ASEAN khẳng định vị thế trong khu vực và trên trường quốc tế

Thứ bảy, ngày 08/08/2020

(BDO)

Lễ thượng cờ ASEAN tại Hà Nội. Ảnh: TTXVN

Ngày 8-8-1967, Hiệp hội các quốc gia Ðông - Nam Á (ASEAN) chính thức được thành lập, mở ra một trang mới trong tiến trình hội nhập của khu vực. Trải qua 53 năm hình thành và phát triển, ASEAN đã trở thành một Cộng đồng thống nhất với uy tín ngày càng cao ở khu vực và trên thế giới, đồng thời mang lại những lợi ích thiết thực cho các quốc gia thành viên.

Được thành lập với năm thành viên ban đầu, ASEAN từng bước phát triển thành một tổ chức hợp tác toàn diện và chặt chẽ, bao gồm 10 nước Ðông - Nam Á. Ngày 31-12-2015, Cộng đồng ASEAN chính thức hình thành, ghi dấu mốc lịch sử trong tiến trình liên kết ASEAN. Sự hình thành Cộng đồng ASEAN có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Hiệp hội cũng như các nước thành viên, đồng thời đưa ASEAN trở thành một tổ chức có mức độ liên kết chặt chẽ, đóng vai trò quan trọng ở khu vực.

Trải qua hơn một nửa thế kỷ hình thành và phát triển với nhiều thăng trầm và thách thức, ASEAN đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. ASEAN có tổ chức bộ máy hoàn chỉnh, từ cấp cao xuống cấp Bộ trưởng, quan chức cao cấp và cấp làm việc. Về chính trị - an ninh, Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN có mức độ hợp tác chặt chẽ với nhiều bước tiến quan trọng trong xây dựng lòng tin, chia sẻ các chuẩn mực và quy tắc ứng xử, ngăn ngừa và quản lý xung đột, nâng cao năng lực xử lý những thách thức an ninh. Trong khi đó, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) là không gian kinh tế, mà trong đó về cơ bản không còn thuế quan đối với hàng hóa, đồng thời có sự lưu chuyển khá thuận lợi về dịch vụ, đầu tư, vốn, lao động có tay nghề. Về văn hóa - xã hội, Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN là một khuôn khổ hợp tác chặt chẽ, giúp thúc đẩy bình đẳng và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu, cải thiện cuộc sống của người dân, nâng cao ý thức về cộng đồng và bản sắc chung ASEAN…

Bên cạnh những thành tựu xây dựng cộng đồng, những năm qua, ASEAN khẳng định vị thế là một trong những tổ chức hợp tác khu vực thành công nhất trên thế giới. ASEAN là nhân tố quan trọng hàng đầu trong bảo đảm hòa bình, ổn định và hợp tác vì sự phát triển ở khu vực. Ðó là kết quả của những nỗ lực liên kết nội khối, hợp tác về chính trị - an ninh, nhất là trong ngăn ngừa xung đột thông qua xây dựng lòng tin và chia sẻ các quy tắc ứng xử. Hiệp hội cũng khởi xướng thành công và giữ vai trò chủ đạo trong các diễn đàn, cơ chế khu vực, với sự tham gia của các đối tác, nhằm tăng cường đối thoại và hợp tác xử lý những thách thức đối với hòa bình, an ninh và phát triển. Bên cạnh đó, ASEAN đóng vai trò là động lực chính thúc đẩy hợp tác và liên kết khu vực, nhất là về kinh tế, thương mại. Cùng với tiến trình xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN, Hiệp hội đã chủ động đi đầu trong việc hình thành một mạng lưới các hiệp định thương mại tự do với các đối tác quan trọng như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Ðộ, Ô-xtrây-li-a và Niu Di-lân. ASEAN thúc đẩy nhiều chương trình hợp tác kinh tế, thương mại đa dạng với các đối tác lớn như Mỹ, Ca-na-đa, Liên hiệp châu Âu, Nga và đang đàm phán Hiệp định Ðối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Bằng những nỗ lực bền bỉ mở rộng quan hệ với cộng đồng quốc tế trong 53 năm qua, ASEAN trở thành đối tác quan trọng của nhiều nước và tổ chức khu vực, quốc tế. Các đối tác đều coi trọng quan hệ và đẩy mạnh hợp tác toàn diện với ASEAN cả trong khuôn khổ đa phương và song phương, hỗ trợ ASEAN xây dựng cộng đồng, đồng thời ủng hộ vai trò chủ đạo của Hiệp hội ở khu vực. Ðến nay, đã có 93 nước ngoài khu vực cử Ðại sứ tại ASEAN. Hiệp hội cũng lập 54 ủy ban ASEAN tại nước thứ ba và tổ chức quốc tế.

Với quyết tâm bảo đảm sự phát triển bền vững vì lợi ích của các thế hệ, đặt hạnh phúc, đời sống và phúc lợi của người dân ở vị trí trung tâm của tiến trình xây dựng Cộng đồng, ASEAN đã và đang tiếp tục tiến những bước dài trong quá trình phát triển. Quá trình phát triển đó của ASEAN luôn ghi dấu ấn đậm nét của Việt Nam, một thành viên chủ động, tích cực và có trách nhiệm.

Theo NDĐT

Từ khóa: