệ thống NH.
Anh Nguyễn Quốc Bình, phường Phú Cường, TP.TDM, cho biết khi khách hàng phải trả phí rút tiền và nhiều khoản phí khác để sử dụng thẻ ATM, NH phải làm tròn trách nhiệm của đơn vị cung ứng dịch vụ. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn xảy ra các trường hợp người dân đến giao dịch thì máy ATM hết tiền hoặc nghẽn mạng, không rút tiền được; gọi đến đường dây nóng thì máy liên tục báo bận, khách hàng không thể phản ánh sự cố hay giải quyết các vấn đề về thẻ. Vì vậy, người dân rất hoan nghênh việc Chính phủ ban hành nghị định xử phạt các NH không nâng cao chất lượng dịch vụ ATM.
Tuy nhiên, nhiều khách hàng cho rằng, việc áp dụng các chế tài xử phạt để các NH nâng cao chất lượng ATM khó có thể thực hiện ngày một ngày hai. Ngoài ra, cũng có nhiều ý kiến cho rằng mức phạt như trên là còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe và các NH sẵn sàng nộp phạt. Thêm vào đó, khó có thể xác định lúc đó ATM hết tiền hay bị lỗi. Nhiều khi trụ ATM hết tiền nhưng lại báo lỗi do thao tác của người rút tiền. Do đó, cần có sự vào cuộc của NH Nhà nước để giám sát việc các NH thực hiện đúng nghị định, đem lại uy tín cho NH, cũng như niềm vui cho nhân dân.
Biện pháp thực hiện
Để nâng cao chất lượng ATM, NHNN tỉnh đã ra văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm những quy định của pháp luật về việc thu phí dịch vụ thẻ; các quy định về trang bị, quản lý, vận hành bảo đảm an toàn hoạt động ATM. Ông Nguyễn Phú Cường, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh Bình Dương, cho biết trước đây NHNN đã ban hành Thông tư 36/2012/TT-NHNN quy định về vận hành và bảo đảm an toàn hoạt động của máy ATM nhằm tăng cường trách nhiệm của tổ chức phát hành thẻ cũng như bảo vệ quyền lợi của khách hàng. Thế nhưng, Thông tư 36 chưa quy định chế tài cụ thể để xử phạt các đơn vị vi phạm và vấn đề này chỉ được giải quyết khi Chính phủ ban hành Nghị định 96 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và NH. Trong khi chờ Nghị định 96 có hiệu lực, NHNN sẽ tiếp tục giám sát thường xuyên hoạt động cung ứng dịch vụ của các NH thương mại trên địa bàn tỉnh, nếu phát hiện NH nào sai phạm, cố tình không nâng cao chất lượng dịch vụ ATM như cam kết thì NHNN sẽ kiểm tra, xử lý theo quy định.
Theo Nghị định 96, mức tiền phạt từ 10 - 15 triệu đồng được áp dụng đối với các hành vi để máy ATM hết tiền và không đáp ứng được nhu cầu rút tiền của khách hàng; để máy ATM ngừng hoạt động 24 giờ không thông báo; lắp đặt, thay đổi địa điểm, chấm dứt hoạt động của máy ATM không đúng quy định; đặt máy tại nơi có hệ thống điện không đáp ứng quy định để máy nuốt thẻ của khách hàng khi mất điện đột ngột; không duy trì bộ phận hỗ trợ khách hàng 24/7… |
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Ngọc Linh, Giám đốc NH BIDV chi nhánh Bình Dương, cho biết NH không thiếu tiền và cố gắng không để hết tiền trong các trụ ATM. BIDV Bình Dương hiện có 73 máy trong toàn tỉnh, nhiều nhất là khu vực TP.TDM và các khu công nghiệp. Những lúc cao điểm, có ngày NH nạp tiền vào ATM 2 lần. Khi kiểm quỹ thấy trong trụ ATM dưới 100 triệu đồng là NH nạp tiền thêm nên việc hết tiền là rất hiếm. Tuy nhiên, cũng có lúc ATM hết tiền hoặc không thể giao dịch. Nguyên nhân là do máy quá tải, nhu cầu sử dụng quá cao hoặc chưa kịp nạp tiền. Những trường hợp này chúng tôi thường xử lý ngay trong ngày, có khi chỉ 1 - 2 tiếng sau khi nhận được thông tin phản hồi.
Theo ông Trần Quốc Cường, Phó Giám đốc NH Thương mại Cổ phần Phát triển nhà TP.Hồ Chí Minh chi nhánh Bình Dương, trước khi Chính phủ ban hành nghị định, NH đã có hệ thống giám sát, theo dõi việc tồn quỹ trong ATM; khi máy sắp hết tiền, đơn vị sẽ có bộ phận đến tiếp quỹ ngay, bảo đảm nhu cầu giao dịch của khách hàng. Tuy nhiên, đối với trường hợp nghẽn mạng do lỗi hệ thống hoặc đường truyền của đơn vị cung cấp không ổn định, xảy ra những sự cố khách quan, NH mong muốn khách hàng phối hợp giải quyết kịp thời bằng cách gọi điện thoại đến đường dây nóng của NH.
Để bảo đảm quyền lợi của khách hàng, trường hợp NH không làm tròn trách nhiệm, người dân có thể phản ánh với NHNN Bình Dương để can thiệp. Để giảm tải giao dịch tại các trụ ATM, các chủ thẻ có thể rút tiền tại các quầy giao dịch của các NH thay vì rút tại các trụ ATM. Chủ thẻ có nhu cầu mua sắm có thể thanh toán qua thẻ giao dịch tại các siêu thị (quẹt thẻ thanh toán), không nhất thiết phải rút tiền mặt. Đối với các NH cần tập trung đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ, thường xuyên kiểm tra trụ ATM để kịp thời sửa chữa, tránh gây phiền hà cho khách hàng khi có nhu cầu giao dịch.
Đ.TUÂN - T.LÝ